Thực tế, thời gian qua, chỉ sau dòng status của ông chủ Facebook Mark Zuckerberg, hay Elon Musk trước đó, đã có nhiều nghệ sĩ Việt Nam (Ngọc Trinh, Cao Thái Sơn, Nam Thư, Khả Như, Kiều Minh Tuấn..) đăng tải loạt bài viết, nội dung về tiền ảo, nhưng sau đó lại đồng loạt xóa bài.
Cần phải nhắc lại rằng, tính đến thời điểm hiện tại, pháp luật Việt Nam chưa công nhận tiền ảo/tiền mã hóa/tiền kỹ thuật số - cryptocurrency (Bitcoin, Ethereum (ETH), Binance Coin, XRP hay Tether) là phương tiện thanh toán hợp pháp. Cơ quan chức năng liên tục lên tiếng về nguy cơ rủi ro khi đầu tư: tiền ảo nhưng hệ lụy thật.
Ngọc Trinh và hàng loạt sao Việt đồng loạt xóa bài về tiền mã hoá
Những ngày qua, sau sự xuất hiện của tỷ phú Elon Musk, ông chủ Tesla, SpaceX và dòng trạng thái (status) của người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg là nguyên nhân khiến đồng tiền ảo Dogecoin ‘sốt’ trở lại, tăng giá mạnh, thu hút rất nhiều nhà đầu tư thế giới cũng như Việt Nam đổ tiền vào các loại tiền mã hóa này.
Điển hình như vào hôm 11/5, nhiều nghệ sĩ Việt Nam như Cao Thái Sơn, Ngọc Trinh, Gin Tuấn Kiệt, Nam Thư, Lê Dương Bảo Lâm, Kiều Minh Tuấn, Khả Như…đã đăng tải lên trang cá nhân trên mạng xã hội Facebook, Youtube các bài viết, status, video về Dogecoin cùng danh sách nhiều đồng tiền mã hóa khác nhau.
Ngày hôm qua, 11/5, cũng có thể được xem là ngày “tiền ảo hệ động vật” khi nhiều loại tiền mã hóa gần như vô danh mang tên các loài vật (chủ yếu là dê, chó) được bơm thổi, tăng giá chỉ qua lời của chính các “yếu nhân” như Mark Zuckerberg hay Elon Musk. Cơn sốt tiền ảo này nhanh chóng lan nhanh, mạnh, tần suất xuất hiện trên các trang mạng xã hội như Facebook tăng mạnh tại Việt Nam sau khi nhiều nghệ sĩ trong làng giải trí Việt đồng loạt đăng tải trạng thái na ná nhau, ám chỉ cơn sốt của Dogecoin, AquaGoat, Shiba Inu…
Tuy nhiên, đến sáng nay (12/5), rất nhiều nghệ sĩ đã đồng loạt xóa, gỡ bỏ các bài viết này khỏi tường Facebook, Instagram, Youtube nhà mình. Được biết, ngoài đồng Dogecoin, trên bài viết của những nghệ sĩ này còn có danh sách nhiều loại tiền mã hoá khác mang tên động vật, lấy cảm hứng từ giống chó như Akita (Akita đồng coin), Shiba (Shiba Inu), Poodle vv...
Không lâu sau những động thái bất thường cho thấy giới Showbiz Việt bất chợt trở nên ‘điên đảo vì tiền ảo’, trong các nhóm về tiền ảo, tiền mã hóa, tiền điện tử, nhiều quản trị viên, thành viên nhóm đã đặt nghi vấn của về bài viết này, đồng thời cho rằng việc xếp FXT Token (được biết đến là núp bóng đa cấp) ngang hàng với Dogecoin hay Shiba là khập khiễng và không hợp lý.
Như vậy, có thể hiểu, lý do xóa bài được cho là vì trong số những đồng tiền ảo mà các nghệ sĩ Việt Nam quảng cáo xuất hiện một loại tiền ảo núp bóng đa cấp FXT Token.
Cảnh giác với tiền ảo núp bóng đa cấp mà nhiều nghệ sĩ Việt quảng cáo
FXT Token là tiền ảo đa cấp được Lion Group (hay Lion Team, Lion Community) sử dụng nhằm lôi kéo các nhà đầu tư với cam kết lợi nhuận lớn, đầy hấp dẫn với lãi suất cam kết lên tới 1% ngày, 288%/năm, theo phương thức đa cấp (4 cấp).
Đây là hoạt động đầu tư tài chính vào lĩnh vực ngoại hối của nhóm Lion Group thông qua sàn FX Trading Markets – vốn là sàn Forex từ nước ngoài và chưa hề được cấp phép hoạt động ở Việt Nam.
Sàn Forex này hoạt động trái phép ở Việt Nam nhưng vẫn luôn công khai rủ rê, lôi kéo, mời gọi nhiều người tham gia theo kiểu “việc nhẹ, lương cao, lợi nhuận siêu khủng”. Vấn đề này vốn đã được Công an TP. Đà Nẵng đưa ra cảnh báo từ hồi đầu tháng 2/2021.
Theo cơ quan Công an, hoạt động của Lion Group không tuân thủ đúng quy định pháp luật, nhà đầu tư mất tiền sẽ không được pháp luật Việt Nam bảo vệ.
Đồng thời, các loại tiền này thường không có thông tin về đội ngũ phát triển, blockchain, whitepaper (sách trắng) hoặc nếu có là giả mạo các đồng tiền đã được công nhận trước đó.
Những ngày qua, nhiều cơ quan báo chí, truyền thông Việt Nam bắt đầu vào cuộc phản ánh sự biến tướng và lừa đảo của Lion Group. Sau đó, vài ngày trước sàn đa cấp của Lion Group cũng tiến hành vô hiệu hóa khả năng rút tiền của người tham gia.
Điều này có nghĩa là, những người mua FXT của Lion Group hiện giờ đang ôm một đống tiền ảo không hề có khả năng thanh khoản và hoàn toàn vô giá trị. Tiền ảo nhưng tổn thất là thật, hậu quả rất thật, hệ lụy vô cùng thật. Nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào sàn Forex này đều đối mặt với rủi ro rất lớn – tiền mất tật mang.
Tuy nhiên, điều gây nguy hiểm chính là, Lion Group vẫn kịp vung tiền để thuê các nghệ sĩ quảng cáo cho FXT nhằm lôi kéo đầu tư, thậm chí là để “hút cú chót”.
Trên các hội nhóm về tiền ảo, tiền điện tử, nhiều nhà đầu tư Việt thực sự am hiểu về crypto rất bức xúc vì một số nghệ sĩ bất chấp tất cả (thậm chí là không hề có kiến thức về tiền mã hóa) để kiếm lời chỉ vì nhiều người dân chưa có đủ thông tin, chưa được trang bị kiến thức, dễ dàng tin theo lời quảng cáo của những nghệ sĩ mình thần tượng, yêu thích.
Nhà đầu tư Vương Lê Vĩnh Nhân (Eric Vương), đồng sáng lập kiêm CEO của VNDC.IO đánh giá hành động quảng bá các nghệ sĩ mà không hiểu hết bản chất sự việc về tiền mã hóa là ‘tội ác, giết người không dao’.
Các nghệ sĩ Việt đăng bài quảng cáo tiền mã hóa nhưng lại thiếu kiến thức cơ bản?
Như đã đề cập, các bài đăng về tiền mã hóa của nhiều nghệ sĩ Việt Nam có những dấu hiệu bất thường.
Ví dụ, mọi bài viết đều có cùng một nội dung, giống nhau đến từng dấu chấm câu “Chốt lại danh sách #DOGE CÝP TỒ nè các tình yêu”…. Và những bài viết này đều nhanh chóng được gỡ bỏ sau vài giờ đăng tải.
Thậm chí, nhiều nghệ sĩ còn cho thấy việc thiếu kiến thức cơ bản về tiền mã hóa trong các bình luận phía dưới. Có thể kể đến như, diễn viên Kiều Minh Tuấn không biết thuật ngữ “moon” (thường để chỉ việc tiền tăng giá mạnh) nghĩa là gì.
Trong giới nghệ sĩ Việt, nam ca sĩ Cao Thái Sơn là gương mặt đầu tiên công khai tham gia thị trường tiền mã hóa. Anh cũng thường có các bài viết về hoạt động của mình trên trang cá nhân.
“Bạn có nên mua crypto (tiền mã hóa) thời điểm này không? Lời khuyên: Mua làm tài sản bằng tiền nhàn rỗi, không dùng đòn bẩy hoặc tiền vay lãi”, bài đăng ngày 11/5 của Cao Thái Sơn viết.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của người viết, đến 14h chiều ngày 12/5, các dòng trạng thái liên quan đến crypto của nam ca sĩ Cao Thái Sơn đã bị gỡ khỏi tường Facebook cá nhân của nghệ sĩ này.
Được biết, khi đồng Dogecoin tăng giá mạnh vào tuần trước đó, nam ca sĩ Cao Thái Sơn cũng từng đăng bài cổ vũ đồng tiền này, kêu gọi mọi người đầu tư. Tuy nhiên, đến khi Dogecoin tụt giá sâu, Cao Thái Sơn đăng bức ảnh kèm bình luận “trở lại làm ca sĩ, không phân tích chứng khoán, crypto nữa”.
Một nhân vật trong giới showbiz khác là hotgirl Ngọc Trinh cũng từng gây chú ý khi đăng bài chỉ trích một sàn giao dịch tiền mã hóa không xác thực người dùng (KYC). Ngọc Trinh sau đó đăng bài cho rằng mình bị sàn lừa đảo.
Ngọc Trinh còn tiếp tục đăng bài khoe ví trên sàn đang sở hữu tiền mã hóa với trị giá nhiều triệu USD. Bài đăng này sau đó bị xóa, thay bằng bài viết “sao y bản chính” những KOL khác rồi lại tiếp tục được gỡ bỏ lần nữa.
Trên thực tế, việc KYC chậm trễ là chuyện bình thường ở các sàn. Theo anh Nguyễn Thế Vinh, đồng sáng lập Coin98 Finance, không chỉ Huobi, nhiều sàn đều cho phép rút tiền với số tiền nhỏ mà không cần KYC.
“Chỉ khi cần rút số tiền lớn thì người dùng mới phải thực hiện KYC. Việc nạp lượng tiền lớn như vậy vào sàn mà không tìm hiểu trước, lại đăng bài nói sàn lừa đảo là không chính xác”, anh Vinh cho biết.
Nghệ sĩ Việt có đang PR, cài cắm thông điệp quảng cáo cho đa cấp?
Trong danh sách tiền mã hóa mà các nghệ sĩ đăng tải, ngoài những đồng theo trào lưu “hệ động vật” thì có một đồng khác biệt, được đặt ở giữa danh sách là FXT (loại tiền ước định được dùng cho dự án của Lion Group).
Thay vì phải tự chơi, nhà đầu tư vào Lion Group được cam kết trả lãi hàng ngày. Mức lãi tổng cả năm của dự án này lên tới 2, 3 lần vốn gốc. Đặc biệt, nhóm Lion Group có nhiều hoạt động bất thường đã được các cơ quan chức năng Việt Nam cảnh báo như vận hành theo phương thức đa cấp chưa được cấp phép, trả lãi cao bất thường, quảng cáo là sàn Forex quốc tế nhưng có đến 90% lượng người truy cập vào FX Trading Markets là đến từ Việt Nam, đặc biệt là việc quy đổi số tiền đầu tư của người tham gia ra đồng tiền ảo có tên là FXT.
Tiền ảo FTX này cũng chỉ được giao dịch trong nội bộ nhóm Lion Group và sàn FX Trading Markets. Trong trường hợp nội bộ không có người mua, hoặc sàn dừng hoạt động, nhà đầu tư sẽ có nguy cơ mất tiền. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều người tham gia sàn giao dịch này có nguy cơ mất đến trên 90% tài sản đã đổ vào.
Kể từ cuối năm 2020, nhiều bài đăng trên các mạng xã hội coi Lion Group như “thần tài” thì sang năm 2021, “gió đảo chiều”, cộng đồng mạng lại tố sàn này là lừa đảo. Tiền lãi không thấy, vốn rót vào cũng không thể rút ra.
Một chuyên gia công nghệ, đồng thời là quản trị viên của một group về tiền kỹ thuật số lớn nhất ở Việt Nam trong cuộc trao đổi với Zing cho rằng việc cài đồng FXT vào giữa danh sách trong bài viết là cách các nghệ sĩ quảng cáo cho sản phẩm của Lion Group.
“Tôi cho rằng việc người nổi tiếng như Ngọc Trinh khoe ví điện tử triệu USD có thể là hành động quảng cáo ngầm cho FXT chứ không phải Dogecoin hay Shiba. Bởi thời gian hiển thị trong hình chụp lệch khá nhiều so với lúc đăng tải. Chưa kể, còn là việc nhiều nghệ sĩ Việt và người nổi tiếng chia sẻ cùng một nội dung bài đăng rất đáng ngờ”, vị chuyên gia này nêu quan điểm.
Minh chứng cho điều này có thể dẫn ra trong ngày qua (11/5), có nhiều ảnh chụp màn hình các bài đăng của nghệ sĩ Việt được cộng đồng người tham gia FXT Token chia sẻ rầm rộ với nội dung:
“Đến Ngọc Trinh, Kiều Minh Tuấn, Khả Như, Cao Thái Sơn, Lê Dương Bảo Lâm, Hải Triều... còn tham gia thì các bạn chần chờ gì?”, bài viết được cho là của người tự nhận mình chính là leader Lion Group.
Đặc biệt, trong các bài viết này, nhóm nghệ sĩ Việt Nam cũng để hashtag #trust. Trust nghĩa là “tin tưởng”, nhưng cũng có thể nói đến Trust Wallet, công nghệ ví trữ tiền mã hóa bằng phần mềm. Trước đó, trong nhóm người dùng bị Lion Group và thông qua sàn này đã lừa đã có nhiều bài cảnh báo không nên gửi tiền vào ví Trust này để tránh mất bằng chứng tố cáo.
Ngoài ra, hiện trong các nhóm bàn luận tiền mã hóa, các thành viên cũng chỉ ra rằng FXT là cái tên khả nghi, bởi đồng tiền này đã được ra mắt từ cuối năm 2020, và hoạt động kêu gọi đầu tư có nhiều dấu hiệu giống đa cấp.
Một số ý kiến cho rằng, các nghệ sĩ của showbiz Việt có thể đang tạo hình ảnh cho một dự án đa cấp mới, nhằm thu hút thật nhiều người đầu tư nhỏ để vét sạch một mẻ lưới lớn, chốt cú chót.
Đầu tư vào “Coin rác” phải đối mặt với rủi ro nào?
Trên thực tế, đối với thị trường tiền mã hóa hiện này, bên cạnh những loại tiền có giá trị vốn hóa lớn, nền tảng công nghệ tốt phía sau thì có nhiều đồng được gọi là “coin rác”.
Giới chuyên gia cho biết, đây là các loại tiền mã hoá giá trị rất thấp, được tạo ra tuỳ hứng, sao chép mã nguồn của các hệ thống uy tín và một số được phục vụ cho những nhóm lừa đảo.
Các coin rác được xây dựng dựa trên công nghệ blockchain có sẵn, thường không có ứng dụng hoặc tự nghĩ ra những ứng dụng rất đơn giản, giá trị rất thấp nhưng lượng cung lại rất cao.
Thời gian qua, đã có không ít ý kiến chuyên gia cảnh bảo về những đồng tiền mã hóa giá trị thấp, dựa trên động vật có tăng trưởng vài lần trong những ngày qua cũng là khoản đầu tư rất rủi ro. Các đồng tiền này có mô hình chung là dùng hình ảnh dễ thương của một con thú, mức giá cực nhỏ, mua đi bán lại nhiều lần để tăng trưởng nhanh.
Dogecoin, AquaGoat chính là những câu chuyện tiền mã hóa động vật thành công nhất. Vốn dĩ chỉ như “một trò đùa” nhưng Dogecoin hay AquaGoat lại tăng trưởng mạnh trong gần một năm qua khi CEO Tesla Elon Musk hay Zuckerberg liên tục nhắc tới đồng tiền này.
Chuyên gia Vương Lê Vĩnh Nhân chia sẻ, các loại tiền này đều bắt đầu với giá rất rẻ, bằng một phần vài chục triệu USD. Chúng được tạo ra, sau đó gửi 50% cho một người nổi tiếng nào đó để làm hình ảnh, rồi bán trên các sàn giao dịch phi tập trung. Họ dùng tiền để tự mua đi bán lại trên những sàn này để tăng giá cả nghìn lần, tạo đà đưa lên sàn lớn.
“Vì con số quá nhỏ nên khi coin tăng lên một mức nhất định thì đã tăng trưởng cả nghìn lần, tạo niềm tin cho những người thiếu hiểu biết. Tới lúc bị xả (bán tháo) thì chỉ có những người đó chịu thiệt thôi”, anh Eric Vương nhấn mạnh.
Việt Nam chưa công nhận tiền ảo
Thời gian qua, như Sputnik Việt Nam đã thông tin, Chính phủ Việt Nam liên tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều công việc, biện pháp, cảnh báo về những rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tài sản ảo, tiền ảo bất hợp pháp.
Ngay từ tháng 2/2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ra thông cáo báo chí cảnh báo rủi ro của bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác tới các cá nhân, tổ chức.
Cuối tháng 10/2017, khi tiền ảo bắt đầu có dấu hiệu gây “sốt” trên phạm vi toàn cầu và lan sang Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã tái khẳng định quan điểm rằng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
“Việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam”, Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.
Về quản lý giao dịch tiền ảo, các sàn ảo, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an cho biết Bộ đã kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính và các bộ, ban, ngành có liên quan nghiên cứu về loại hình đầu tư kinh doanh tiền ảo, từng bước đưa loại hình đầu tư kinh doanh này vào khuôn khổ, theo nhiệm vụ, chức năng của pháp luật Việt Nam để có thể kiểm soát được.
“Các trường hợp cá nhân, tổ chức lợi dụng, sử dụng hình thức đầu tư, kinh doanh, môi giới của những hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng internet, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật, khi có đầy đủ chứng cứ thì cơ quan công an có thể tiến hành xử lý”, Trung tướng Tô Ân Xô nêu rõ.