Nike, Adidas, áo đấu của Cristiano Ronaldo và vị thế kinh tế Việt Nam
Đăng ký
Vì sao chỉ cần nhìn vào chiếc áo thi đấu bóng đá của Cristiano Ronaldo (C7) ở Manchester United (MU) là thấy được vị thế Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn thế giới?
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã có cuộc làm việc với đại diện Tập đoàn Adidas nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Adidas cam kết làm ăn lâu dài ở Việt Nam nhưng mong Chính phủ đẩy nhanh hơn nữa chiến dịch tiêm chủng và sớm kiểm soát đại dịch Covid-19.
Nike, Adidas và Under Armour gặp khó khi các nhà máy tại Việt Nam đóng cửa
Các thương hiệu giày dép hàng đầu vẫn đang đau đầu trước việc các nhà máy phải tạm ngừng hoạt động tại Việt Nam.
Kể từ tháng 7, các nhà máy tại Việt Nam, nơi cung cấp lượng giày dép lớn thứ hai cho Hoa Kỳ sau Trung Quốc, đã phải ngừng hoạt động do tình hình dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng.
Việc đóng cửa nhà máy, thực hiện giãn cách xã hội, đến nay đã được 9 tuần, là vấn đề nghiêm trọng đối với các thương hiệu giày thể thao và quần áo phụ thuộc vào hoạt động cung ứng trong khu vực, theo Footwear News.
Khi mùa mua sắm nghỉ lễ đến gần, các nhà phân tích đã bắt đầu cảnh báo về tác động đến doanh số và hàng tồn kho, khi mà các thương hiệu thể thao có thể gặp nhiều khó khăn hơn các thương hiệu thời trang.
Theo nhà phân tích Camilo Lyon của BTIG, các công ty như Nike, Under Armour, Adidas và Deckers Outdoor’s Hoka là những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ việc nhà máy phải ngừng hoạt động tại Việt Nam.
“Trong khi tình hình còn có nhiều thay đổi, có khả năng ngành sản xuất giày thể thao tại Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ bị hủy đơn hàng trong giai đoạn đầu năm 2022”, theo giới phân tích.
Trong khi cả giày dép thể thao và quần áo thời trang đều bị ảnh hưởng bởi việc nhà máy ngừng hoạt động, sự phức tạp và trình độ chuyên môn cao của đội ngũ nhân viên liên quan đến sản xuất giày dép khiến ngành này dễ gặp khó khăn hơn may mặc.
Đại dịch Covid-19 đang hoành hành ở miền Nam Việt Nam, là nơi đặt phần lớn cơ sở sản xuất của các công ty giày dép và may mặc.
Kể từ khi hai nhà cung cấp cho Nike tại Việt Nam ngừng sản xuất vào tháng 7/2021, công ty đã có gần 2 tháng không có đơn vị sản xuất nào trong khu vực.
Việt Nam trước đây cung cấp 51% sản lượng giày dép của Nike và 30% đơn vị may mặc vào năm ngoái.
Do các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay, hãng dịch vụ tài chính BTIG đã hạ xếp hạng Nike xuống vị trí trung lập (chưa xác định) thay vì khuyến nghị lệnh mua.
“Mặc dù Nike có những công cụ rất tốt để quản lý những rủi ro về gián đoạn cung ứng như vậy, nhưng chúng tôi e rằng vấn đề này quá lớn để kiểm soát, ngay cả đối với thương hiệu giày thể thao tốt nhất trên thế giới”, Lyon cho biết.
© Ảnh : Trần Việt - TTXVNMay hàng mẫu cho các hãng thời trang nước ngoài (như Nike, Lululemon, Mountain Hardwer…) tại Công ty Maxport Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội
May hàng mẫu cho các hãng thời trang nước ngoài (như Nike, Lululemon, Mountain Hardwer…) tại Công ty Maxport Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội
© Ảnh : Trần Việt - TTXVN
“Do đó, chúng tôi hạ xếp hạng Nike xuống mức trung lập cho đến khi có tín hiệu phục hồi tốt hơn quanh mốc định thời điểm quay trở lại quy trình sản xuất và bình thường hóa các hoạt động vận chuyển, cung ứng”, chuyên gia lưu ý.
Cổ phiếu của Nike đã giảm 1,3% sau khi bị BTIG hạ cấp. Adidas và Under Armour cũng giảm vào sáng thứ hai đầu tuần này.
Trong khi đó, các thương hiệu thời trang nói chung ít bị ảnh hưởng bởi việc ngừng hoạt động. Lấy ví dụ của Steve Madden, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Edward Rosenfeld cho biết hôm 28 tháng 7 rằng công ty đã chuyển gần một nửa khối lượng sản xuất thời trang nữ từ Trung Quốc sang Mexico và Brazil trong mùa thu để giảm bớt các công việc tồn đọng.
Các công ty thể thao cũng đang cố gắng giảm thiểu tác động. Adidas đã phân bổ lại sản xuất và tìm nguồn cung ứng cho các khu vực khác và đang sử dụng vận tải hàng không cho các sản phẩm giá cao.
Các nhà máy ở Việt Nam dự kiến sẽ mở cửa trở lại vào ngày 15 tháng 9. Và khi hoạt động này, các nhà phân tích dự đoán rằng hoạt động có thể sẽ trở lại mức sản xuất bình thường theo thời gian.
“Một khi các nhà máy mở cửa trở lại, chúng tôi dự kiến sẽ dần dần xây dựng trở lại công suất sản xuất tối đa đạt 50% vào cuối năm và sau đó sẽ tăng hoàn toàn trở lại 100% vào năm 2022.
Chiếc áo của Cristiano Ronaldo và vị thế Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Theo báo cáo của HSBC, người hâm mộ đặt mua áo Adidas với chữ ký của CR7 phải đợi thêm vài tháng nữa mới nhận được hàng.
Báo cáo của HSBC cũng cho thấy, dù thu về 60 triệu USD từ việc bán áo đấu của Cristiano Ronaldo, câu lạc bộ Manchester United vẫn phải thông báo dời ngày giao hàng đến vài tháng vì các nhà máy của Adidas ở Việt Nam đang đóng cửa.
Cần nhắc lại thực tế rằng, Việt Nam là nước cung cấp gần 30% sản lượng toàn cầu của Adidas. Do đó, việc các nhà máy bị đóng cửa đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung ứng của nhãn hàng này.
Doanh thu từ việc bán áo đấu số 7 của Cristiano Ronaldo đã lập kỷ lục Premier League. Chỉ 12h sau khi áo đấu của Cristiano Ronaldo phát hành, người hâm mộ đã chi tất cả 32,5 triệu bảng (khoảng 60 triệu USD) để mua áo đấu của anh.
Tình trạng thiếu hụt nguồn cung tương tự cũng xảy đến với Nike. Những ví dụ này đã cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Có 88 trong tổng số 112 nhà máy của Nike tại Việt Nam nằm ở miền Đông Nam Bộ, nơi đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư này.
Thị phần da giày Việt Nam chiếm 15% thế giới. Con số này đã tăng gấp đôi so với 10 năm trước. Vị trí số 1 thuộc về Trung Quốc với 30% thị phần.
Đại dịch Covid-19 bùng phát tại miền Nam Việt Nam đã ảnh hưởng mạnh tới chuỗi cung ứng của ngành da giày và dệt may, vì khu vực Đông Nam Bộ vốn là đầu mối gia công quan trọng của thế giới.
Trong khi đó, Việt Nam thuộc nhóm nước sản xuất hàng dệt may lớn nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc đại lục và Bangladesh. Việc chuỗi cung ứng gián đoạn sẽ tác động mạnh đến người tiêu dùng Mỹ, khi quốc gia này chiếm gần một nửa lượng hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam.
“Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hơn 30% nhà máy dệt may đã phải đóng cửa. Không quá ngạc nhiên khi hai ngành này là nguyên nhân chính khiến xuất khẩu tháng 8 giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái”, theo báo cáo của HSBC.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam làm việc với lãnh đạo Adidas
Ngày 13/9, đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có cuộc làm việc trao đổi với đại diện Adidas nhằm tháo gỡ các khó khăn hiện nay.
Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Vũ đã có cuộc gặp gỡ, làm việc trực tuyến với ông Manuel Pauser, Phó Chủ tịch về quan hệ Chính phủ & cộng đồng, bà Hoa Lý, Phó Chủ tịch cao cấp về cung ứng toàn cầu Tập đoàn Adidas.
Ngoài Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ, lãnh đạo Sở Ngoại vụ TP.HCM, còn có đại diện các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, lãnh đạo Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh Bình Dương và đại diện Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong.
© Ảnh : Lâm Khánh - TTXVNThứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại buổi hội đàm
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại buổi hội đàm
© Ảnh : Lâm Khánh - TTXVN
Trong cuộc gặp với lãnh đạo Adidas, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nói Việt Nam đánh giá cao Tập đoàn Adidas đã triển khai hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại đất nước trong thời gian qua. Đặc biệt là những đóng góp tích cực về hoạt động xuất khẩu và tạo việc làm cho người lao động.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Vũ cũng ghi nhận những nỗ lực của Adidas tham gia kêu gọi Chính phủ các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) ủng hộ vaccine, thuốc điều trị và trang thiết bị y tế giúp Việt Nam phòng chống đại dịch Covid-19.
Trong bối cảnh hiện nay, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao mong muốn Adidas tiếp tục phát huy vai trò tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư giữa Việt Nam với Đức và các thành viên EU nhằm tận dụng các lợi ích của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA).
Phát biểu với Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cùng đại diện TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, lãnh đạo Tập đoàn Adidas nhấn mạnh, Việt Nam là địa bàn kinh doanh chiến lược, cung ứng với số lượng lớn nhất các sản phẩm của Adidas trên toàn cầu.
Adidas mong muốn tiếp tục duy trì, triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới.
Phía Adidas đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hiệp định EVFTA đã có hiệu lực và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương trong các hoạt động tại Việt Nam.
Bàn về tình hình sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, lãnh đạo Tập đoàn Adidas cho biết, doanh nghiệp ủng hộ các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm sớm kiềm chế dịch bệnh và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Cùng với đó, Adidas luôn ưu tiên bảo đảm sức khỏe và sự an toàn của người lao động trong suốt quá trình hoạt động tại Việt Nam.
Trao đổi với Thứ trưởng Vũ, lãnh đạo Tập đoàn Adidas bày tỏ mong muốn các cơ sở sản xuất của Adidas tại Việt Nam có thể sớm hoạt động trở lại cùng với những tiến triển tích cực trong công tác kiểm soát dịch bệnh của đất nước.
Đại diện các địa phương tham dự cuộc gặp như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… cũng ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của Tập đoàn Adidas, đồng thời thông tin về nỗ lực của địa phương trong kiểm soát dịch bệnh.
Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM cũng trao đổi một số biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh hiện nay.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ ghi nhận các ý kiến và đề xuất của lãnh đạo Adidas về những khó khăn hiện tại cũng như cùng địa phương tìm các giải pháp hữu hiệu.
“Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ khẳng định với phía Adidas.
Ông Vũ lưu ý, trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ ưu tiên sớm kiểm soát dịch bệnh, đồng thời quan tâm tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam mong muốn Tập đoàn Adidas khắc phục hiệu quả các thách thức để tiếp tục hoạt động thành công lâu dài tại Việt Nam tới với sự đồng hành, hỗ trợ từ phía các bộ, ngành và địa phương của Việt Nam.
Thứ trưởng Vũ cũng đề xuất chính quyền các địa phương tiếp tục có các biện pháp cụ thể nắm bắt và quan tâm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của Adidas và các doanh nghiệp FDI trong thời gian tới để hỗ trợ tốt nhất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.