Các cơ sở sản xuất có thể tái dịch chuyển từ Việt Nam quay trở lại Trung Quốc?
Đăng ký
Chủ đề trọng tâm về Viêt Nam trên các ấn phẩm nước ngoài trong tuần qua là các tác động tiềm ẩn của đợt bùng phát đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế.
Đây cũng là nội dung trọng điểm trong mục điểm báo của chúng tôi. Nhưng bên cạnh đó, chúng tôi sẽ đề cập đến một số vấn đề chính trị quốc tế, ngành du lịch và văn học. Sputnik sẽ tóm lược các nội dung đó trong tổng quan truyền thống "Việt Nam trên báo chí nước ngoài".
Việt Nam và Nhật Bản hợp tác vì lợi ích của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Tờ The Diplomat dành một bài viết về chuyến thăm Hà Nội của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản. Tác giả của bài báo lưu ý rằng, chuyến thăm này có tầm quan trọng đặc biệt. Điều đó có nghĩa là Việt Nam và Nhật Bản đang đưa quan hệ hợp tác lên một tầm cao mới: hai nước sẽ tương tác không chỉ vì lợi ích của riêng họ, mà còn vì lợi ích an ninh trong toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử
Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn chịu các hạn chế nghiêm ngặt nhất, nhưng chiến dịch tiêm chủng đang được đẩy mạnh. Khoảng 80% người dân từ 18 tuổi trở lên ở Hà Nội được tiêm vắc xin mũi 1, và đến cuối tuần con số này dự kiến sẽ tăng lên 100%, theo trang web của đài phát thanh Mỹ NPR. Nhiều ấn phẩm đã đăng lại câu chuyện của phóng viên AP tại Việt Nam về việc anh bị cách ly 9 tuần ở Vũng Tàu. Các ấn tượng trực tiếp giúp hiểu biết, đánh giá thực trạng tốt hơn so với những con số khô khan. Mặc dù tình hình rất nghiêm trọng, nhưng, trong câu chuyện của nhà báo, tình người ấm áp thắp lên niềm tin, niềm hy vọng.
Tại trung tâm thương mại của Viet Nam - Tháng phố Hồ Chí Minh - tình hình Covid-19 diễn biến đáng lo ngại nhất. Người dân và doanh nghiệp, bao gồm cả các công ty nước ngoài, bị phong tỏa trong khu đô thị trong 110 ngày. Chính quyền thành phố đã thông báo kéo dài lệnh phong tỏa đến cuối tháng 9. Nikkei Asia Review lưu ý rằng, điều này sẽ gây ra những mất mát mới trong nền kinh tế và những khó khăn cho người dân. Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 77% tổng số ca tử vong do coronavirus ở Việt Nam, nhưng, các chuyên gia y tế cho rằng, quy mô của đại dịch tại thành phố lớn hơn so với các báo cáo chính thức cho thấy, bởi vì dữ liệu chính thức không bao gồm những người đã chết tại nhà. Nhiều cư dân thành phố phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, đặc biệt là những người nghèo và người già. Các nhà chức trách có ý định bắt đầu nới lỏng các hạn chế và mở rộng mạng lưới các trung tâm y tế và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Ngành sản xuất bị đe dọa
Lệnh phong tỏa kéo dài khá lâu và do đó tạm ngừng hoạt động sản xuất khiến vốn FDI trong 8 tháng năm 2021 giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2020, số dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư giảm 36,8%. Quyết định gia hạn lệnh phong tỏa không chỉ có nguy cơ khiến nhiều đơn hàng bị rút khỏi Việt Nam mà còn làm trì hoãn dòng vốn FDI tiềm năng mới, Nikkei viết.
CNBC cho biết rằng, sản xuất công nghiệp sụt giảm mạnh cùng với thời gian giao hàng lâu hơn và chi phí vận chuyển cao hơn, đang buộc các công ty phải trì hoãn việc ra mắt những sản phẩm mới. Thực trạng khó khăn khiến một số công ty xem xét lại quyết định chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam hoặc thậm chí quay trở lại Trung Quốc, ví dụ như công ty sản xuất quần áo bảo hộ Lakeland Industries hoặc công ty sản xuất đồ gỗ nội thất Hooker Furniture và nhà bán lẻ đồ nội thất LoveSac, theo tờ Quartz. Do các xưởng sản xuất tại Việt Nam không làm việc vì các lệnh phong tỏa hoặc cấm hoạt động, doanh thu của Adidas giảm 600 triệu USD trong năm nay. Những người mua Nikе sẽ không nhận được 80 triệu đôi giày thể thao, cổ phiếu Nike đã giảm giá. Đối với nhiều công ty, việc quay trở lại Trung Quốc chỉ đơn giản là một lựa chọn không phải tồi tệ nhất để tăng sản lượng trước mùa mua sắm sôi động dịp lễ cuối năm. Nhưng không phải tất cả các công ty đều sẵn sàng làm như vậy bởi vì, theo các chuyên gia, việc xây dựng lại chuỗi cung ứng tại Trung Quốc sẽ tốn kém và mất thời gian.
BikeEu viết rằng, sau hai tháng tạm ngừng hoạt động, các nhà máy sản xuất xe đạp đã sẵn sàng mở cửa trở lại, nhưng, họ phải tuân theo các quy tắc và điều kiện làm việc tôn trọng người lao động. Song, vì một trong những điều kiện - bảo đảm khả năng tiếp cận dễ dàng trạm y tế lưu động - không thể được thực hiện cho đến ngày 15 tháng 10, rất có thể lễ mở cửa trở lại sẽ bị trì hõan một tháng nữa. Đối với thị trường, điều này có nghĩa là vấn đề giao hàng ngày càng trầm trọng hơn. Tờ South China Morning Post cũng đưa một tin buồn. Trung Quốc - điểm đến hàng đầu của trái thanh long Việt Nam, chiếm hơn 80% tổng lượng xuất khẩu và lên tới 1 tỷ USD mỗi năm – đã thông báo tạm dừng thông quan nhập khẩu đối với mặt hàng thanh long của Việt Nam trong một tuần do phát hiện virus Sars-CoV-2 trên bao bì bọc quả thanh long và thùng các-tông đựng thanh long nhập khẩu từ tỉnh Quảng Ninh.
Nhưng có cả một số tín hiệu đáng mừng. Nhiều ấn phẩm đưa tin rằng, kể từ tháng 10, Việt Nam sẽ khởi động kế hoạch thí điểm thu hút khách quốc tế đến hòn đảo du lịch nổi tiếng Phú Quốc, du khách quốc tế chỉ có thể vào đảo Phú Quốc nếu có chứng nhận đã tiêm vaccine phòng COVID-19 và kết quả xét nghiệm âm tính. Và Alma Resort ở Cam Ranh tổ chức chương trình giải trí mới cho du khách - tour du lịch "Phía sau ngôi nhà", bao gồm một chuyến dạo quanh khu nghỉ dưỡng để khách du lịch làm quen với cơ chế hoạt động phức tạp của nó.
Con cái chúng ta thích đọc những cuốn sách nào?
Khép lại mục điểm báo là bản tin của hãng tin Viễn Đông Nga Prima Media. Trong khuôn khổ lễ hội Viễn Đông “Văn học Nga khu vực Thái Bình Dương” đã tổ chức cuộc gặp bàn tròn của các nhà văn Nga và Việt Nam để thảo luận về những cuốn sách văn học dành cho thiếu nhi và thanh thiếu niên. Ở Nga hiện có rất ít nhà văn thiếu nhi. Trong khi đó ở Việt Nam không chỉ có nhiều cuốn sách dành cho thiếu nhi mà còn có các tác giả trẻ sở hữu những đầu sách có số phát hành lên đến hàng chục vạn bản. Trẻ em của Nga và Việt Nam thích đọc những cuốn sách nào? Về mặt này, hai nước chúng ta rất giống nhau, bởi vì hiện nay các tiểu thuyết giả tưởng là thể loại sách phổ biến nhất.