Sự thật tin “Nike rời bỏ Việt Nam” là fake news
© AFP 2023 / Justin Sullivan/Getty ImagesGiày thể thao Nike.
© AFP 2023 / Justin Sullivan/Getty Images
Đăng ký
Đâu là sự thật vụ Nike, Inc., nhà cung cấp giày thể thao và quần áo lớn nhất thế giới, rời bỏ Việt Nam vì sản xuất ngưng trệ cũng như đứt gãy chuỗi cung ứng?
Bộ Công Thương, lãnh đạo Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (LEFASO) vừa lên tiếng bác bỏ thông tin Nike chuyển sản xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Nike có rời bỏ Việt Nam hay không?
Thông tin đồn đoán việc tập đoàn Nike có ý định rời khỏi Việt Nam đang gây xôn xao.
Thậm chí, còn có nhiều tin ‘bên lề’ cho rằng Adidas và Puma cũng có kế hoạch rời Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và đứt gãy nền kinh tế, chuỗi cung ứng toàn cầu hiện tại ngay tháng 11 này.
Tuy nhiên, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã lên tiếng bác bỏ những tin đồn thất thiệt này.
Theo đó, trước việc xuất hạng nhiều tin đồn trên mạng xã hội về việc Nike, Inc., tập đoàn đa quốc gia của Mỹ chuyên thiết kế, phát triển, sản xuất, quảng bá cũng như kinh doanh giày dép, quần áo, phụ kiện, trang thiết bị và dịch vụ liên quan đến thể thao toàn cầu, có ý định rời khỏi Việt Nam, vừa qua, đại diện Bộ Công Thương và LEFASO đã lên tiếng bác bỏ.
Trả lời về thông tin tập đoàn Nike đã chuyển sản xuất khỏi Việt Nam để sang Trung Quốc và Indonesia, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (LEFASO) tuyên bố - thông tin này hoàn toàn không chính xác.
Theo vị lãnh đạo, hiện 88 trong tổng số 112 nhà máy của Nike tại Việt Nam đều nằm ở miền Đông Nam Bộ, chịu trách nhiệm sản xuất các sản phẩm giày thể thao (sneaker) đang rất đắt hàng mang nhãn hiệu Nike.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam thừa nhận, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong nước đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành dệt may và giày dép.
“Việc Nike chuyển đơn hàng sang các quốc gia khác là có, nhưng không có chuyện chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam. Thông tin này không chính xác”, Phó Chủ tịch LEFASO Phan Thị Thanh Xuân khẳng định.
Nike rời khỏi Việt Nam là tin giả, fake news
Trước đó, như Sputnik đã thông tin, Việt Nam trước đây cung cấp 51% sản lượng giày dép của Nike và 30% đơn vị may mặc vào năm 2020. Tuy vậy, kể từ khi hai nhà cung cấp cho Nike tại Việt Nam ngừng sản xuất vào tháng 7/2021, công ty đã có gần 2 tháng không có đơn vị sản xuất nào trong khu vực.
Trong khi đó, nhà phân tích Camilo Lyon của BTIG chỉ rõ, các công ty như Nike, Adidas, Puma, Under Armour, Deckers Outdoor’s Hoka là những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ việc nhà máy phải ngừng hoạt động, gián đoạn sản xuất ở Việt Nam.
“Có khả năng ngành sản xuất giày thể thao tại Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ bị hủy đơn hàng trong giai đoạn đầu năm 2022”, phân tích của BTIG lưu ý.
Về tin đồn Nike rời bỏ Việt Nam, xác nhận với VNN, Bộ Công Thương khẳng định, thông tin này là không chính xác. Thực tế, đây là tin giả, tin fake vì Nike không sở hữu bất cứ nhà máy nào ở Việt Nam mà chỉ thuê các nhà máy do đối tác gia công sản phẩm.
Trước đó, về phía Bộ Công Thương, dẫn khẳng định từ CEO của Nike tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa qua và các bộ ban ngành mới đây, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng khẳng định hoàn toàn không có chuyện Nike chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam như các tin đồn trên mạng.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, trong giai đoạn vừa qua, một số đơn hàng của Nike đến hạn phải trả nên để kịp giao hàng và đảm bảo đúng tiến độ, họ đã chuyển đơn hàng sang nhà máy ở một số quốc gia khác.
“Trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ và các bộ ban ngành mới đây, CEO của Nike cũng khẳng định sẽ không rời bỏ Việt Nam, không có chuyện chuyển sản xuất khỏi Việt Nam để sang các quốc gia khác”, ông Phạm Tuấn Anh nêu rõ.
Lãnh đạo Cục Công nghiệp Bộ Công Thương cũng phân tích, trên thực tế, việc tổ chức sản xuất công nghiệp theo chuỗi giá trị, từ khâu nguyên vật liệu, công nghiệp hỗ trợ đến hoàn thiện là một chuỗi khéo kín.
Do đó, vấn đề tổ chức lại sản xuất ở một địa phương khác, một quốc gia khác là công việc rất tốn kém và lâu dài.
“Thông tin Nike dịch chuyển sản xuất khỏi Việt Nam là không chính xác và đã được chính tập đoàn này xác nhận”, ông Phạm Tuấn Anh tái khẳng định.
Gác lại tin đồn Nike rời bỏ Việt Nam, còn thực trạng khác đáng lo hơn
Việc Việt Nam đang mở cửa dần dần lại nền kinh tế, khôi phục sản xuất tạo ra tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, sắp tới, ít nhất là trong ngắn hạn, nhiều tỉnh thành phía Nam, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động.
Theo đại diện Bộ Công Thương, thời gian qua, việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài theo chỉ thị 16 của Chính phủ tại các tỉnh phía Nam đã khiến 80% các nhà máy sản xuất da giày tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Kiên Giang – những địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp da giày lớn trong các khu công nghiệp của cả nước, phải ngừng sản xuất do không đủ điều kiện thực hiện quy chế “3 tại chỗ” và “một cung đường, hai điểm đến”.
Tuy nhiên, tại các địa phương miền Trung và miền Bắc, các doanh nghiệp da giày dù giảm công suất, nhưng vẫn duy trì hoạt động ở mức 50-70 %, do giãn cách xã hội và thiếu lao động.
Ông Phạm Tuấn Anh cho hay, đối với các doanh nghiệp còn hoạt động, trong bối cảnh như vậy đã buộc phải giảm sản lượng do phải giảm số lao động làm việc để thực hiện giãn cách, đồng thời phát sinh nhiều chi phí do đứt gẫy chuỗi cung nguyên phụ liệu, chi phí phòng chống Covid-19 (xét nghiệm, tiêm chủng, lo ăn, ở 3 tại chỗ cho người lao động).
Nhiều lao động bỏ về quê tránh lây lan dịch bệnh và khó khăn trong việc đi lại, di chuyển giữa các địa phương do phong tỏa, giản cách xã hội.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho biết, việc thiếu hụt nhân lực khi mở cửa trở lại nền kinh tế là vấn đề hiện hữu đối với các doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt là ở TP.HCM, các tỉnh thành phía Nam, nơi phải thực hiện chế độ giãn cách thời gian dài theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Ông Giang đánh giá đây là thách thức rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp khi mở cửa nền kinh tế trở lại, đồng thời cũng chưa có phương án tối ưu để tuyển lao động trong điều kiện mới.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định, trong trường hợp TP.HCM cùng đồng loạt các tỉnh phía Nam mở cửa lại trong tháng 10 này thì cũng rất khó để công nhân quay trở lại làm việc, trong khi chỉ còn vài tháng nữa là đến Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán.
© AP Photo / Chuck BurtonNike.
Nike.
© AP Photo / Chuck Burton
Việc nhiều tỉnh vẫn có địa phương thực hiện Chỉ thị 16 cũng thành rào cản trong vấn đề tìm nguồn lao động thay thế. Do đó, ông Giang dự báo từ nay đến cuối năm, thâm hụt lao động có thể lên đến 35-37%.
Trong khi đó, bình luận về xu hướng các công ty đa quốc gia có thể rời Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Công Nghiệp, Bộ Công Thương Ngô Khải Hoàn, việc dịch chuyển sản xuất hay dịch chuyển đầu tư đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhãn hàng lớn thì không đơn giản.
Việc đặt cơ sở sản xuất tại quốc gia nào cũng cần phải có đánh giá thấu đáo về môi trường kinh tế, môi trường chính trị, cũng như là những chính sách hỗ trợ của ngành.
“Trong thời gian tới, việc dịch chuyển sản xuất khỏi Việt Nam cũng không phải là cái lớn. Ngược lại, trong những báo cáo, thống kê gần đây, dòng vốn FDI tại Việt Nam cho thấy rằng họ sẽ tiếp tục đổ vốn vào Việt Nam, ông Ngô Khải Hoàn nói.
Đặc biệt, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết thêm, thời điểm hiện tại, Nike cùng các nhãn hàng lớn đang chuẩn bị hàng hóa cho mùa mua sắm lớn nhất trong năm, mùa Noel.
Doanh nghiệp Việt Nam hiện tại còn có thêm đơn hàng, cần tiếp tục duy trì sản xuất, giao hàng đúng hạn để đảm bảo hợp tác với các đối tác quốc tế.
Như Sputnik đã thông tin, Ngân hàng Thế giới (WB) vừa qua cho biết, đúng là có thực tế dòng vốn FDI vào Việt Nam đang chậm lại do cú sốc Covid-19, nhưng đây cũng là xu hướng chung đang diễn ra ở các quốc gia có dịch bệnh trên toàn cầu.
Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng FDI không có xu hướng dịch chuyển ra ngoài Việt Nam. Các nhà đầu tư vẫn lạc quan về triển vọng của quốc gia Đông Nam Á này trong trung và dài hạn.