GWEC: Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào điện than, chưa phát triển đủ năng lượng gió

© Depositphotos.com / YAYImagesNăng lượng gió
Năng lượng gió - Sputnik Việt Nam, 1920, 26.10.2021
Đăng ký
Theo tính toán của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) dựa trên số liệu từ dự thảo Quy hoạch Điện VIII, Việt Nam có thể sẽ phải chi ít nhất từ 10 – 15 tỷ USD/năm để nhập khẩu than, khí làm nhiên liệu sản xuất điện đến năm 2030.
Theo GWEC, do tỷ lệ nguyên liệu nhập khẩu than, khí ngày càng lớn, tình hình năng lượng Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào thị trường nhiên liệu, năng lượng thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ.

Việt Nam có thể chi từ 10 -15 tỷ USD nhập khẩu than, khí để phát điện

Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, tại tờ trình Quy hoạch Điện VIII (Quy hoạch Điện 8) Bộ Công Thương trình Chính phủ thông qua, với phương án cơ sở, than nhập khẩu sẽ tăng từ 53,8 triệu tấn vào năm 2030 lên 75,3 triệu tấn vào năm 2045.
Phương án cao hơn, Việt Nam có thể phải nhập khẩu than tăng từ 56,3 triệu tấn vào năm 2030 lên mức 80,3 triệu tấn năm 2045. Quốc gia Đông Nam Á này cũng giống như phần lớn các nền kinh tế mới nổi đang phát triển có sự phụ thuộc khá lớn vào nguyên liệu than.
“Với tỷ lệ nguyên liệu nhập khẩu ngày càng lớn, nhất là nguồn than, khí nhập khẩu, ngành năng lượng Việt Nam sẽ phụ thuộc vào thị trường nhiên liệu thế giới vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến động”, Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) đánh giá.
Tờ Bưu điện Nam hoa Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong mới đây có bài phân tích vì sao Việt Nam còn phụ thuộc lớn vào nguyên liệu than, đồng thời, thực tế này cho thấy những lựa chọn khó khăn về giải pháp chống biến đổi khí hậu mà các nước châu Á đang phát triển phải đối mặt với loạt cam kết không phát thải khí nhà kính.
Thực tế, tại Việt Nam, than chiếm khoảng một phần ba tổng năng lượng cần thiết duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước và công suất tiêu thụ điện than dự kiến còn tăng lên vào năm 2030 theo Quy hoạch Điện VIII. Việt Nam hiện nhập than chủ yếu từ các công ty của Trung Quốc, Nhật, Hàn, Lào, và lượng nhỏ từ Hoa Kỳ - đây đều là những quốc gia đang nỗ lực cắt giảm phát thải khí carbon chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Các trụ điện gió của dự án đã được lắp đặt - Sputnik Việt Nam, 1920, 25.10.2021
Lo khủng hoảng năng lượng, Việt Nam phải mua điện của Trung Quốc và Lào?
Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) cũng đề cập đến việc Việt Nam chú trọng tăng nhập khẩu nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trong giai đoạn 2030-2045. Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII, dự kiến, năm 2030, Việt Nam sẽ nhập khẩu 10,4 triệu tấn khí LNG, và năm 2045 tăng lên 31,7 triệu tấn.
Nhìn vào cơ cấu năng lượng Việt Nam, đặc biệt là xu hướng còn duy trì điện than dù đã cố gắng cắt giảm, Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu đánh giá, từ năm 2030, Việt Nam có thể sẽ phải chi ít nhất từ 10 -15 tỷ USD/năm để phục vụ nhập khẩu than, khí, đảm bảo nhiên liệu cho sản xuất điện, an ninh năng lượng quốc gia.
Tính toán này được Hội đồng Năng lượng gió thế giới đưa ra dựa trên cơ sở dự kiến công suất huy động từ các nguồn điện sử dụng nhiên liệu nhập khẩu, thông số kỹ thuật và giá nhiên liệu dự kiến trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII.
“Với các kịch bản về giá khí đốt đang được xem xét trong Quy hoạch Điện VIII, nếu không được đánh giá kỹ lưỡng, nhiều khả năng sẽ đưa Việt Nam vào thế bị động phải tiếp tục huy động nguồn điện sử dụng nhiên liệu hết sức đắt đỏ”, Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu lưu ý.
Theo tổ chức này, dự kiến, 60% chi phí vòng đời một dự án điện khí là chi phí nhiên liệu, phần đầu tư này sẽ hoàn toàn phục vụ cho hoạt động nhập khẩu và không đóng góp nhiều cho kinh tế Việt Nam.

Nguy cơ từ việc Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào than

Trước đó, Cơ quan Theo dõi biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (C3S) cũng như Tổ chức nghiên cứu Carbon Tracker có trụ sở ở London cũng từng phàn nàn về tình trạng sử dụng điện than của Việt Nam.
Riêng Carbon Tracker còn chỉ ra hồi tháng 6 rằng, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Nhật Bản phải “chịu trách nhiệm” liên quan đến gần 80% các nhà máy than mới theo kế hoạch trên thế giới hiện nay.
Điện than đúng là mang lại rất nhiều nguy cơ, rủi ro cho quốc gia Đông Nam Á này, tuy nhiên, khi nhìn nhận khách quan và sâu sắc hơn vào nền kinh tế và lĩnh vực sản xuất điện của Việt Nam có thể thấy những lựa chọn khó khăn mà các nước đang phát triển phải đối mặt trong việc giảm lượng khí thải carbon, như một phần của thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015 nhằm hạn chế quá trình nóng lên toàn cầu.
Các trụ điện gió đã được lắp đặt
 - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.10.2021
Thế giới khủng hoảng năng lượng, Việt Nam điện ‘ế đầy ra’
Cùng với đó, thực tế, Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng về xu hướng cắt giảm sử dụng điện than, hướng đến nâng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo. Chính phủ nước này cũng đã dừng một số nhà máy và cam kết “cắt giảm các nguồn điện than” trong dự thảo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 2021-2030, tầm nhìn 2045 (quy hoạch điện VIII).
Chỉ có khoảng 12% sản lượng điện của Việt Nam đến từ các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió, số liệu mới nhất của EVN trong 9 vừa qua. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào than đá này của Việt Nam đã thúc đẩy tăng trưởng khổng lồ, với nền kinh tế tăng vọt lên 271 tỷ USD vào năm ngoái - gấp 43 lần quy mô năm năm 1990.
Trước thực trạng phụ thuộc lớn vào nguồn than của nền kinh tế và năng lượng Việt Nam, ở góc độ khác, Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu đánh giá, việc phụ thuộc vào nguồn nguyên nhiên liệu nhập khẩu sẽ làm tăng rủi ro và nguy cơ thiếu điện. Hiện có đến 70% dự án nhiệt điện than đang chậm tiến độ.
Thực tế, danh mục dự án ưu tiên của dự thảo Quy hoạch Điện VIII liệt kê 21 dự án điện than và có khoảng 70% dự án chậm tiến độ, trong đó, đáng chú ý, có những dự án đã được đưa vào từ Quy hoạch Điện VI (2006-2010) và tiếp tục điều chỉnh tiến độ ở Quy hoạch Điện VII (2011-2020), nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào vận hành.
Một số dự án nhiệt điện cũng bị địa phương loại khỏi quy hoạch, các dự án bị trễ tiến độ, “lỗi hẹn” do khó khăn huy động vốn nhưng vẫn được đưa vào danh mục ưu tiên. Điển hình như trong Quy hoạch Điện VIII có nêu trường hợp của nhà máy Điện than Long Phú I với quy mô 1.200MW, lẽ ra đã phải phát điện từ năm 2019 nhưng hiện vẫn bị treo. Hay như dự án Nhà máy Điện than Công Thanh (quy mô nhỏ hơn 660MW) bị trễ hơn 11 năm do nhiều khó khăn huy động vốn, lùi từ 2019 đến tận 2026.
© Depositphotos.com / YarochkinsTurbine gió ở Phan Rang, Việt Nam
Turbine gió ở Phan Rang, Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 26.10.2021
Turbine gió ở Phan Rang, Việt Nam
Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu đánh giá, trong bối cảnh sức ép quốc tế đối với việc giảm phát thải carbon và xu hướng không cho vay đối với điện than ngày càng lớn, Quy hoạch Điện VIII cần rà soát lại danh mục các dự án điện than ưu tiên để đánh giá tính khả thi về mặt huy động vốn, tránh tình trạng dự án liên tục trễ hẹn, chậm tiến độ, không thể vận hành như đã xảy ra trong thời gian dài trở lại đây gây tổn thất lớn cho nền kinh tế cũng như ảnh hưởng đến tình trạng đảm bảo đủ nguồn điện nói chung.

Việt Nam chưa phát triển đủ năng lượng gió?

Theo báo cáo của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu, thực tế, Việt Nam chưa phát triển đủ năng lượng gió để hiện thực hóa tương lai đưa nguồn năng lượng tái tạo này là trụ cột nhằm đạt mục tiêu net zero.
Một lần nữa, GWEC cảnh báo, với 3/4 lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu bắt nguồn từ lĩnh vực năng lượng, việc nhanh chóng giảm phát thải khí CO2 là điều cấp thiết và quan trọng. Cũng như những nước khác, Việt Nam cần có hành động ngay để thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng, tránh phải đối mặt với nguy cơ, hiểm họa ngày càng tăng khi quá phụ thuộc vào điện than, cũng như tình trạng nóng lên toàn cầu.
Nhà máy điện mặt trời Sao Mai - An Giang với tổng công suất 210 MWp sẽ đóng góp gần 400 triệu kWh mỗi năm cho lưới điện quốc gia
 - Sputnik Việt Nam, 1920, 14.10.2021
Điện mặt trời bùng nổ ở Việt Nam, VinaCapital bắt tay ‘ông trùm’ năng lượng Pháp
GWEC khẳng định năng lượng gió là trọng tâm để giảm biến đổi khí hậu, không phát thải khí CO2 trong các ngành dùng nhiều năng lượng. Theo lộ trình của net zero của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đến năm 2050, mục tiêu sản xuất điện toàn cầu sẽ bao gồm năng lượng gió (35%), năng lượng mặt trời (33%), thủy điện (12%), hạt nhân (8%), năng lượng sinh học (5%), năng lượng hydro (2%), nhiên liệu hóa thạch có sử dụng và lưu trữ carbon (2%).
GWEC cũng nhấn mạnh, nguồn năng lượng gió sẽ tạo ra nhiều điện sạch hơn bất kỳ nguồn năng lượng nào khác, và được coi là trụ cột chính để đạt được mục tiêu net zero.
Mục tiêu net zero là sự cân bằng giữa khí nhà kính được tạo ra và lượng khí nhà kính được loại bỏ khỏi bầu khí quyển. Mục tiêu net zero đạt được khi lượng khí nhà kính thêm vào không nhiều hơn lượng khí nhà kính bớt đi. Tuy nhiên, thế giới chưa phát triển đủ năng lượng gió để hiện thực hóa tương lai này. Theo Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu, hiện, nếu cứ giữ tỷ lệ lắp đặt như hiện nay, thì tới năm 2050 thế giới sẽ chỉ tạo ra 43% công suất điện cần thiết cho mục tiêu net zero.
Đối với các dự án điện gió của Việt Nam, Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu còn lưu ý một vấn đề khác – đó là nguy cơ hơn 6,51 tỷ USD đầu tư điện gió có thể rơi vào tình trạng “phá sản” nếu không gia hạn biểu giá FIT, như Sputnik đã thông tin trước đó.
Nhà máy điện gió AC Energy tại Việt Nam. - Sputnik Việt Nam, 1920, 05.10.2021
Ai đứng sau tổ hợp kinh tế muối và năng lượng tái tạo lớn nhất Việt Nam?
EVN trước đó cho hay, cả nước có 106 nhà máy điện gió với tổng công suất đạt 5.655,5MW đăng ký COD. Nhưng tới 22/10 mới chỉ có 26 nhà máy điện gió với tổng công suất 1.247,4MW được công nhận COD. Khả năng 78 dự án còn lại không được hưởng giá FIT khi vận hành là rất lớn khi chỉ còn 1 tuần nữa biểu giá điện ưu đãi sẽ hết hạn.
Theo ông Mark Hutchinson, điều này gây ảnh hưởng tới đầu tư và việc làm trong tương lai, có thể gây rủi ro tài chính ước tính 6,51 tỷ USD chi phí tài sản cố định, và 151 triệu USD chi phí vận hành hàng năm. Đồng thời, nếu mất đi khối lượng dự án điện gió này, cũng đồng nghĩa giáng một đòn mạnh vào môi trường đầu tư năng lượng tái tạo.
“Hậu quả là một chu kỳ phá sản mà thị trường điện gió Việt Nam có thể mất nhiều năm để phục hồi”, chuyên gia của GWEC lưu ý và kiến nghị Chính phủ có biện pháp gia hạn biểu giá FIT.
Đối với tình hình cung ứng điện, đảm bảo ngành năng lượng Việt Nam, cũng như chúng tôi đã thông tin, mới đây, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ về tình hình cung ứng điện trước bối cảnh thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng nhiên liệu, năng lượng, theo đó, đề nghị sớm phê chuẩn Quy hoạch Điện VIII, rà soát các dự án điện đang xây dựng, đưa vào vận hành giai đoạn 2021-2025, xem xét nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào để đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu điện.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала