Nhà giáo Lê Hải Châu qua đời, vĩnh biệt cây đại thụ của nền giáo dục Việt Nam

© Ảnh : MOET Nhà giáo Lê Hải Châu
Nhà giáo Lê Hải Châu - Sputnik Việt Nam, 1920, 04.02.2022
Đăng ký
Thầy Lê Hải Châu, nhà giáo nhân dân nổi tiếng của Việt Nam, vừa qua đời, hưởng thọ 97 tuổi. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã xác nhận tin buồn.
Nhà giáo nhân dân Lê Hải Châu là tác giả nhiều cuốn sách giáo khoa Toán học, người 7 lần phụ trách dẫn dắt đoàn đi dự thi Olympic Toán quốc tế (IMO) và là cây đại thụ của nền giáo dục Việt Nam, từng nhiều năm cống hiến ở Vụ Giáo dục THPT, Bộ GD&ĐT.
Nhà giáo Lê Hải Châu cũng là một trong những người đầu tiên có công lớn trong việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi toán, làm rạng danh con người Việt Nam, trí tuệ Việt Nam trên thế giới.

Nhà giáo nhân dân Lê Hải Châu qua đời

Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho hay, nhà giáo nhân dân Lê Hải Châu, nguyên chuyên viên cấp cao Vụ Giáo dục Trung học Phổ thông (THPT), Bộ GD&ĐT đã qua đời hôm 30/1, hưởng thọ 97 tuổi.
Người thân và Bộ GD&ĐT cho biết, nhà giáo Lê Hải Châu đã từ trần hồi 15h ngày 30/1/2022 tại một bệnh viện.
Lễ viếng sẽ được tổ chức vào ngày mai 5/2 từ 7h30 – 8h30 ở Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Nhà vật lý nổi tiếng Việt Nam - GS.VS Nguyễn Văn Hiệu - Sputnik Việt Nam, 1920, 23.01.2022
Nhà vật lý nổi tiếng Việt Nam - GS.VS Nguyễn Văn Hiệu qua đời
Lễ truy điệu đưa tang vào hồi 8h30' cùng ngày. Thầy Lê Hải Châu sẽ được an táng tại Công viên Tưởng niệm Thiên Đức, Phú Thọ.
Thầy Lê Hải Châu sinh ngày 5/2/1926 ở xã Xuân Đan (nay là Đan Trường), huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Bên cạnh vai trò chuyên viên cấp cao Vụ Giáo dục THPT, Bộ GD&ĐT, nhà giáo dân Nhân Lê Hải Châu còn được biết đến là tác giả của nhiều cuốn sách giáo khoa môn Toán, là người đầu tiên dẫn dắt đội tuyển Việt Nam dự Olympic Toán quốc tế.
Ông được trao nhiều huân chương cao quý của Nhà nước như Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất, Huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục”, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

Cây đại thụ của nền giáo dục Việt Nam

Thầy Lê Hải Châu bắt đầu công tác trong ngành giáo dục từ năm 1946, dạy học tại các trường ở Vinh (Nghệ An) trong 10 năm.
Cũng chính trong khoảng thời gian này, nhà giáo Lê Hải Châu còn tham gia biên soạn sách giáo khoa Toán, dùng trong các cấp phổ thông ở Việt Nam.
Theo lời kể của nhà báo, nguyên phóng viên chiến trường Thông tấn Xã Giải phóng Phạm Nhật Nam, cháu rể của nhà giáo Lê Hải Châu, sự nghiệp trồng người của thầy Châu bắt đầu khi ông mới chỉ 20 tuổi.
Nến - Sputnik Việt Nam, 1920, 06.01.2022
Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Đào Gia Vượng đột ngột qua đời ở tuổi 50
Suốt 10 năm đầu sự nghiệp, thầy giáo trẻ Lê Hải Châu dạy toán tại các ngôi trường nổi tiếng như trường trung học Nguyễn Công Trứ (Vinh), trường Quốc Học Vinh, trường Sư phạm Trung cấp Liên khu 4. Đồng thời, các thế hệ học trò đầu tiên của nhà giáo Lê Hải Châu sau này nhiều người đã trưởng thành và trở thành sĩ quan cao cấp trong Quân đội, nhà quản lý, nhà khoa học có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của Việt Nam.
Từ năm 1949 đến năm 1953, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông đã biên soạn 3 cuốn sách về toán Quỹ tích, toán Đại số và toán Hình học. Ba cuốn sách này đã được Hội đồng Tu thư Liên khu 4 chuẩn nhận là sách giáo khoa toán cho các trường thuộc liên khu.
Sau hòa bình lập lại, ông được Nhà Nước cử đi nâng cao trình độ tại trường Sư phạm Cao cấp trong Khu Học Xá Trung Ương ở thành phố Nam Ninh (Trung Quốc).
Năm 1955, ông được cử sang nước ngoài học tập, nâng cao trình độ. Khi trở về, ông là tác giả biên soạn sách giáo khoa thuộc Ban Tu thư - Bộ Giáo dục (nay là Bộ GD&ĐT) và dạy Toán thí điểm cho sách giáo khoa Toán ở trường cấp 3 Hà Nội và trường cấp 3 Trưng Vương.
Nhà giáo Lê Hải Châu cũng đã cùng GS Hoàng Tụy biên soạn hàng chục đầu sách giáo khoa, các môn như Số học, Đại số, Hình học, Lượng giác cho các cấp học phổ thông.
Thầy Lê Hải Châu luôn cống hiến đến hơi thở cuối cùng. Tính đến khi qua đời, thầy đã viết và dịch hàng trăm đầu sách giáo khoa, sách hướng dẫn giảng dạy và sách tham khảo phục vụ trong các trường phổ thông và bồi dưỡng học sinh giỏi.
Suốt từ năm 1957 đến năm 1991, nhà giáo Lê Hải Châu là chuyên viên Vụ Giáo dục THPT (nay là Vụ Giáo dục Trung học), chỉ đạo môn Toán cấp 3, phụ trách công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi toán.

Đóng góp lớn cho nền Toán học nước nhà

Nhà giáo nhân dân Lê Hải Châu không chỉ đóng góp to lớn trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu, biên soạn sách, mà còn là một trong những người đầu tiên có công lớn trong việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi toán cho đất nước, làm rạng danh con người Việt Nam, trí tuệ Việt Nam trên thế giới.
Năm 1974, nhà giáo Lê Hải Châu bắt đầu dẫn dắt đoàn học sinh Việt Nam tham dự Olympic Toán quốc tế lần thứ 16. Đây là lần đầu tiên Việt Nam dự thi IMO. Kết quả, 4/5 học sinh đoạt huy chương.
Nghệ sĩ Thanh Kim Huệ - Sputnik Việt Nam, 1920, 23.12.2021
“Thị Hến” Thanh Kim Huệ qua đời ở tuổi 66
Cũng chính từ thành công vang dội tại cuộc thi IMO 16, nhà giáo Lê Hải Châu đã trực tiếp tham gia giảng dạy và tuyển chọn, đồng thời ông trực tiếp 7 lần dẫn đội tuyển toán Việt Nam dự các kỳ thi Olympic Toán Quốc tế và đều giành được giải cao, được bạn bè quốc tế nể phục, theo nhà báo Phạm Nhật Nam.
Đặc biệt, tại IMO 21 tổ chức ở Anh năm 1979, người học trò xuất sắc của nhà giáo Lê Hải Châu – “cậu bé vàng của toán học Việt Nam” - Lê Bá Khánh Trình đã xuất sắc đoạt giải nhất với số điểm tuyệt đối 40/40, đồng thời đạt giải đặc biệt về lời giải độc đáo.
Dần dần, Việt Nam cũng dần được biết đến là một trong những nước có nhiều học sinh giỏi toán, quốc gia mạnh về Toán học, nhất là cùng với thành công của GS. Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields (năm 2010).
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng - Sputnik Việt Nam, 1920, 15.11.2021
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng qua đời vì Covid-19
Năm 1991, nhà giáo Lê Hải Châu chính thức nghỉ hưu nhưng ông vẫn tham gia giảng dạy, biên soạn nhiều cuốn sách như Đố vui mọi lứa tuổi (1993); 101 chuyện lý thú về toán dành cho cấp 2 (2001); Danh nhân toán học thế giới (2003); Phát huy sáng tạo qua việc giải toán thông minh (2004); Toán học và đời sống, sản xuất và quốc phòng (2006).
Nhà giáo nhân dân Lê Hải Châu đã về với “cõi người hiền”. Xin vĩnh biệt cây đại thụ của nền giáo dục nước nhà, một tài năng lớn đóng góp cho nền Toán học Việt Nam, một nhân cách cao cả với biết bao thế hệ học trò đã thành công cả về sự nghiệp lẫn đạo đức làm người.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала