Giá xăng 'phá đỉnh': Vẫn thiếu linh hoạt trong các giải pháp 'hạ nhiệt'?
© Ảnh : Lê Ngọc Phước- TTXVNCửa hàng xăng dầu thuộc Chi nhánh Công ty CP Xăng dầu Dầu khí PV Oil miền Trung tại Quảng Ngãi nằm trên đường Hai Bà Trưng vẫn hoạt động thường xuyên để phục vụ khách hàng
© Ảnh : Lê Ngọc Phước- TTXVN
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Đặc biệt khi những tác động của đại dịch COVID-19 vẫn còn đó thì việc giá xăng tăng cao ở mức kỷ lục có thể gây ra những tác động lớn tới ngành vận tải, giá cả hàng hoá tiêu dùng, chi phí sản xuất của doanh nghiệp v.v.
Với các mức thuế và giá bình quân của xăng A95 trên thế giới làm cơ sở tính điều chỉnh giá ngày 11/2 vừa qua, mỗi lít xăng A95 đang bán trên thị trường đang chịu các khoản thuế khoảng 9.000 đồng.
Thiếu linh hoạt trong quản lý, điều chỉnh giá?
Lần tăng giá xăng dầu gần đây đã đẩy giá xăng dầu trong nước lên mức cao nhất trong 8 năm qua khi xăng RON95 vượt 25.000 đồng/lít. Điều này đã "gây sóng” trong dư luận.
Câu hỏi đặt ra là liệu việc điều hành thiếu chủ động và thiếu linh hoạt của cơ quan quản lý cũng là một trong những tác nhân đẩy giá xăng tăng “sốc”?
Còn nhớ đợt điều chỉnh giá lần này (ngày 11/2) đã chậm 10 ngày so với thông thường, do ngày 1/2 rơi vào mùng 1 Tết và theo Nghị định 95 sẽ chuyển sang kỳ điều hành tiếp theo. PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài Chính mới đây chia sẻ quan điểm với báo chí, cho rằng:
“Nếu chúng ta điều hành linh hoạt hơn, điều chỉnh xăng dầu vào ngày mùng 2 hoặc mùng 3 thì sẽ không có hiện tượng này".
Để trả lời dư luận, mới đây, ông Trương Bá Tuấn, Phó Vụ trưởng Chính sách Thuế, Bộ Tài chính, cho biết:
“Chính sách thuế thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, nên tính ổn định tương đối cao, áp dụng trong thời gian dài. Trong khi đó, giá xăng dầu được điều chỉnh liên tục theo kỳ 10 ngày 1 lần, biên độ điều chỉnh lớn và phụ thuộc vào nhiều yếu tố".
Việc các cơ quan chức năng chậm điều chỉnh giá trong khi các doanh nghiệp lại biết rõ giá thị trường thế giới hiển nhiên sẽ dẫn tới tình trạng găm hàng.
“Việt Nam áp dụng cơ chế điều hành giá theo quy trình 10 ngày một lần, trong khi đó, tất cả các doanh nghiệp đều đã biết tình hình giá cả thế giới. Vì vậy, nếu giá thế giới tăng và nhà nước điều hành giá, họ sẵn sàng găm hàng lại” - ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, giải thích với báo chí.
Đứng trước tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại cuộc họp ngày 9/2 mới đây cũng đã cho rằng cần có sự linh hoạt hơn trong điều hành giá xăng dầu, như không nhất thiết phải chờ đúng 10 ngày như quy định, mà có thể 3 hoặc 5 ngày điều chỉnh.
Giảm thuế phí liệu có phải là giải pháp?
Trong khi mọi chính sách của Chính phủ đều hướng tới hỗ trợ người dân, thì việc giá xăng dầu tăng cao khiến cho mọi nỗ lực đều bị ảnh hưởng. Vì vậy, nhiều ý kiến đều cho rằng cần sớm cân đối giảm thuế phí, nhằm hạ nhiệt giá xăng để hỗ trợ nền kinh tế.
Theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Bộ Công Thương, cho rằng để bình ổn giá xăng dầu, ngoài việc sử dụng hiệu quả linh hoạt Quỹ Bình ổn giá thì cân nhắc giảm các loại thuế, phí.
“Thuế phí nằm trong giá xăng dầu hiện nay là quá lớn. Một trong những biện pháp kìm giá tốt ở thời điểm hiện nay đó là nhà nước phải rà soát, xem xét lại, cần xem liệu có phí thuế chồng phí thuế không và cần điều chỉnh mức thuế phí hợp lý hơn để tránh sự tăng giá xăng dầu cao”.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, nhận định rằng nếu nhìn về tổng thể thì Quỹ bình ổn giá xăng dầu có hạn dù có doanh nghiệp âm, có doanh nghiệp vẫn dương.
"Nếu tới đây diễn biến giá dầu thế giới tăng quá cao, có thể đạt 100 USD/thùng sẽ tác động tiêu cực tới kinh tế trong nước thì phải dùng các công cụ khác như thuế, phí. Bởi nếu giá xăng dầu trong nước quá cao có thể làm vô hiệu hoá một số chính sách của chương trình phục hồi kinh tế tổng thể mà Chính phủ đang tiến hành” - Ông Đông cho biết.
Ngoài ra, xăng dầu không phải là mặt hàng được giảm thuế giá trị gia tăng được áp dụng trong năm 2022 (từ 10% xuống 8%) theo Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên trên thực tế, ví dụ để hỗ trợ ngành vận tải đường không, thuế bảo vệ môi trường với xăng máy bay (nhiên liệu bay) đã giảm 30% trong năm 2021 và giảm 50% trong năm 2022. Vì vậy, có nhiều ý kiến đề xuất giảm thuế này cho xăng dầu nhằm hỗ trợ nền kinh tế, như vận tải khách đường bộ.
Cùng với đó, các chuyên gia cho rằng, ngoài giải pháp giảm thuế, phí, về lâu dài, cần tính toán, nhanh chóng chuyển kinh doanh xăng dầu sang cơ chế thị trường để thị trường quyết định.