Hơn một nửa dân số Việt Nam có việc làm - cú lội ngược dòng ngoạn mục
© Ảnh : Vũ Sinh – TTXVNCông ty may Hoàn Anh ở xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ liên kết sản xuất với làng nghề may Tam Hiệp, tạo việc làn ổn định cho 20 lao động
© Ảnh : Vũ Sinh – TTXVN
Đăng ký
Báo cáo về tình hình lao động việc làm quý I/2022 do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy bức tranh khá toàn cảnh về thị trường lao động Việt Nam. Với hơn 50 triệu lao động có việc làm, nghĩa là hơn một nửa dân số Việt Nam có nguồn thu nhập.
Việt Nam có gần 17 triệu người bị mất việc, giãn việc, giảm thu nhập vì Covid-19. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm rõ rệt, thị trường lao động trên đà hồi phục, thu nhập của người lao động tăng lên.
Gần 17 triệu lao động bị ảnh hưởng vì Covid-19
Tổng cục Thống kê công bố báo cáo mới nhất ngày 12/4 cho biết, trong quý I/2022, Việt Nam vẫn còn hơn 16,9 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, con số này đã giảm đến 7,8 triệu người so với quý IV/2021.
“Đây là mức giảm mạnh nhất được ghi nhận khi Việt Nam chứng kiến sự bùng phát của Covid-19”, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Bị Thống kê Dân số và Lao động cho biết.
Tại buổi họp báo về tình hình lao động, việc làm quý I/2022, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến nêu rõ, lao động có việc làm tăng mạnh, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm đều giảm, thu nhập của người lao động được cải thiện, số người gia nhập lực lượng lao động tiếp tục tăng ngay cả khi ca nhiễm Covid-19 trong cả nước vượt mức hàng chục nghìn ca mỗi ngày là những dấu hiệu cho thấy thị trường lao động quý I/2022 đang phục hồi.
Theo đó, trong tổng số 16,9 triệu người bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh có: 0,9 triệu người bị mất việc; 5,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 5,7 triệu người bị cắt giảm gờ làm hoặc buộc nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên; 13,7 triệu người bị giảm thu nhập.
Theo Tổng cục Thống kê, đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ vẫn là 2 vùng có tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng nhiều hơn so với vùng khác.
Theo đó, số lao động ở 2 vùng này cho biết công việc bị ảnh hưởng do đại dịch chiếm 25,7% cà 23,9%.
Ngoài ra, thành thị vẫn là khu vực có số lao động chịu thiệt hại nhiều hơn nông thôn (25,8% lao động khu vực thành thị bị ảnh hưởng so với 20,5% tại nông thôn.
Đồng thời, đa phần những người có việc vị tác động xấu với Covid-19 có độ tuổi khá trẻ từ (25-54 tuổi, chiếm 73%).
Thị trường lao động phục hồi
Ông Nguyễn Trung Tiến nêu rõ, thị trường lao động Việt Nam đã dần hồi phục trở lại bất chấp số ca nhiễm Covid-19 vẫn tăng ở hầu hết các tỉnh thành phố thời gian qua do biến chủng Omicron.
Đại diện Tổng cục Thống kê cũng cho biết, trong quý I/2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 51,2 triệu người, tăng hơn 0,4 triệu người so quý trước và tăng khoảng 0,2 triệu người so cùng kỳ.
Trong đó, lao động ở cả hai khu vực nông thôn và thành thị đều tăng khoảng 0,2 triệu người, lao động nam tăng nhiều hơn so lao động nữ.
Số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50 triệu người, tăng 962,6 nghìn người so quý trước và tăng 132,2 nghìn người so cùng kỳ. Như vậy, hơn một nửa dân số Việt Nam có việc làm.
Theo Tổng cục Thống kê, lao động trong khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất, tiếp đến là lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng, nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Trong tổng số 50 triệu lao động có việc làm, lao động trong khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 38,7%, tương đương 19,4 triệu người, tiếp đến là lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 33,5%, tương đương 16,8 triệu người.
Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng thấp nhất, 27,8%, tương đương 13,9 triệu người.
Lãnh đạo Tổng cục Thống kê cũng nêu rõ, nhờ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP với các giải pháp hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc cũng như hỗ trợ người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp đã giúp thị trường lao động quý I/2022 khởi sắc hơn, tiếp nối thành quả phục hồi đã ghi nhận được ở quý IV/2021.
Thất nghiệp giảm
Số liệu thống kê của nhà chức trách cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam đang giảm rõ rệt.
Cụ thể, số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý I năm 2022 là khoảng 1,3 triệu người, giảm 135.200 người so với quý trước và tăng 357.500 người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị thấp hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 2,39% và 3,40%).
“Tình hình thiếu việc làm đã quay trở lại với thực trạng thường được quan sát ở nước ta với xu hướng tỷ lệ này ở khu vực nông thôn thường cao hơn khu vực thành thị, sau khi chứng kiến 3 quý liên tiếp từ quý II đến quý IV năm 2021 với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã đẩy tỷ lệ thiếu việc làm ở thành thị cao hơn khu vực nông thôn”, theo Tổng cục Thống kê.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2022 là khoảng 1,1 triệu người, giảm đến 489.500 người so với quý trước và tăng 16.700 người so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 15-24 tuổi quý I năm 2022 là 7,93%, giảm 0,85 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,49 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 9,3%, cao hơn 2,1 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.
Thu nhập bình quân của người lao động Việt Nam là bao nhiêu?
Điểm tích cực, theo báo cáo mới cập nhật của Tổng cục Thống kê, là thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I đã tăng 1 triệu đồng so với quý trước và tăng 110 nghìn đồng so cùng kỳ năm ngoái 2021, đạt mức 6,4 triệu đồng/tháng.
Đáng chú ý, thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,36 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (7,3 triệu đồng so với 5,4 triệu đồng).
Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,43 lần khu vực nông thôn (7,9 triệu đồng so với 5,5 triệu đồng).
“Thị trường lao động quý I đang dần sôi động trở lại ở nhiều ngành kinh tế, đời sống của người lao động được cải thiện hơn, thu nhập bình quân của người lao động có sự phục hồi mạnh mẽ”, Tổng cục Thống kê khẳng định.
Trong quý I năm 2022, thu nhập bình quân tháng của người lao động có sự gia tăng mạnh trong hầu hết các ngành kinh tế chủ yếu so với quý trước.
Trong đó, lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức thu nhập bình quân là 7,2 triệu đồng; lao động làm việc trong ngành bán buôn bán lẻ có thu nhập bình quân là 7,5 triệu đồng; lao động làm việc trong ngành tài chính ngân hàng và bảo hiểm có thu nhập là 10,8 triệu đồng/người/tháng; ngành kinh doanh bất động sản lao động có thu nhập bình quân là 10,7 triệu đồng.
Tổng cục Thống kê cho hay, mặc dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng người lao động đã có thể tham gia vào thị trường lao động thuận lợi hơn, nhờ sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê cũng lưu ý, dù có nhiều khởi sắc nhưng thị trường lao động Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn một số yếu tố thiếu bền vững.
Cụ thể, theo phân tích của cơ quan chức năng, số người có việc làm tăng nhanh nhưng tăng nhiều ở lao động phi chính thức, phi hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Thứ hai, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao.
Thứ ba, lao động “tự sản tự tiêu” giảm nhưng vẫn chưa trở về trạng thái bình thường ban đầu khi chưa xảy ra đại dịch do coronavirus gây nên.
Khuyến nghị biện pháp để thị trường lao động tiếp tục phục hồi bền vững, Tổng cục Thống kê đề xuất Chính phủ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, đẩy nhanh Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Chính phủ cũng nên triển khai các chính sách để thu hút lao động tự sản tự tiêu, lao động không tham gia hoạt động kinh tế ra nhập thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội và cải thiện đời sống của người dân.
Bên cạnh đó, các nhà chức trách cần nghiên cứu xây dựng các chương trình chính sách đào tạo phù hợp, nâng cao chất lượng nguồn lao động, đảm bảo năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1/7/2022
Như Sputnik ngày 12/4 đưa tin, tại phiên họp thứ 2 thảo luận, thương lượng về việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động tại doanh nghiệp, với đa số phiếu tán thành, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đồng thuận và chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 ở mức 6% để trình Chính phủ xem xét quyết định.
Nếu được Chính phủ thông qua, lương tối thiểu vùng sẽ được tăng sau 2 năm giữ nguyên, mức lương tối thiểu vùng năm 2022 được tính từ ngày 1/7/2022 đến hết năm 2023 với mức tăng 6%.
Tại phiên họp hôm 12/4, với sự đồng thuận của 17/17 thành viên, Hội đồng Tiền lương quốc gia chốt đề xuất trình Chính phủ xem xét quyết định tăng lương tối thiểu vùng ở mức 6%.
Riêng về đề nghị thời điểm áp dụng tăng từ 1/7/2022 nhận được sự đồng thuận của 15/17 thành viên.
Ông Ngọc Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, hơn lúc nào hết, người lao động đang cần được hỗ trợ khó khăn sau thời gian kiệt quệ vì dịch bệnh và bão giá.
“Việc tăng lương có lợi cho cả doanh nghiệp và người lao động”, ông Hiểu nhấn mạnh.
Theo đó, cùng với việc chống dịch hiệu quả và khả năng phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, việc tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2022 là có thể thực hiện được.
Đánh giá về nguyên nhân “chốt” đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6% ông Hiểu cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên 2 năm vừa qua, Chính phủ chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng.
Thực tế là các doanh nghiệp duy trì mức lương tối thiểu theo Nghị định số 90/2019/NĐ-CP, không điều chỉnh tiền lương cho người lao động.
Cụ thể, tiền lương tối thiểu vùng đối với vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II là 3,92 triệu đồng; vùng III là 3,42 triệu đồng và vùng IV là 3,07 triệu đồng.
Ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, năm 2022, cùng với việc chống dịch hiệu quả và khả năng phục hồi của nền kinh tế, Hội đồng Tiền lương quốc gia nhận thấy tăng lương lúc này là kịp thời để hỗ trợ, giúp người lao động vượt qua khó khăn và là động lực giúp người lao động nâng cao năng suất lao động, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
“Tăng lương cũng là thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước là để khoan thư sức dân, giúp cho người lao động bước vào giai đoạn phục hồi phát triển lao động với năng suất cao”, ông Hiểu khẳng định.
Do vậy, Hội đồng Tiền lương quốc gia nhận thấy, có nhiều lý do nên tăng lương cho người lao động từ 1/7/2022.
Theo Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia.
Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng lưu ý, các doanh nghiệp được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể người lao động. Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.
Cùng với đó, nền kinh tế - xã hội đang chuyển sang giai đoạn phục hồi, phát triển, đặc biệt trong quý I/2022, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi rất mạnh mẽ.
Do vậy, việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ mang đến sự khích lệ cần thiết giúp người lao động cải thiện thu nhập cũng như hăng hái tham gia sản xuất, đóng góp chủ động, tích cực vào quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế của đất nước.