Tham nhũng ở Việt Nam ‘không còn riêng lẻ, mà mang tính chất tập thể’
© Ảnh : Phương Hoa - TTXVNĐồng chí Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương thông báo tóm tắt kết quả cuộc họp
© Ảnh : Phương Hoa - TTXVN
Đăng ký
Theo Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học, những vụ án phát hiện, xử lý vừa qua cho thấy, tham nhũng không còn riêng lẻ mà mang tính chất tập thể. Việt Nam nói có sự cấu kết giữa cán bộ nhà nước và bên ngoài.
Từ đầu năm, đã có 125 vụ án với 259 bị can về tham nhũng bị khởi tố, tăng gấp 2 lần so với thời gian cùng kỳ 2021 và có 8 cán bộ diện Trung ương quản lý đã bị khởi tố.
Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất bổ sung 5 vụ án vào diện theo dõi gồm vụ đưa nhận hối lộ ở Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), thao túng thị trường chứng khoán xảy ra ở FLC, lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở Tân Hoàng Minh, vụ sai phạm đất đai ở TP.HCM và án buôn lậu xuyên biên giới liên quan đến Nguyễn Thị Kim Hạnh (Mười Tường) ở An Giang.
Khởi tố 8 cán bộ diện Trung ương quản lý
Chiều nay 27/4, Ban Nội chính Trung ương tổ chức họp báo thông tin kết quả cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban chỉ đạo).
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, sáng nay, cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo được tổ chức dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 21 đến nay, đồng thời xác định yêu cầu nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới.
Thông tin tại cuộc họp báo về kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, Phó Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, việc phát hiện xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực trong Quý I/2022 “có những số liệu tăng rất nhiều”.
Trong đó, có 125 vụ án với 259 bị can về tham nhũng bị khởi tố, tăng gấp 2 lần so với thời gian cùng kỳ 2021.
Theo ông Nguyễn Thái Học, từ đầu năm đến nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành, xem xét xử lý 14 cán bộ thuộc diện trung ương quản lý, còn từ đầu nhiệm kỳ đến nay là 40 người bị xem xét.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ chuyển 65 hồ sơ vụ việc sang cho cơ quan điều tra xem xét, xử lý, còn Kiểm toán Nhà nước chuyển 31 hồ sơ cho các cơ quan chức năng xem xét, xử lý.
Phó trưởng ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh, đây là những số liệu cho thấy tăng so với thời gian cùng kỳ, tức là việc xem xét xử lý các đảng viên vi phạm từ khởi tố điều tra, đến các kỷ luật Đảng, Nhà nước.
“Từ các số liệu cũng cho thấy, nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp, dư luận đặc biệt quan tâm được xem xét xử lý, trong lĩnh vực kinh tế có chứng khoán, trái phiếu, đất đai rồi y tế, ngoại giao”, ông Học nói.
Theo ông Nguyễn Thái Học, trong việc phát hiện xử lý cũng cho thấy có nhiều cán bộ có chức vụ ở trung ương, địa phương.
Theo thống kê cho thấy 24 cấp giám đốc sở, vụ trưởng trở lên, trong đó, có 8 cán bộ thuộc diện trung ương quản lý.
“Đã khởi tố 8 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 1 thứ trưởng, 1 nguyên thứ trưởng, 1 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, 5 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang”, ông Học nói.
Trong khi đó, tính từ đầu nhiệm kỳ đã xử lý hình sự hơn 40 cán bộ từ cấp giám đốc sở, vụ trưởng trở lên, trong đó, 18 cán bộ thuộc diện trung ương quản lý.
Nhiều vụ án lớn đặc biệt nghiêm trọng
Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra hơn 1200 vụ, trên 2.009 bị can, xét xử sơ thẩm hơn 730 vụ về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ.
Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đã khởi tố mới 4 vụ án/23 bị can, khởi tố mới 7 bị can trong 3 vụ án, khởi tố bổ sung tội danh 4 bị can trong 2 vụ án.
Đồng thời, kết thúc điều tra, điều tra bổ sung 5 vụ án/134 bị can; truy tố 3 vụ án/34 bị can; xét xử sơ thẩm 2 vụ án/14 bị cáo, xét xử phúc thẩm 1 vụ án/4 bị cáo.
Trong đó, đã khởi tố, điều tra nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, như: Vụ án “Tham ô tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng.
Vụ án “Tham ô tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam;
Vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan có liên quan;
Vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty cổ phần tập đoàn FLC;
Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh.
Tích cực thu hồi tài sản tham nhũng
Phó Ban Nội chính Trung ương cho biết, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán tiếp tục được đẩy mạnh.
Các cơ quan chức năng đã thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã khẩn trương kiểm tra, phát hiện, xử lý, kiến nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý.
Ông Nguyễn Thái Học nêu rõ, qua công tác thanh tra, ngành Thanh tra đã chuyển 65 vụ việc có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định pháp luật; qua thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện 13 vụ việc, 18 đối tượng tham nhũng.
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp 31 hồ sơ, báo cáo kiểm toán cho các cơ quan chức năng để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.
Đặc biệt, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, điển hình như: Sơn La, Thanh Hóa, Phú Thọ, Khánh Hòa, An Giang, Đồng Nai, Thái Nguyên.
Đồng thời, công tác thu hồi tài sản thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực tiếp tục được quan tâm.
Từ đầu năm đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị trên 2.050 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác.
“Cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được gần 4.000 tỷ đồng”, ông Học bày tỏ.
Có tham nhũng “tập thể”
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Thái Học nêu một điểm đáng chú ý đó là thời gian gần đây, xử lý kỷ luật đều là cán bộ cấp cao, không còn ở cơ sở.
“Không còn là tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, tiêu cực, vòi vĩnh, mà hành vi rất nghiêm trọng, liên quan đến tài sản rất lớn”, Phó ban Nội chính Trung ương nêu rõ.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Thái Học, hiện nay, cần phải quan tâm đến một loại hình tham nhũng khác – tham nhũng có dấu hiệu mang tính tập thể.
“Những vụ án phát hiện, xử lý vừa qua cho thấy, tham ô, tham nhũng không còn riêng lẻ, mà mang tính chất tập thể, có tổ chức, cấu kết chặt chẽ, tinh vi giữa cán bộ nhà nước và bên ngoài. Đây là vấn đề phải quan tâm”, ông Nguyễn Thái Học nhấn mạnh.
Cùng với đó, theo ông Học, sự phối hợp, kiểm soát lẫn nhau của các cơ quan chức năng thời gian qua đã đến mức “dù cơ quan nào trong các cơ quan phòng chống tham nhũng không muốn làm cũng không được”.
Phó ban Nội chính Trung ương dẫn chứng việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật phó Tổng Thanh tra Chính phủ và phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng là liên quan đến quá trình thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại tố cáo ở một vụ việc.
“Thanh tra, kiểm toán nhưng làm không hết trách nhiệm, xử lý không nghiêm thì Ủy ban Kiểm tra trung ương bị kỷ luật”, ông Học lý giải.
Vụ án Tân Hoàng Minh, FLC, Cục Lãnh sự vào diện theo dõi
Theo Phó ban Nội chính Trung ương, tại cuộc họp vào sáng 27/4 dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất bổ sung 5 vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo gồm:
Vụ án "Đưa hối lộ, nhận hối lộ" xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan liên quan.
Vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC.
Vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh.
Vụ việc sai phạm liên quan đến dự án bất động sản tại số 33 Nguyễn Du, số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh, TP.HCM.
Các vụ án buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới liên quan đến Nguyễn Thị Kim Hạnh và những cán bộ, đảng viên có hành vi tiêu cực liên quan đến vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc xảy ra tại An Giang.
Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu một số vụ án “rất nghiêm trọng, phức tạp” phải tập trung điều tra, gồm:
Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Công ty Việt Á;
Tham ô tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng);
Tham ô tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam;
Các vụ án, vụ việc vi phạm pháp luật về đất đai, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước xảy ra tại TP HCM, Khánh Hòa, Bình Dương, Bình Thuận; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Buôn lậu; Sản xuất, buôn bán hàng giả; In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước xảy ra tại Đồng Nai và một số tỉnh, thành phố...
Vụ án tại Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) và vụ Nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại một số đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển và Bộ đội Biên phòng cần khẩn trương xét xử sơ thẩm trong quý II.
Theo kế hoạch của Ban chỉ đạo, đến hết năm 2022, các cơ quan sẽ kết thúc điều tra 19 vụ án, truy tố 21 vụ, xét xử sơ thẩm 24 vụ, xét xử phúc thẩm 6 vụ; kết thúc xác minh, xử lý 39 vụ.
“Cứ có dấu hiệu là Ủy ban kiểm tra có quyền vào kiểm tra”
Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, những công việc đã làm trong thời gian vừa qua với khối lượng lớn, rút ra được nhiều kinh nghiệm tốt.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo đã đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên nhiều lĩnh vực mới, khó, tồn tại lâu dài như: đất đai, tài chính, thị trường chứng khoán…
© Phương Hoa - TTXVNTổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu kết luận cuộc họp
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu kết luận cuộc họp
© Phương Hoa - TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao việc vừa qua công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đưa thêm yếu tố tiêu cực vào chứ không phải chỉ có phòng, chống tham nhũng.
“Tiêu cực ở đây rất rộng nhưng chủ yếu là sự suy thoái về phẩm chất, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bước đầu đã làm rõ một số vụ việc tiêu cực”, lãnh đạo Đảng nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, từ thực tế của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã rút ra kinh nghiệm hoàn toàn đúng cả về lý luận, thực tiễn và đường lối.
“Đó là công tác kiểm tra của Đảng phải đi trước một bước, kiểm tra dấu hiệu vi phạm, cứ có dấu hiệu là Ủy ban kiểm tra có quyền vào kiểm tra. Đây là kinh nghiệm hay, đúng nguyên tắc, kỷ luật Đảng trước, rồi đến kỷ luật về hành chính, tiếp đến là xử lý hình sự”, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nói.
Điều này phù hợp với đường lối và thực tiễn đã chứng minh là đúng, có kết quả tốt.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, các vụ án đã được xử lý “nghiêm nhưng cũng rất nhân văn”, tài sản thu hồi lớn, nhưng cái lớn nhất vẫn là củng cố, tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị.
Theo người đứng đầu Ban Chỉ đạo, nhân dân cũng tin tưởng, trông chờ, đòi hỏi thêm ở hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
“Chúng ta càng phải làm việc này cho tốt, càng phải gương mẫu giữ gìn mình cho tốt”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ.
Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý, phải tiếp tục quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, chống tham nhũng tiêu cực.
“Các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp và nhuần nhuyễn hơn nữa”, Tổng Bí thư lưu ý.