Việt Nam tăng trưởng kỷ lục nhưng Mỹ, EU, Trung Quốc là các yếu tố kìm chân?
22:33 20.10.2022 (Đã cập nhật: 22:34 20.10.2022)
CC BY-SA 4.0 / Minhvnhp / Hải Phòng City (cropped image)Quang cảnh thành phố Hải Phòng của Việt Nam
CC BY-SA 4.0 / Minhvnhp / Hải Phòng City (cropped image)
Đăng ký
Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam được Ngân hàng Thế giới phát đi, WB cho rằng, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng đáng kinh ngạc trong quý 3/2022.
Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam hiện giảm đồng đều do nhu cầu tại Mỹ, EU yếu đi kết hợp với chính sách Zero Covid ở Trung Quốc.
Việt Nam tăng trưởng đáng kinh ngạc
Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam được WB phát hành trong tháng 10/2022 đánh giá nền kinh tế Việt Nam đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong giai đoạn vừa qua.
WB dành lời khen cho mức tăng trưởng kỷ lục và đáng kinh ngạc của Việt Nam. Cụ thể, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý 3/2022 đạt 13,7% so cùng kỳ năm trước.
“Tốc độ tăng trưởng cao kỷ lục trên phần nào là nhờ hiệu ứng xuất phát điểm thấp do nền kinh tế bị suy giảm 6% trong quý 3/2021 sau các đợt cách ly kéo dài nhằm kiềm chế đại dịch COVID-19”, - WB lý giải mức tăng trưởng đột phá của Việt Nam.
Trong đó, ngành dịch vụ, vốn là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong năm trước, đã đạt tăng trưởng cao nhất (18,9% so cùng kỳ năm trước) đóng góp 8,5% cho tốc độ tăng trưởng GDP.
Cụ thể, lĩnh vực lưu trú và ăn uống lần đầu tiên cao hơn mức trước đại dịch kể từ quý 2/2022 nhờ nhu cầu trong nước phục hồi mạnh mẽ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 9/2022 cũng tăng 1,8% so tháng trước và 13,0% so cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là nhờ hiệu ứng xuất phát điểm thấp vào quý III/2021, theo WB.
Tín hiệu kìm chân gây suy giảm xuất khẩu từ Mỹ, EU, Trung Quốc
Mặc dù các lĩnh vực chế tạo chế biến chủ chốt khác đều tăng trưởng, nhưng sản xuất máy tính, hàng điện tử và sản phẩm quang học lần đầu tiên bị suy giảm kể từ tháng 2/2022 (ở mức 2,4% so cùng kỳ năm trước).
Lý do được WB chỉ ra là vì sức cầu bên ngoài yếu đi, như được thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng đó chững lại.
“Tăng trưởng xuất khẩu giảm đồng đều, do nhu cầu tại Mỹ và EU yếu đi kết hợp với tác động của chính sách Zero COVID ở Trung Quốc cũng như hiệu ứng xuất phát điểm thấp”, - WB lưu ý.
Cũng theo WB, doanh số bán lẻ trong tháng Chín tăng 2,95% so tháng trước và 36,1% so cùng kỳ năm trước. Doanh số dịch vụ tiêu dùng tăng mạnh hơn so với doanh số hàng hóa (tăng lần lượt 6,5% và 1,95%). Doanh số dịch vụ tăng nhờ vào doanh số bất động sản, các dịch vụ quản lý hành chính và hỗ trợ, y tế và giáo dục, giải trí, và các dịch vụ khác.
Việt Nam cần tăng cường cảnh giác và linh hoạt về chính sách
Bên cạnh những con số tích cực, chuyên gia WB cũng đánh giá tuy giá năng lượng đã hạ nhiệt nhưng lạm phát CPI đã tăng từ 2,9% trong tháng 8 lên 3,9% trong tháng 9 chủ yếu do tiền thuê nhà và chi phí giáo dục tăng cao.
Lạm phát CPI cơ bản cũng tăng từ 3,15% trong tháng Tám lên 3,8% trong tháng Chín. Trong đó, cân đối ngân sách tháng 9 lần đầu tiên bội chi ở mức 0,5 tỷ USD trong năm 2022, nhưng vẫn ghi nhận bội thu 10,5 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm.
Do thặng dư ngân sách, khối lượng trái phiếu chính phủ phát hành từ đầu năm đến nay chỉ đạt 28,7% kế hoạch năm, so với mức 67.9% năm 2021.
Bên cạnh đó, số đăng ký vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm 34,6% trong tháng 9 do ảnh hưởng bởi những bất định gia tăng liên quan đến viễn cảnh kinh tế toàn cầu và điều kiện huy động tài chính bị thắt chặt để chống lạm phát ở các nền kinh tế phát triển.
Vốn đăng ký giảm ở tất cả các lĩnh vực chính, kể cả đối với đầu tư mới, mở rộng, mua lại và sát nhập (M&A).
Vì vậy, trong 9 tháng, số đăng ký vốn FDI đạt 18,8 tỷ USD, thấp hơn 15,3% so với năm trước đó, trong khi số giải ngân vốn FDI đạt 15,4 tỷ USD, tăng 16,2% (so cùng kỳ năm trước), cao hơn so với mức trước đại dịch.
Việt Nam cần tăng cường cảnh giác và linh hoạt về chính sách
Ngân hàng Thế giới cho rằng, tăng trưởng tính dụng tăng từ 16,2% trong tháng Tám lên 17,2% trong tháng 9 sau khi NHNN nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại.
Do nhu cầu lớn về tín dụng, lãi suất liên ngân hàng qua đêm tăng từ 3,5% trong tháng 8lên đến 5,48% vào giữa tháng 10, mức cao nhất kể từ năm 2013.
Để ổn định đồng nội tệ, NHNN đã nâng hai loại lãi suất chính sách chủ chốt và trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn bằng nội tệ thêm 100 điểm cơ bản, ghi dấu đợt tăng lãi suất đầu tiên kể từ tháng 4/2020.
“Mặc dù nền kinh tế vẫn đang phục hồi mạnh mẽ nhưng những bất định gia tăng liên quan đến kinh tế toàn cầu chững lại, lạm phát trong nước gia tăng, điều kiện huy động tài chính toàn cầu bị thắt chặt cho thấy Việt Nam cần tăng cường cảnh giác và linh hoạt về chính sách”, - WB lưu ý.
Đồng thời vì CPI và CPI cơ bản đang tiếp đến mức 4% - mức lãi suất chính sách của các cấp có thẩm quyền - cơ quan tiền tệ cần sẵn sàng cân nhắc thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ để đảm bảo neo giữ lạm phát.
Khi giai đoạn giãn hoãn thời gian trả nợ đã kết thúc và điều kiện huyđộng tài chính bị thắt chặt, khu vực tài chính phải đối mặt với rủi ro gia tăng đồng thời đòi hỏi phải có hướng dẫn từ phía NHNN để ngăn chặn những rủi ro đó bị hiện thực hóa ở cấp độ rộng hơn, trong cả khu vực, có thể gây ảnh hưởng đến nền kinh tế thực.
“Trong điều kiện nền kinh tế chưa phục hồi đầy đủ và tăng trưởng ở những thị trường xuất khẩu chủ lực dự kiến sẽ chậm lại, cần tiếp tục các chính sách tài khóa chủ động hỗ trợ nền kinh tế trên cơ sở phù hợp với kết quả kinh tế và phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ”, - WB nhấn mạnh.
WB cũng nhắc đến sự kiện Ngân hàng Thương mại Sài Gòn. Theo đó, sự kiện xáo trộn gần đây liên quan đến vụ việc của SCB cho thấy nhu cầu cần nâng cao minh bạch thông qua công bố kịp thời thông tin chi tiết về kết quả hoạt động của khu vực ngân hàng, tăng cường quản trị doanh nghiệp.
Việt Nam cũng cần tăng cường giám sát dựa trên rủi ro, bao gồm giám sát hoạt động cho vay của các tập đoàn doanh nghiệp và cho vay bên liên quan để can thiệp sớm, và tăng cường cơ chế xử lý ngân hàng.