Зеленая деревянная змея - Sputnik Việt Nam, 1920
Tổng kết 2024 và Dự báo 2025
Sputnik điểm lại các sự kiện, xu hướng chính trên thế giới và ở Việt Nam năm qua cùng những phân tích, dự báo cho năm 2025.

Việt Nam 2022: Khác biệt với thế giới nhưng không “dị biệt”

© Ánh Tuyết - TTXVNCổng chào của đường đèn nghệ thuật “Cần Thơ mừng Xuân mới”
Cổng chào của đường đèn nghệ thuật “Cần Thơ mừng Xuân mới” - Sputnik Việt Nam, 1920, 28.12.2022
Đăng ký
Nhờ tăng trưởng kinh tế thần kỳ, chỉ số lạm phát thấp, xuất nhập khẩu bùng nổ, nền chính trị ổn định và thành công ngoại giao rực rỡ, Việt Nam nổi lên như một trong những điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh ảm đạm, suy thoái và khủng hoảng bao trùm toàn cầu.
Trong đánh giá tổng hợp “Việt Nam 2022 nhìn lại”, Sputnik xin trân trọng giới thiệu đến độc giả tổng hợp 10 sự kiện tiêu biểu, vấn đề, dấu ấn nổi bật, quan trọng, được quan tâm nhất của Việt Nam năm 2022.
Kỳ tích kinh tế Việt Nam đi ngược xu thế suy thoái toàn cầu, tăng trưởng GDP cao hàng đầu khu vực, kỷ lục xuất nhập khẩu, chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tổ chức thành công SEA Games 31, biến động thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, chứng khoán, tài chính – ngân hàng, chính sách tiền tệ, tỷ giá, xăng dầu…là những sự kiện, vấn đề tiêu biểu đáng chú ý ở Việt Nam năm 2022.

1. Kỳ tích kinh tế đi ngược xu thế toàn cầu

Kinh tế Việt Nam 2022 chứng kiến kỳ tích thần kỳ và đi ngược hoàn toàn với xu thế sụt giảm toàn cầu cũng như những cơn gió ngược ở châu Á.
Việt Nam khác biệt nhưng không “dị biệt”. Bất chấp suy thoái, khủng hoảng năng lượng, biến động địa chính trị toàn cầu, “cuộc chiến” tiền tệ, lãi suất và những cú sốc bất chợt gây đứt gãy chuỗi cung ứng vốn, GDP vẫn tăng trưởng ước đạt 7,5% -8% cả năm, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%).
GDP Việt Nam năm 2022 có thể đạt hơn 413 tỷ USD. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2022 quy mô nền kinh tế Việt Nam (GDP) được dự báo đạt 413,8 tỷ USD, đứng thứ 5 ASEAN, 14 châu Á và nền kinh tế 37 thế giới. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn.
Năm 2023 được dự báo còn nhiều thay đổi, diễn biến khó lường. Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế mới nổi.
Thông qua việc theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, trong nước, kịp thời cảnh báo rủi ro, Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến sẽ có đối sách phù hợp, điều hành đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô; chủ động các kịch bản, phương án chỉ đạo điều hành ứng phó với mọi tình huống. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả.

2. Kỷ lục xuất nhập khẩu trên 700 tỷ USD

Như Sputnik đã đề cập, theo xếp hạng của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu.
Đặc biệt, trong khi thứ hạng của các nước ASEAN không tăng trong một vài năm qua nhưng thứ hạng của Việt Nam đã có những bước tăng trưởng vượt bậc. Điển hình, tổng trị giá xuất nhập khẩu lần đầu tiên đạt dấu mốc 100 tỷ USD vào năm 2007. Bốn năm sau đó, con số này đã tăng gấp đôi đạt 200 tỷ USD. Chỉ 4 năm tiếp theo, xuất nhập khẩu Việt Nam cũng đã cán mốc trị giá 300 tỷ USD vào cuối 2015 và đến cuối tháng 11/2022 đạt 600 tỷ USD.
Container vận tải đang được xếp lên tàu tại Cảng Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 10.12.2022
Việt Nam lập kỷ lục xuất nhập khẩu: Ngôi sao đang lên
Theo Tổng cục Hải quan, đến giữa tháng 12/2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt mốc 700 tỷ USD. Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt khoảng 732 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu dự kiến tăng khoảng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%) theo Bộ Công Thương.
Đây là mốc kỷ lục mới kể từ khi thực hiện chính sách Đổi mới, mở cửa từng bước thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, tranh thủ khả năng hợp tác thương mại, đầu tư, hội nhập, chuyển giao công nghệ, phát triển kinh tế đất nước.

3. Quyết liệt chống tham nhũng

Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam ngày càng quyết liệt, hiệu quả, có bước chuyển biến mới, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đáng chú ý, sau 10 năm đẩy mạnh công cuộc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, chỉ số nhận thức tham nhũng của Việt Nam đã tăng gần 40 bậc và xếp ở vị trí 87 trên 180 quốc gia. Báo chí phương Tây, giới quan sát quốc tế đặc biệt ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực của các cấp lãnh đạo Việt Nam.
Cùng với đó, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung để khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, tài chính, tín dụng, quy hoạch xây dựng, giám định, định giá tài sản…
Kể từ sau Phiên họp thứ 21 (tháng 1/2022) của Ban Chỉ đạo đến trung tuần tháng 11/2022, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 2.474 vụ/4.646 bị can, truy tố 2.157 vụ/4.564 bị can, xét xử sơ thẩm 2.198 vụ/4.620 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó về tham nhũng đã khởi tố mới 414 vụ án/939 bị can).
Hàng loạt đại án lớn nghiêm trọng như vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao); vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh; vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế AIC; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã được Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao quyết liệt đấu tranh, điều tra, khởi tố.
Đặc biệt, kể từ đầu năm, nhà chức trách đã điều tra, khởi tố ít nhất 15 cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có 4 Ủy viên, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng là Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng, Bí thư, nguyên Bí thư tỉnh ủy).
Từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 67 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có 7 Ủy viên Trung ương Đảng, 6 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ Chính Trị, Ban Bí thư cho thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đối với 3 Ủy viên Trung ương Đảng.
Trong đánh giá của Sputnik, cũng như những gì mà các tổ chức, định chế, bạn bè quốc tế thời gian qua ghi nhận, với tinh thần chiến đấu phòng chống tham nhũng “không khoan nhượng, không vùng cấm, không ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, Việt Nam đã nêu ra bài học quý giá mà các quốc gia đang phát triển khác có thể noi theo trong nỗ lực làm trong sạch bộ máy chính quyền.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực  - Sputnik Việt Nam, 1920, 27.12.2022
Tổng kết 2024 và Dự báo 2025
Tổng kết "Cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam" 2022
Theo Bloomberg, sau khi phân tích 430 bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cụm từ "các hiện tượng tiêu cực" cùng vấn nạn tham nhũng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc tới hơn 850 lần. Điều này phản ánh thái độ quyết tâm, kiên trì làm đến cùng, đấu tranh, chiến thắng “giặc nội xâm” tham nhũng, lũng đoạn quyền lực, đe doạ sự tồn vong của Đảng.

4. Thể thao: SEA Games 31 - Tuyển bóng đá nữ Việt Nam lần đầu dự World Cup

Đăng cai tổ chức SEA Games 31 thành công đóng góp rất lớn xây dựng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và niềm tự hào khi tuyển bóng đá nữ Việt Nam lần đầu dự World Cup 2023 là những điểm nhấn quan trọng của ngành thể thao năm nay.
Diễn ra tại Việt Nam từ ngày 12 đến ngày 23/5/2022, SEA Games 31 có 40 môn thể thao, chủ yếu là những môn thể thao được thi đấu tại Đại hội Thể thao châu Á và Thế vận hội.
Đây là lần thứ hai Việt Nam đăng cai SEA Games kể từ năm 2003. Thủ đô Hà Nội đóng vai trò trung tâm chính và 11 tỉnh, thành phố lân cận, gồm: Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ sẽ là địa điểm tổ chức các môn thi đấu.
Tại SEA Games 31, đã có tổng số 1.759 huy chương các loại, trong đó có 525 huy chương vàng, 522 huy chương bạc và 712 huy chương đồng; với 30 kỷ lục SEA Games được xác lập.
Đặc biệt, Đoàn thể thao Việt Nam đã đi vào lịch sử của SEA Games với kỷ lục 205 huy chương vàng, vượt kỷ lục 194 huy chương vàng mà Đoàn thể thao Indonesia đã đạt được tại SEA Games Jakarta 1997; phá kỷ lục SEA Games tại 17/30 nội dung.
Như Sputnik đề cập, Đội tuyển nữ Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử giành vé tham dự vòng chung kết FIFA World Cup nữ 2023 là niềm vui được mong đợi từ lâu của gần 100 triệu dân quốc gia hình chữ S.
Theo kết quả bốc thăm vòng chung kết FIFA World Cup nữ 2023, đội tuyển nữ Việt Nam nằm ở bảng E cùng đội tuyển Mỹ (đương kim vô địch World Cup 2019), Hà Lan (Á quân) và đội giành chiến thắng trong trận chung kết play-off nhóm A (gồm Thái Lan, Cameroon, Bồ Đào Nha).
Theo lịch thi đấu World Cup môn bóng đá nữ 2023 của FIFA, đội tuyển nữ Việt Nam sẽ gặp tuyển Mỹ (ngày 22/7/2023), gặp đội tuyển giành chiến thắng trong trận play-off (27/7/2023), gặp đội tuyển Hà Lan (1/8/2023).

5. Giá xăng dầu và tình trạng khan hiếm nguồn cung năm 2022

Năm 2022 là năm nhiều biến động của thị trường xăng dầu. Giá dầu thô tăng liên tục từ cuối năm 2021 và đạt mức cao nhất trong 8 năm trở lại đây khi giá dầu Brent vược ngưỡng 130 USD/thùng vào tháng 3/2022.
Thủ Thiêm - Sputnik Việt Nam, 1920, 18.12.2022
Chuyên gia Nga bàn về kinh tế Việt Nam năm 2022
Chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thị trường thế giới tăng cao, giá xăng dầu tại Việt Nam cũng liên tục thay đổi do phải nhập khẩu gần 30% lượng xăng dầu thành phẩm và 2 nhà máy lọc dầu trong nước (Nghi Sơn và Bình Sơn (đơn vị quản lý vận hành NMLD Dung Quất) cũng phụ thuộc chủ yếu vào nguồn dầu thô nhập khẩu.
Tính đến kỳ điều hành ngày 21/12, mặt hàng xăng đã trải qua 33 lần điều chỉnh giá, trong đó có 17 lần tăng, 15 lần giảm và một lần giữ nguyên, có thời điểm vượt mốc 30.000 đồng/lít kéo theo giá cả nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm tăng theo.
Thực tế, sự khan hiếm nguồn cung nhiên liệu trong nước bắt đầu xuất hiện từ tháng 2, thiếu hụt xăng dầu diễn ra cục bộ ở nhiều nơi, nhiều cửa hàng bán lẻ treo biển hết xăng, hoặc ngưng bán, gây ra tình trạng chen chúc xếp hàng đổ xăng và gây nhiều bức xúc trong dư luận xuyên suốt cả năm 2022 về công tác điều hành xăng dầu và đảm bảo nguồn cung cho sản xuất, tiêu dùng trong nước.
Điểm khởi đầu là việc nhà máy lọc dầu lớn nhất Việt Nam – Nghi Sơn (đảm bảo đến 30-35% nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa) báo lỗ lớn, buộc phải giảm công suất và đứng trước nguy cơ đóng cửa khi gặp khó khăn về tài chính, không đảm bảo việc nhập khẩu dầu thô về lọc.
Sau sự cố nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, đến việc nhiều doanh nghiệp đầu mối bán lẻ xăng dầu bị cơ quan điều hành (Bộ Công Thương) tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu từ 1,5-2 tháng. Cùng với giá dầu thế giới neo cao, chi phí đầu vào bị đẩy lên nhưng chi phí định mức chưa được điều chỉnh, lợi nhuận chiết khấu bị cắt giảm về mức 0 đồng dẫn đến nhiều doanh nghiệp đóng cửa hệ thống bán lẻ, gây ra tình trạng đứt gãy nguồn cung, thiếu hụt xăng dầu, bán hàng nhỏ giọt.
Bộ Tài chính đã đề xuất sửa Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu của Chính phủ, thống nhất chỉ một đầu mối phụ trách quản lý điều hành lĩnh vực xăng dầu cho Bộ Công Thương.

6. Dấu ấn ngoại giao nâng cao vị thế của Việt Nam

Bằng tinh thần ngoại giao “cây tre” được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt dấu ấn, hoạt động đối ngoại của Việt Nam năm 2022 nổi bật với những chuyến thăm cấp cao đa phương hiệu quả, tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín đất nước - Việt Nam là bạn, là đối tác, là thành viên có tích cực, đầy trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Nổi bật là chuyến thăm Trung Quốc đầy tiếng vang của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 30/10 đến 1/11, như Sputnik đề cập. Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp và chúc mừng ban lãnh đạo mới của chính quyền Bắc Kinh ngay sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đích thân chủ trì lễ đón tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, với 21 phát đại bác chào mừng lãnh đạo Việt Nam.
Người phụ nữ với lá cờ Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 26.12.2022
Tổng kết 2024 và Dự báo 2025
Trong năm 2022, Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách "Ngoại giao cây tre"
Chuyến thăm thành công rực rỡ. Hai bên đã ra Tuyên bố chung 13 điểm, mang tính chiến lược định hướng cho phát triển quan hệ song phương trên mọi lĩnh vực, trong đó có tăng cường kết nối giữa khuôn khổ kinh tế song phương "Hai hành lang, một vành đai" với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Xuyên suốt chuyến thăm, ông Nguyễn Phú Trọng thể hiện quan điểm nhất quán rằng, Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên hàng đầu phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, đồng thời kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương quan hệ, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa đặc biệt đối với hai nước. Ông khẳng định Trung Quốc coi trọng quan hệ với Việt Nam, sẵn sàng nỗ lực tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương. Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đích thân trao tặng Huân chương Hữu nghị của nước CHND Trung Hoa cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều chuyến công du thành công tốt đẹp. Trong đó có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc, Indonesia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, chuyến thăm Hoa Kỳ, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg của Thủ tướng Phạm Minh Chính, chuyến thăm Hungary, Anh, Australia, New Zealand, Philippines của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Việt Nam cũng tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các diễn đàn khu vực và quốc tế như: ASEAN, AIPA, APEC, LHQ.
Việc duy trì các hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp với nhiều kết quả thực chất đã góp phần tăng cường sự tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác với nhiều đối tác quan trọng trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam với Trung Quốc, Mỹ, Liên bang Nga, Lào, Campuchia, các thành viên ASEAN, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Việt Nam đã chính thức nâng cấp quan hệ lên thành 'Đối tác chiến lược toàn diện' với Hàn Quốc. Chính quyền Hoa Kỳ cũng nhiều lần bày tỏ mong muốn đưa quan hệ với Hà Nội lên tầm cao mới. Nhìn lại năm 2022, Việt Nam tiếp tục khẳng định chính sách đối ngoại rộng mở, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín quốc gia trên trường quốc tế.

7. Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền

Với số phiếu rất cao, ngày 11/10/2022, Việt Nam tiếp tục trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025, tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 77, diễn ra ở New York, Mỹ.
Cuộc gặp giữa Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thương viên Nga) Konstantin Kosachev và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn - Sputnik Việt Nam, 1920, 12.10.2022
Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ bất chấp các trò bẩn thỉu của phương Tây
Như Sputnik nhấn mạnh, Việt Nam được các thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của ASEAN cho vị trí này; đồng thời cũng là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ.
Kết quả bầu cử năm nay cho thấy sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tin tưởng và đánh giá cao.
Với trọng trách mới tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Việt Nam sẽ có cơ hội đóng góp vào thúc đẩy tất cả các quyền con người trên cơ sở khách quan, hợp tác và đối thoại.
Cần nhấn mạnh rằng, đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu 184/192, cao nhất trong số 14 nước thành viên mới.
Đây cũng là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là bước tiến mới trong nỗ lực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến 2030. Đồng thời là minh chứng cho thấy vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được củng cố, nâng cao thời gian qua.

8. Biến động thị trường trái phiếu, tài chính, ngân hàng, bất động sản

Năm 2022 chứng kiến sự biến động mạnh mẽ của các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, tài chính – ngân hàng.
Theo báo cáo Hội nghị Tổng kết thực hiện công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Xây dựng mà Bộ Xây dựng vừa công bố, lĩnh vực bất động sản Việt Nam hiện vẫn tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn, từ nguy cơ "bong bóng" chuyển sang nguy cơ "suy thoái".
Các vấn đề như thiếu nguồn cung ở các phân khúc vẫn tồn tại, cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa phù hợp với nhu cầu thị trường, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ... Cá biệt, có hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau "ôm hàng", "làm giá", "tạo sóng", "thổi giá", gây "sốt ảo" ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường. Giá bất động sản tăng cao gây khó khăn cho những người mua có nhu cầu ở thực.
Do ảnh hưởng của ngành bất động sản, trên thị trường chứng khoán, các cổ phiếu nhóm ngành này chứng kiến đà biến động mạnh mẽ, có nhiều phiên ghi nhận làn sóng bán tháo kỷ lục.
2022 cũng là năm biến động mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam. VN-Index lần đầu tiên trong lịch sử vượt 1.500 điểm rồi rơi xuống dưới 900 điểm vào các tháng cận cuối năm. Thanh khoản thị trường có thời điểm bùng nổ với hàng tỷ cổ phiếu được giao dịch mỗi phiên. Giá trị khớp lệnh tăng cao trên cả tỷ USD, đỉnh điểm vào ngày 10/1 khi thanh khoản toàn thị trường vượt hơn 2 tỷ USD. Đây cũng là thời kỳ hoàng kim và là con số kỷ lục mà thị trường chứng khoán Việt Nam chưa từng đạt được trước đó. Người dân chơi chứng khoán cũng tăng lên. Tính đến cuối tháng 11/2022, tổng số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vượt hơn 6,74 triệu tài khoản, tương đương khoảng 6,7% dân số.
Tuy vậy, sau thời gian tăng nóng cùng các sai phạm được phát hiện như hàng loạt vụ thao túng giá của ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, ông Đỗ Thành Nhân – Chủ tịch HĐQT Louis Holding, vụ việc tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh hay Công ty An Đông, đơn vị liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của nữ đại gia Trương Mỹ Lan, Chứng khoán Trí Việt… đã dẫn đến những cú sốc lớn, gây ảnh hưởng niềm tin của nhà đầu tư.
Đối với thị trường trái phiếu, bản thân Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đã phát biểu cho biết, năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã trải qua nhiều khó khăn do niềm tin của nhà đầu tư và thanh khoản thị trường trong nước, cũng như tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về tình hình kinh tế - chính trị thế giới. Đặc biệt, vụ bắt bà Trương Mỹ Lan, sự cố ngân hàng TMCP Sài Gòn SCB có tác động rất lớn đến thị trường trái phiếu. Trong khi việc phát hành trái phiếu mới bị chững lại thì làn sóng mua lại trái phiếu trước hạn lại dồn dập. Được biết, hiện dư nợ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở mức trên 15% GDP. Trong khi đó, Chiến lược Tài chính đặt ra mục tiêu quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến năm 2025 là 20% GDP và đến năm 2030 đạt tối thiểu 25% GDP.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Sputnik Việt Nam, 1920, 25.12.2022
Việt Nam: Biến động nhân sự cấp cao tại SCB và hàng loạt ngân hàng
Để chấn chỉnh hoạt động của thị trường này, ngày 16/9, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán trái phiếu doanh nghiệp; yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục rà soát sửa đổi Nghị định 65, bảo đảm công khai, minh bạch, quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và an toàn, an ninh thị trường tài chính tiền tệ.

9. Việt Nam duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt ngăn VND mất giá

Năm 2022, thế giới phải đối mặt với khủng hoảng lạm phát, suy thoái và cuộc chiến tiền tệ. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng chịu không ít ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, với việc ban hành nhiều chính sách linh hoạt, Chính phủ đã có thể ổn định các chỉ số vĩ mô quan trọng nhất, bao gồm tỷ giá và lạm phát, duy trì chính sách tiền tệ chủ động, đảm bảo cân đối các mục tiêu vĩ mô.
Thực tế, hàng loạt vấn đề nóng trong năm 2022 như: bong bóng tài sản sau đại dịch Covid-19, căng thẳng tại Ukraina, cuộc chiến kinh tế Mỹ-Trung, Trung Quốc đóng cửa kinh tế và việc Mỹ tăng mạnh lãi suất (từ 0-0,25% lên vùng 3,75-4%) để chống lạm phát….Nhiều đồng tiền đã ghi nhận sự lao dốc trong năm qua. So với hồi đầu năm, đồng đô la Mỹ có thời điểm tăng 20% so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt. Bảng Anh giảm 22%, trong khi euro giảm 15,3%. Đồng yen Nhật có lúc bốc hơi hơn 30%. Một số đồng tiền khác mất 40-60%, dẫn tới tình trạng tháo chạy của dòng vốn nước ngoài.
Tại Việt Nam, dù VND từng có thời điểm mất giá kỷ lục nhưng tình hình vẫn được kiểm soát khá tốt. Đồng đô la Mỹ được ghi nhận tăng hơn 8%. Tính từ đầu năm tới 15/12, tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại tăng 710 đồng lên 23.630 – 23.650 đồng/USD, tương mức VND giảm giá khoảng 3,09% so với đồng USD. Như vậy, có thể thấy, với các diễn biến khá thuận lợi trong thời gian gần đây, mức giảm giá VND so với USD là mức tương đối thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực cũng như thế giới.
Chứng khoán VNDirect cho hay, trong 10 tháng đầu năm 2022, NHNN đã phải bán một lượng lớn dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá (tương đương 20% dự trữ ngoại hối). Điều này đã khiến dự trữ ngoại hối của Việt Nam giảm xuống dưới mức khuyến nghị của IMF (thấp hơn 3 tháng nhập khẩu). Trong năm 2023, nhóm phân tích kỳ vọng thặng dư thương mại đạt mức 12,0 tỷ USD, từ mức thặng dư thương mại dự kiến là 10,4 tỷ USD trong năm 2022; tài khoản vãng lai chuyển sang thặng dư ở mức 0,4% GDP vào năm 2023 từ mức thâm hụt dự kiến là 1,3% GDP trong năm 2022. Do đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ phục hồi lên mức 3,0 tháng nhập khẩu và đạt 102 tỷ USD vào cuối năm 2023 từ mức hiện tại là 89 tỷ USD.
Tiền Việt Nam VND được dự báo sẽ giảm đáng kể từ quý II/2023 và đồng VND có thể tăng 1-2% so với USD trong năm 2023, do FED chuyển từ chính sách "thắt chặt tiền tệ" sang "bình thường hóa" vào năm tới theo VNDirect.

10: Việt Nam dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế số, FPT và Viettel sản xuất chip bán dẫn

Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về tăng trưởng kinh tế số. Theo công bố của Google, Temasek và Bain & Company, tổng giá trị hàng hóa kinh tế số Việt Nam năm 2022 ước đạt 23 tỷ USD, tăng khoảng 28% so với năm 2021, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng.
Chip dành cho điện thoại thông minh - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.11.2022
Viettel, FPT sản xuất chip thành công: Việt Nam đủ sức phát triển ngành vi mạch bán dẫn
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu của ngành kinh tế số năm 2022 ước đạt 148 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2021.
Ngành công nghệ thông tin của Việt Nam năm 2022 chứng kiến sự chuyển động mạnh mẽ - sự lột xác về chuyển đổi số. Nghị quyết Trung ương 6 cũng đồng thời chính thức coi chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới có tính đột phá, giúp đẩy nhanh, rút ngắn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Cụm từ "chuyển đổi số" xuất hiện thường xuyên và liên tục ở hầu khắp các lĩnh vực.
Việt Nam cũng lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đối số quốc gia. Năm 2022 là năm chứng kiến những kết quả nổi bật trong xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và giao dịch điện tử. Chuyển đổi số đã trở thành toàn dân, toàn diện, với sự tham gia tích cực của các Bộ, Ngành, địa phương.
Năm 2022, trong khi toàn cầu phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu chip và linh kiện, đặc biệt là xung đột giữa Mỹ - Trung Quốc càng làm cho thị trường chip bán dẫn trở nên căng thẳng thì Việt Nam lại ghi nhận 2 điểm sáng quan trọng - bước đầu bước vào và khẳng định vị thế trong ngành công nghiệp chip bán dẫn.
Theo đó, 2 doanh nghiệp FPT và Viettel đều tuyên bố sản xuất chip. Tháng 8/2022, Viettel đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ được tham gia nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip phục vụ nhu cầu nội địa, hướng tới xuất khẩu. Trước đó, từ năm 2018, Viettel đã đầu tư 40 triệu USD để nghiên cứu, sản xuất chip. Viettel cũng đã thiết kế thành công chip trong thiết bị sử dụng cho trạm viễn thông 5G.
FPT Semiconductor - Công ty thiết kế và sản xuất chip vi mạch (thuộc tập đoàn FPT) cũng đã cho ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm IoT cho lĩnh vực y tế, hiện thực hóa giấc mơ sản xuất linh kiện bán dẫn khởi tạo bởi trí tuệ Việt.
Cạnh đó, thời gian qua, nhiều tập đoàn lớn của thế giới đã đầu tư sản xuất chip bán dẫn ngay tại Việt Nam như Intel, Samsung, Synopsys… Đáng chú ý, sự kiện Samsung Việt Nam chính thức khánh thành, đưa vào hoạt động Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Hà Nội đóng góp rất lớn cho vị thế cường quốc xuất khẩu hàng điện tử linh kiện và ngành công nghiệp phát triển chip bán dẫn, vi mạch của Việt Nam.
Có thể khẳng định rằng, xu hướng chuyển dịch của các tập đoàn lớn trên thế giới rời nhà máy sản xuất sang Việt Nam nhằm tránh sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đã đưa vị thế của Việt Nam lên một tầm cao mới trên bản đồ công nghệ thế giới, giúp đẩy nhanh tiến trình phát triển, hiện đại hoá đất nước.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала