Ngoại trưởng Nga cảnh báo về những thay đổi đặc biệt quan trọng trên chính trường thế giới

© Sputnik / Grigory Sisoev / Chuyển đến kho ảnhCuộc phỏng vấn lớn với Ngoại trưởng Nga S. Lavrov
Cuộc phỏng vấn lớn với Ngoại trưởng Nga S. Lavrov - Sputnik Việt Nam, 1920, 03.02.2023
Đăng ký
Chuyên gia Việt Nam đánh giá phát biểu của Ngoại trưởng Nga: Ông Lavrov cảnh báo, người Mỹ đừng nên nghĩ đến sự chia rẽ giữa Trung Quốc với Nga như họ đã từng làm trong quá khứ để “cò ngao tranh chấp, ngư ông thủ lợi”; thời kỳ của “Đế quốc Dollar” chắc chắn sẽ chấm dứt. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian.
Như chúng tôi đã đưa tin, trưa ngày 2/1/2023, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có cuộc trả lời phỏng vấn cho ông Dmitry Kiselev - người dẫn chương trình truyền hình kiêm Tổng giám đốc của Hãng tin tức Nước Nga Ngày Nay (Rossiya Segodnya (Sputnik) và kênh "Rossiya 24".
Trong khuôn khổ cuộc phỏng vấn kéo dài gần một tiếng rưỡi, Ngoại trưởng Nga đã đề cập tới rất nhiều vấn đề liên quan đến địa chính trị thế giới, cuộc chiến đấu của người Nga vì chủ quyền, sinh tồn của đất nước, những xu hướng và thay đổi đang và sẽ diễn ra trên toàn địa cầu.
Có hai vấn đề Ngoại trưởng Nga đề cập tới gây sự chú ý lớn nhất của nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long. Trong trả lời phỏng vấn cho phóng viên Sputnik, ông đã có bình luận về hai vấn đề này: Đó là quan hệ giữa Nga và Trung Quốc và ý tưởng của các nước giao dịch bằng tiền tệ quốc gia.

Nga và Trung Quốc sẽ cùng nhau làm mọi cách để lật đổ bá quyền của Mỹ trên thế giới

Trong trả lời phỏng vấn cho ông Dmitry Kiselev - Tổng giám đốc của Hãng tin tức Nước Nga Ngày Nay (Rossiya Segodnya (Sputnik) và kênh "Rossiya 24", nói về quan hệ giữa Nga và Trung Quốc, Ngoại trưởng Nga đã nhấn mạnh:
“Các quan điểm chung – đó là đánh giá rất khiêm tốn về quan hệ của chúng ta (Nga) với Trung Quốc. Đã được ghi nhận trong tuyên bố của hai nước rằng, mặc dù thực tế là chúng ta và Trung Quốc không tạo ra một liên minh quân sự, nhưng mối quan hệ này về chất lượng cao hơn các liên minh quân sự theo nghĩa cổ điển. Và chúng không có hạn chế, không có giới hạn và không có chủ đề bị cấm nào cả”.
Trả lời phỏng vấn của Sputnik, nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long bình luận về phát biểu trên của Ngoại trưởng Nga như sau:
Phát biểu này khẳng định độ tin cậy chính trị rất cao giữa Moskva và Bắc Kinh. Mặc dù đó không phải là liên minh quân sự theo cách hiểu của Mỹ và phương Tây nhưng trên thực tế thì quan hệ đó còn chặt chẽ hơn cả một liên minh quân sự.
Lịch sử của thế giới nói chung cũng như lịch sử của Nga, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á nói riêng đã chứng kiến hàng trăm liên minh quân sự nhưng bản chất của các liên minh đó thì không bao giờ thay đổi. Đó là thỏa mãn lợi ích riêng trên cơ sở có chung đối tượng đấu tranh. Nhưng sự đời lại trớ trêu ở chỗ: Mỗi quốc gia trong liên minh đều có những lợi ích riêng của mình tùy theo mức độ quan hệ với đối thủ chung. Vì vậy, việc một liên minh này lập nên rồi tan, sớm nở tối tàn là chuyện dễ hiểu.
Nhưng không giống như NATO hay EU và một số liên minh quân sự, kinh tế khác, mối quan hệ giữa Nga và trung Quốc không chỉ đơn giản là chống lại Mỹ và phương Tây mà còn nhằm một mục tiêu lớn hơn rất nhiều, bất chấp việc Mỹ và phương Tây có còn tồn tại hay không, hoặc là có tồn tại nhưng không còn như cũ. Đó chính là mục tiêu xây dựng một trật tự thế giới mới đa cực, nhiều trung tâm, xóa bỏ vị thế độc tôn của Mỹ và sự chuyên quyền, độc quyền của Mỹ cũng cũng như các quốc gia phương Tây dưới sự lãnh đạo của Mỹ.
Cuộc phỏng vấn lớn với Ngoại trưởng Nga S. Lavrov - Sputnik Việt Nam, 1920, 02.02.2023
LIVE: Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Sputnik
Do đó, chất lượng quan hệ giữa các quốc gia phụ thuộc vào niềm tin chính trị, mà niềm tin đó phải được đặt trên sự đồng lòng, đồng chí vì một mục tiêu cao cả cho nhân loại hơn là phục vụ cho lợi ích bộ phận. Tôi cho rằng, đây là một lời cảnh báo của Ngoại trưởng Nga. Đó là người Mỹ đừng nên nghĩ đến sự chia rẽ giữa trung Quốc với Nga như họ đã từng làm trong quá khứ để “cò ngao tranhchấp, ngư ông thủ lợi”.
Lời cảnh báo đó nếu được nói thẳng ra thì có nghĩa là Nga và Trung Quốc sẽ cùng nhau làm mọi cách để lật đổ bá quyền của Mỹ trên thế giới. Lòng tin chiến lược của họ chính là mục đích đó. Những mục đích khác đều được xếp phía sau. Tôi cho rằng người Mỹ biết điều này và họ đang cố gắng giãy giụa. Nhưng khổ một nỗi, người Mỹ quá kiêu ngạo để tìm được một đồng minh xứng tầm.

Thời kỳ của “Đế quốc Dollar” chắc chắn sẽ chấm dứt

Trong khuôn khổ cuộc phỏng vấn, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cũng đề cập tới một vấn đề rất nóng trên chính trường thế giới hiện nay. Đó là việc nhiều nước muốn giao dịch bằng đồng nội tệ.

“Những ý tưởng của các quốc gia khác nhau về việc chuyển sang thương mại sử dụng tiền tệ quốc gia là do hành động của Hoa Kỳ”, - Ngoại trưởng Nga phát biểu.

Bình luận về phát biểu trên của Ngoại trưởng Nga, nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long nói:
Tôi dám chắc rằng cho đến bây giờ, mọi người vẫn chưa quên hai sự kiện tài chính quan trọng nhất thế giới vào nửa cuối thế kỷ XX và hệ quả của nó đã kéo dài sang thế kỷ XXI.
Trước hết là vào năm 1944, hội nghị Bretton Woods thiết lập đồng đô la là đồng tiền dự trữ thế giới, đồng tiền duy nhất gắn với vàng trong khi tất cả các đồng tiền khác gắn với đồng đô la, như một thước đo chuẩn. Do đó, đô la Mỹ (USD) trở thành đồng tiền sử dụng cho thương mại quốc tế. Kể từ đó, USD là đồng tiền chuyển đổi toàn cầu, là đồng tiền tiêu chuẩn để định giá các đồng tiền còn lại. Về tài chính, nó đem lại rất nhiều lợi thế về tài chính cho tư bản Mỹ bởi Mỹ là nước duy nhất, đúng hơn là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) là cơ quan duy nhất được in USD chứ không phải chính phủ Mỹ.
Hệ thống Bản vị vàng đã kéo dài cho tới năm 1971. Tại thời điểm đó, lạm phát và thâm hụt thương mại của Mỹ gia tăng đã làm suy giảm giá trị USD. Người Mỹ gây sức ép Đức và Nhật Bản phải tăng giá trị các đồng tiền Mác Đức và Yên Nhật. Nhưng đây chỉ là biện pháp tình thế, các quốc gia này miễn cưỡng chấp nhận bước đi này, vì việc tăng giá trị đồng tiền của họ sẽ làm tăng giá hàng hóa của các nước đó và gây tổn hại đến xuất khẩu..
Dưới thời Johnson cầm quyền, cuộc chiến ở Việt Nam đã khiến nợ quốc gia của Mỹ là 354 tỷ USD, đến thời Nixon cuộc chiến chưa kết thúc đã khiến chính phủ Mỹ mắc nợ thêm 121 tỷ, đưa tổng số nợ lên 475 tỷ USD, một con số kỷ lục khổng lồ, từ đó dẫn tới lạm phát. Rất nhiều quốc gia lo sợ và họ mang USD dự trữ để đổi lấy vàng từ Mỹ, dự trữ vàng của Mỹ ở mức thấp nhất mọi thời đại và có nguy cơ suy kiệt. Trước nguy cơ vỡ nợ quốc gia, ngày 15/8/1971, Tổng thống Mỹ Nixon tuyên bố đóng cửa sổ vàng. Theo đó, đồng Dollar Mỹ chính thức từ bỏ tiêu chuẩn vàng. Thỏa thuận Bretton Woods tan vỡ.
Ngay sau đó, Mỹ tuyên bố trả nợ các nước bằng dầu mỏ và cam kết bảo đảm an ninh cho Arabia Saudi khỏi sự đe dọa của Israel với điều kiện Arabia Saudi chỉ bán dầu lấy USD chứ không nhận bất cứ một đồng tiền nào khác. Kết quả là Mỹ vẫn duy trì được địa vị thống trị của USD bởi dầu mỏ thì nước nào cũng cần. Nhưng để có nó, họ phải bán hàng hóa giá rẻ cho Mỹ để lấy USD mới mua được dầu. Chiêu trò này của Mỹ đã dắt mũi được thế giới và tạo ra một trong các nguyên nhân khiến Liên Xô khủng hoảng trong những năm 1980 rồi sụp đổ vào năm 1991.
Trong lịch sử, đã có một tổng thống Mỹ mất mạng vì chạm đến địa vị độc tôn của “tờ giấy xanh” bằng cách cho lưu hành “USD đỏ”. Thực chất những đồng bạc này không hẳn là màu đỏ, nhưng người ta gọi vậy để đối lại với đồng Dollar chính thống màu xanh. Từ sau Thế chiến thứ hai, với một bộ máy lãnh đạo và điều hành chiến tranh chuyên nghiệp, giới chức Mỹ đã cho ra đời một loại USD khác có mệnh giá quy đổi tương đương với đồng Dollar chính thống hiện hành, cung cấp cho nhân viên quân sự và dân sự tiêu dùng ngoài nước Mỹ có tên gọi Military Payment Certificate (MPC) được dịch là “phiếu quân dụng”.
Lợi ích cho nước Mỹ đồng nghĩa với gây tổn hại và nhiều hệ lụy xấu cho nước sở tại. Từ năm 1965 đến các năm sau, ở miền Nam Việt Nam đã có mặt 500 ngàn lính viễn chinh Mỹ, với đồng lương cao ngất và thói tiêu xài đồng “đô-la đỏ” của binh lính và bộ máy dân sự phục vụ chiến tranh của Mỹ đã gây xáo trộn cho nền kinh tế của chính phủ ngụy quyền Sài Gòn. Nhưng ở Mỹ thì chính quyền của John F. Kennedy đã không thể lường trước được việc thách thức “tờ USD duy nhất” có thể đem lại hậu quả gì. Còn kết cục thì mọi người đều biết.
Cuộc phỏng vấn lớn với Ngoại trưởng Nga S. Lavrov - Sputnik Việt Nam, 1920, 03.02.2023
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã “bóc mẽ” bản chất thật sự của Mỹ
Trước khi Liên Xô sụp đổ, có một đồng tiền mạnh cũng cạnh tranh với đồng USD Mỹ. Đó là “Ruble chuyển đổi”, được dùng trong các nước khối “Cộng đồng kinh tế xã hội chủ nghĩa “ (COMECON”). Cho dù ảnh hưởng của đồng “Ruble chuyển đổi” này không lớn như USD Mỹ nhưng sự tồn tại của nó cũng đe dọa địa vị độc tôn của USD. Chính vì vậy mà mục tiêu làm cho khối xã hội chủ nghĩa tan rã và Liên Xô sụp đổ đồng nghĩa với việc duy trì địa vị độc tôn của USD trên thế giới.
Gần đây, có hai lãnh đạo của hai quốc gia có ảnh hưởng lớn trong OPEC là Saddam Hussein của Iraq và Muammar Gaddafi của Libya đã đứng lên thách thức địa vị của USD. Ông Saddam Hussein đã “cả gan” bán dầu lấy “Nhân dân tệ”. Còn ông Gaddafi thì muốn thiết lập một khu vực giao dịch bằng đồng Dinar tại Bắc Phi thay cho đồng Dollar. Kết cục là cả hai người này đều bị Mỹ sát hại, quốc gia của họ bị tàn phá. Tất cả chỉ để bảo vệ vị trí độc tôn của đồng Dollar.
Và giờ đây, những cái bắt tay thật chặt giữa Moskva và Bắc Kinh về việc sử dụng đồng nội tệ để trao đổi tài chính, mua bán hàng hóa đã đặt ra những nguy cơ thủ tiêu vị trí độc tôn của USD. Chỉ có điều Nga và Trung Quốc không phải là Lybia hay Iraq. Họ không dễ bị “bắt nạt”.
Tại hội nghị thượng đỉnh BRICS mùa hè năm 2022, Tổng thống Vladimir Putin đã đưa ra sáng kiến tạo ra một loại tiền dự trữ mới của các nước BRICS, có thể thay thế USD và do đó, giáng một đòn quyết định vào sự thống trị của hệ thống Bretton Woods. Đồng tiền đầy hứa hẹn này có mọi cơ hội để trở thành đồng tiền toàn cầu. Hiện tại, BRICS - 31,5% nền kinh tế thế giới. Đó là chưa tính đến các quốc gia mới (Algeria, Iran, Ả Rập Saudi, Ai Cập, Argentina, v.v.), cũng như sự tăng trưởng nhanh của các nền kinh tế của các quốc gia tham gia BRICS.
Vừa mới đây, Brazil và Argentina đã nghĩ đến việc tạo ra một đồng tiền chung, có thể trở thành động tiền thứ hai trên thế giới theo tổng lưu thông thị trường trong số các đơn vị tiền tệ quốc tế sau đồng euro. Đại diện của hai quốc gia lớn nhất Nam Mỹ coi đây là một bước cho phép họ giảm bớt sự phụ thuộc vào USD trong quan hệ thương mại và tài chính.
“Chính vì vậy, phát biểu “những ý tưởng của các quốc gia khác nhau về việc chuyển sang thương mại sử dụng tiền tệ quốc gia là do hành động của Hoa Kỳ” của Ngoại trưởng Nga là cần thiết, trước hết là đối với Mỹ và phương Tây, và sau đó với là các quốc gia khác về sự thay đổi đặc biệt quan trọng sẽ diễn ra trong hệ thống tài chính toàn cầu. Đó là thời kỳ của “Đế quốc Dollar” chắc chắn sẽ chấm dứt. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian”, - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long kết luận.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала