Động thái mới của tập đoàn Pou Chen sau khi PouYuen Việt Nam cắt giảm lao động
© Ảnh : TTXVN - Nguyễn Vũ Thành ĐạtViệt Nam là nhà sản xuất giày dép lớn thứ ba ở châu Á
© Ảnh : TTXVN - Nguyễn Vũ Thành Đạt
Đăng ký
Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (vốn được ví là “Samsung” ngành da giày) thông báo sẽ không tiếp tục ký hợp đồng lao động (khi hợp đồng lao động hết hạn) với khoảng 3.000 lao động có hợp đồng 1-3 năm.
Pouyuen Việt Nam cũng dự kiến sẽ cắt giảm 3.000 lao động thuộc khu C và khu D trong tháng 2/2023.
Tập đoàn Pou Chen đã lên tiếng xung quanh việc doanh nghiệp nhiều lao động nhất TP.HCM cắt giảm hàng ngàn nhân công khiến người lao động lo lắng.
Pouyuen Việt Nam cắt giảm hàng ngàn lao động
Công ty TNHH PouYuen Việt Nam dự kiến cho 6.000 nhân viên nghỉ việc do đơn hàng giảm mạnh, như Sputnik đã thông tin trước đó.
Công ty Pouyuen Việt Nam thuộc sở hữu của Tập đoàn Pouchen (Đài Loan) chuyên sản xuất da giày cho các nhãn hàng lớn như thương hiệu toàn cầu như Adidas, Nike, Reebook Converse, New Balance.
Pouyuen Việt Nam cũng là một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất tại thành phố Hồ Chí Minh, với trên 50.500 công nhân.
Dự kiến ngày 25/2, công ty thông báo cho công nhân lao động, sau đó toàn bộ công nhân lao động bị cắt giảm sẽ không đến công ty làm việc nhưng vẫn được chi trả lương cho đến khi nhận chế độ.
Trước đó, hồi cuối tháng 11/2022, PouYuen Việt Nam cũng thông báo cho 20.000 công nhân nghỉ luân phiên trong ba tháng, hưởng lương 180.000 đồng/ngày trong thời gian nghỉ.
Lý do được Pouyuen Việt Nam công bố vào thời điểm đó là vì các thị trường xuất khẩu chính đang cắt giảm mạnh đơn hàng ảnh hưởng kế hoạch sản xuất của công ty, doanh nghiệp cũng phải cạnh tranh đơn hàng gia công giày thể thao trong bối cảnh khách hàng đưa ra mức giá chỉ bằng khoảng một nửa trước đây.
“Doanh nghiệp sẽ thận trọng ứng phó với những thay đổi động lực trong môi trường kinh doanh nhiều biến động”, - Pou Chen trình bày trong một hồ sơ gửi tới Sở giao dịch chứng khoán Đài Loan.
Động thái của tập đoàn Pou Chen
Tập đoàn Pou Chen (công ty mẹ của công ty TNHH PouYuen) tại Việt Nam cho biết, họ đang xem xét mức hỗ trợ tốt nhất cho người lao động. Phương án của công đoàn là hỗ trợ tương tự như đợt cắt giảm năm 2020.
Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay tình hình sản xuất của tập đoàn gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế. Vì vậy, nguồn lực tài chính khó khăn hơn nhiều so với năm 2020.
Ngày 21/2, đại diện các doanh nghiệp thuộc tập đoàn Pou Chen đóng tại Đồng Nai (Công ty Pouchen Việt Nam và Công ty Pousung Việt Nam) cho biết việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cơ bản ổn định.
“Trong ngắn hạn doanh nghiệp chưa có kế hoạch cắt giảm lao động”, - tập đoàn Pou Chen cho biết.
Theo ông Nguyễn Tấn Pháp, Chủ tịch Công đoàn Công ty Pouchen Việt Nam (TP Biên Hòa), thông tin trên báo Đại đoàn kết cho biết, Công ty Pouchen Việt Nam có hơn 16.000 lao động.
“Thời gian qua, do thiếu đơn hàng, doanh nghiệp không tổ chức cho công nhân tăng ca. Công nhân được nghỉ việc ngày thứ Bảy có hỗ trợ tiền”, - ông Pháp nói.
Chủ tịch Công đoàn Công ty Pouchen Việt Nam các doanh nghiệp thiếu đơn hàng là thực tế đã “diễn ra nhiều tháng qua”.
Ông Pháp khẳng định, dù gặp khó khăn song Công ty Pouchen Việt Nam vẫn trả lương đầy đủ, đảm bảo đời sống cho người lao động. Ngày thứ Bảy, công ty cho công nhân nghỉ việc nhưng vẫn hỗ trợ mỗi người 180.000 đồng/ngày.
“Hiện, Công ty Pouchen Việt Nam chưa có kế hoạch cắt giảm lao động”, - ông Nguyễn Tấn Pháp tái khẳng định.
Đóng tại huyện Trảng Bom, Đồng Nai, Công ty Pousung Việt Nam hiện có 22.000 lao động. Dù ít đơn hàng nhưng những tháng qua, doanh nghiệp vẫn không cắt giảm giờ làm, chỉ không tổ chức tăng ca.
Cụ thể, theo ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch Công đoàn Công ty Pousung Việt Nam cho biết, hiện tất cả các dây chuyền sản xuất tại Công ty Việt Nam vẫn hoạt động bình thường.
“Những tháng tới, doanh nghiệp chưa có kế hoạch cắt giảm lao động. Trường hợp chấm dứt hợp đồng với người lao động, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ làm việc với tổ chức Công đoàn trước khoảng 3 tháng”, - ông Lê Nhật Trường cho biết.
Ít đơn hàng
Trước đó, theo báo cáo tổng kết năm 2022 của Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso), từ quý IV/2022 những ngành xuất khẩu, trong đó có da giày, đều phải chịu tác động rất lớn của thị trường thế giới.
Đại diện Lefaso lưu ý, các thị trường xuất khẩu chính của da giày Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản… đều suy giảm do tình hình lạm phát, sức tiêu dùng suy giảm và đặc biệt tồn kho khá lớn đối với mặt hàng thời trang.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Lefaso nêu điều lo lắng với ngành da giày hiện nay là sự khan hiếm cũng như khó khăn trong nhập khẩu nguyên phụ liệu. Với các doanh nghiệp lớn, nguồn cung nguyên phụ liệu không khó do chuỗi cung lớn, nhưng khó với doanh nghiệp nhỏ vì đơn hàng đơn lẻ không nhập được. Tình trạng này kéo dài từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19 đến nay, tuy nhiên đang dần được cải thiện.
“Chính những yếu tố này ảnh hưởng tới tình hình đơn hàng của ngành da giày”, - Lefaso nhận định và nêu quan điểm, phải đến hết quý II/2023 tình hình mới có thể khả quan hơn.
Tại Đồng Nai, thực tế khoảng 4 tháng qua, các doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực giày da trên địa bàn như Tập đoàn Phong Thái (khoảng 60.000 lao động), Công ty Taekwang Vina (hơn 35.000 lao động), Công ty Changshin Việt Nam (gần 40.000 lao động) đều nhận được ít đơn hàng.
Trong tình hình đó, doanh nghiệp chỉ tiến hành sản xuất trong giờ hành chính, không tăng ca.
Đại diện Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai cũng cho biết từ giữa năm 2022 đến nay nhiều doanh nghiệp trên địa bàn bị thiếu hụt nguyên liệu nhập khẩu, giảm đơn hàng, giảm quy mô sản xuất từ đó nhiều lao động mất việc làm, thu nhập giảm sút.
Hỗ trợ người lao động
Đáng chú ý, để đảm bảo đời sống công nhân, mới đây, Đồng Nai quyết định hỗ trợ người lao động mất việc hoặc tạm hoãn hợp đồng với mức 1,5 triệu đồng/người.
Ông Phạm Văn Cường, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai, đơn vị đã tăng cường khảo sát, nắm tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
Kết quả cho thấy, trên địa bàn tỉnh, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, phải giảm giờ làm. Tuy nhiên, không xảy ra tình trạng doanh nghiệp ồ ạt cắt giảm lao động.
Ông Cường cho biết, do gặp khó khăn, một số doanh nghiệp đã thỏa thuận với người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, tạm thời cho công nhân nghỉ việc nhưng có chế độ hỗ trợ đầy đủ.
Trước đó, tại TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị vừa có báo cáo gửi Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh về tình hình công nhân lao động tại Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam.
Về chế độ chính sách cho công nhân lao động thuộc đối tượng giảm, ông Nguyễn Văn Hải cũng cho biết, hiện nay công đoàn cơ sở đang đề nghị công ty chi trả cho toàn bộ thời gian công nhân lao động làm việc tại công ty, mỗi năm 1 tháng tiền lương. Tuy nhiên, đề xuất này đang chờ ý kiến quyết định cuối cùng của lãnh đạo Tập đoàn quốc tế Pouchen Đài Loan (Trung Quốc).
Liên quan đến vấn đề này, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã có chỉ đạo khẩn UBND quận Bình Tân theo dõi, giám sát chặt tình hình sản xuất, việc làm của người lao động tại Pouyuen Việt Nam, qua đó, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hỗ trợ người lao động thực hiện kịp thời các chính sách bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề.
Nhà chức trách yêu cầu chăm lo đời sống người lao động, giải quyết kịp thời vướng mắc, không để xảy ra tranh chấp lao động tập thể dẫn đến ngừng việc, đình công trên địa bàn.