Việt Nam không đi theo sự dắt mũi của tập thể phương Tây
03:54 08.04.2023 (Đã cập nhật: 14:07 11.01.2024)
© Sputnik / Alexey Maishev / Chuyển đến kho ảnhHội đàm giữa Phó Thủ tướng Chernyshenko và Thủ tướng Phạm Minh Chính
© Sputnik / Alexey Maishev
/ Đăng ký
«Việt Nam không ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống Nga, không ủng hộ cô lập Nga». Đó là tuyên bố của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trong cuộc gặp Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko dẫn đầu phái đoàn Nga thăm Hà Nội.
«Chúng tôi không ủng hộ cấm vận, không ủng hộ cô lập Nga. Chúng tôi là thành viên đầy trách nhiệm trong hợp tác quốc tế. Chúng tôi không chọn phe, chúng tôi chọn công lý, chọn lẽ phải», - Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh.
Ông Phạm Minh Chính nói thêm rằng ông vui mừng trước đà củng cố và phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Việt Nam, đồng thời ông thông báo về yêu cầu cần thiết phải nâng cao chất lượng của mối quan hệ hợp tác này tương ứng với tình hình hiện nay. Đến lượt mình, ông Dmitry Chernyshenko ghi nhận rằng Việt Nam là đối tác tin cậy và lâu năm của Nga, quan hệ giữa hai nước hơn 70 năm qua không chịu tác động tiêu cực từ bất kỳ biến đổi hay mối quan hệ nào khác.
Phát biểu tại kỳ họp của Ủy ban liên chính phủ Nga-Việt tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nga nhấn mạnh rằng Nga coi trọng việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam như một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Matxcơva ở khu vực.
«Chúng tôi cam kết thúc đẩy phát triển hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, kinh tế, quân sự-kỹ thuật và khoa học-công nghệ. Chúng tôi dành chú ý đặc biệt cho tương tác trong tổ hợp nhiên liệu và năng lượng, trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, vận tải, thông tin liên lạc và viễn thông», - Phó Thủ tướng Nga tuyên bố.
Trong cùng ngày, ông Dmitry Chernyshenko đã trao Huân chương Hữu nghị của LB Nga tặng thưởng cho Thiếu tướng Bùi Hải Sơn, quyền Trưởng Ban Quản lý Lăng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
«Tôi rất vinh dự được thay mặt Tổng thống Nga Vladimir Putin trao tặng Huân chương Hữu nghị để ghi nhận những đóng góp của cá nhân ông Bùi Hải Sơn trong sự nghiệp tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa Nga và Việt Nam», - ông Dmitry Chernyshenko nói.
Ông cũng nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của sự kiện trao tặng giải thưởng này đúng vào mốc kỷ niệm 100 năm chuyến đi đầu tiên của lãnh tụ cách mạng Việt Nam Hồ Chí Minh đến Liên bang Xô-viết.
Nga tại Triển lãm Quốc tế ở Hà Nội
Trước ngày ông Dmitry Chernyshenko đến Hà Nội, tại thủ đô Việt Nam đã khai mạc Triển lãm Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Vietnam-Expo, quy tụ hàng trăm bộ hiện vật đến từ Trung Quốc, Hoa Kỳ, các nước thuộc Liên minh châu Âu và nhiều quốc gia khác. Đại diện của Nga tại Triển lãm là hơn 20 công ty quan tâm đến việc thâm nhập thị trường Việt Nam trong các lĩnh vực như CNTT, công nghiệp, y tế và giáo dục, thực phẩm dinh dưỡng, vật liệu xây dựng, thiết bị công nghiệp, dịch vụ vận tải giao-nhận hàng hóa, cũng như các giải pháp công nghệ khác nhau trong lĩnh vực kỹ thuật số và thương mại điện tử.
Kế hoạch: Mới mẻ và thực tế
Kim ngạch thương mại giữa Nga và Việt Nam cần đạt 10 tỷ USD vào năm 2025. Phó Thủ tướng Nga đã công bố mục tiêu này theo kết quả phiên họp của Ủy ban liên chính phủ về hợp tác thương mại, kinh tế, khoa học và kỹ thuật. Để đạt mục tiêu đó, Nga và Việt Nam đã xây dựng kế hoạch hành động toàn diện theo các hướng hợp tác cơ bản.
Cụ thể, Nga nhận thấy tiềm năng đáng kể trong việc mở rộng cung cấp cho Việt Nam các sản phẩm dầu mỏ, than đá, kim loại và các sản phẩm từ đó. Đó là thông báo của Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga Vladimir Ilyichev tại Diễn đàn Doanh nghiệp với chủ đề «Việt Nam-Liên bang Nga: Cơ hội hợp tác mới và các lĩnh vực tiềm năng». Ông cũng mời các đồng nghiệp Việt Nam chiếm lĩnh những chỗ trống trên thị trường có tính cạnh tranh cao của Nga, trong đó có quần áo, hàng thể thao, thực phẩm dinh dưỡng, đồ điện tử, đồ gỗ nội thất, cũng chính là những lĩnh vực mà các nhà sản xuất Việt Nam đang chứng tỏ thành công và hiệu quả.
Việt Nam không thể không có năng lượng hạt nhân
Hợp đồng thành lập Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân tại tỉnh Đồng Nai có thể được tập đoàn Nhà nước Nga «Rosatom» và Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM) ký kết vào tháng 6 năm 2023, - thông báo như vậy do ông Chernyshenko đưa ra trong cuộc gặp làm việc với Ban lãnh đạo VINATOM. Nhà thầu Nga đang chuẩn bị cho hoạt động đấu thầu. Phó Thủ tướng Nga đề xuất thời điểm ký kết hợp đồng trùng với dịp dự kiến vào ngày 30/6, khi tại Saint-Peterburg khánh thành tượng đài kỷ niệm 100 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thủ đô phương Bắc của nước Nga.
«Điều đó có ý nghĩa biểu tượng nổi bật», - Phó Thủ tướng Nga nhấn mạnh. Đã chọn được địa điểm dành cho Trung tâm mới, phân định rõ cấu hình và nguồn tài trợ, đồng thời dự án khả thi sơ bộ cũng đã được phê duyệt, - ông Chernyshenko cho biết thêm.
Hơn thế nữa, khi có yêu cầu tương ứng từ Hà Nội, Nga sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam trong việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, cả công suất lớn và nhỏ, - Phó Thủ tướng Nga tuyên bố tại cuộc hội kiến với các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp hạt nhân của Việt Nam. Đồng thời ông nhấn mạnh vai trò quan trọng của năng lượng hạt nhân trong sự nghiệp đảm bảo chủ quyền năng lượng của CHXHCN Việt Nam.
Phó Thủ tướng cũng uỷ thác cho Bộ Giáo dục và Khoa học Nga nghiên cứu vấn đề thành lập trường đại học Nga dựa trên cơ sở Việt Nam để đào tạo các chuyên gia sẽ làm việc tại nhà máy điện hạt nhân. Hiện nay, trong các trường Nga về hạt nhân và chuyên ngành liên quan có các công dân Việt Nam tiếp tục theo học bằng kinh phí ngân sách Liên bang. Đang thu xếp bố trí việc làm cho số sinh viên đã tốt nghiệp. Ví dụ, các kỹ sư Việt Nam bây giờ đang làm việc tại nhà máy điện hạt nhân «Rooppur» ở Bangladesh do Tập đoàn Nhà nước Nga «Rosatom» kiến thiết. Phía Nga cũng dự định cùng với Việt Nam thiết lập liên doanh sản xuất máy gia tốc điện tử dành cho công nghiệp và y học.
Hàng Nga sản xuất tại Việt Nam
Một trong những tập đoàn nông-công nghiệp lớn nhất ở Nga là «Miratorg» đang tính toán kế hoạch chuyển một phần hoạt động sản xuất sang Việt Nam, nhằm mở rộng nguồn cung cấp sản phẩm của tập đoàn sang đất nước nhiệt đới này và các quốc gia láng giềng.
Lịch sử hợp tác của «Miratorg» với Việt Nam khởi đầu từ năm 2018, cung cấp sản phẩm từ các doanh nghiệp ở vùng Bryansk, Kursk và Kaliningrad sang nước bạn. Khối lượng giao hàng mỗi năm trong giai đoạn này lên tới khoảng 50.000 tấn, riêng năm 2022 giảm xuống còn khoảng 30.000 tấn do khó khăn phức tạp về hậu cần quốc tế. Bây giờ tình hình đã ổn định và năm 2023 tập đoàn có thể tăng sản lượng cung ứng sản phẩm của mình sang Việt Nam lên mức 60.000 tấn. Trong đó, theo nhận định của ban lãnh đạo tập đoàn, hiện diện tại Việt Nam mang lại cơ hội tốt đẹp mở ra con đường thâm nhập thị trường các nước láng giềng trong khu vực.
Ông Alexei Gruzdev Thứ trưởng Bộ Công Thương LB Nga thông báo rằng Việt Nam có thể bắt đầu xuất khẩu ô tô của «Tập đoàn GAZ» từ các xí nghiệp lắp ráp ô tô của mình, cho ra đời các mẫu xe thương mại và xe minibus.
Cùng nhau vươn tới những thành tựu mới trong khoa học và thể thao
Trong năm 2024, Nga có kế hoạch chuyển giao cho Việt Nam Phòng thí nghiệm cơ động mới dựa trên cơ sở xe «Kamaz», - Phó Thủ tướng Nga cho biết. Phòng thí nghiệm đầu tiên như vậy đã được bàn giao cho Việt Nam trong năm 2018. Phòng thí nghiệm cơ động cho phép theo dõi và nhanh chóng kiểm tra các ổ bệnh truyền nhiễm tự nhiên bằng các phương pháp kỹ thuật tiên tiến nhất.
Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông Nga và Ngân hàng Nga «Sber» đã ký thỏa thuận về xúc tiến nghiên cứu chung tại Trung tâm Trí tuệ Nhân tạo, dự kiến khai trương ở Hà Nội.
Trên cơ sở phân hiệu Viện Tiếng Nga Pushkin Matxcơva, vốn đã tồn tại và phục vụ nhiều năm nay, tại Hà Nội sẽ thành lập Trung tâm nghiên cứu tiếng Nga của toàn khu vực Đông Nam Á.
Nga sẵn sàng cùng với Việt Nam tiến hành nghiên cứu chung tại các Trạm Khoa học ở Bắc Cực. Ông Chernyshenko đã thông báo điều này tại cuộc gặp các nhân viên của Trung tâm Nghiên cứu và Công nghệ Nhiệt đới Nga-Việt. Phó Thủ tướng khen ngợi thành quả công tác đồ sộ mà Trung tâm Nhiệt đới liên tục tiến hành trong ba thập kỷ rưỡi qua. Theo lời ông, nếu năm 2021 trong Trung tâm có hơn 150 nhà khoa học Nga tham gia nghiên cứu, thì đến năm 2022, số lượng nhà khoa học từ LB Nga đã tăng gần gấp đôi - lên tới 266 người.
Ông Chernyshenko chỉ ra rằng các đối tác Việt Nam có yêu cầu tăng cường hơn nữa sự hiện diện của phía Nga tại Trung tâm.
«Chúng tôi nhấy định sẽ giải quyết vấn đề tăng biên chế nhân viên thường trực từ phía Nga», - Phó Thủ tướng cam đoan.
Ông cũng cho biết, phía Nga sẵn sàng đầu tư cho Trung tâm Nhiệt đới các trang thiết bị, dụng cụ hiện đại, thành lập các phòng thí nghiệm chung mới theo những hướng nghiên cứu có tính thời sự bức thiết như an toàn sinh học và hóa học, bao gồm giải quyết vấn đề dioxin, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường kể cả vùng nước biển.
© Sputnik / Alexey Mayshev / Chuyển đến kho ảnhPhó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko tham quan công viên ở trung tâm Hà Nội.
Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko tham quan công viên ở trung tâm Hà Nội.
© Sputnik / Alexey Mayshev
/ Phó Thủ tướng Nga cũng kêu gọi đẩy mạnh công việc hình thành tổ hợp các trường đại học kỹ thuật Nga-Việt trên cơ sở Đại học Nghiên cứu Quốc gia Nga «MEI» cùng với Viện Hàng không Matxcơva và Đại học Quốc gia Hà Nội, cho phép đào tạo đội ngũ chuyên gia mới có trình độ cao về các chuyên ngành công nghiệp, bao gồm cả năng lượng, đủ sức giải quyết những nhiệm vụ khó khăn nhất.
Nga và Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực văn hóa thể chất và thể thao. Phía Nga mời Việt Nam tham gia «Thế vận hội của tương lai» tổ chức vào năm tới tại thành phố Kazan của nước Nga.
Nhiệm vụ quan trọng là hiểu nhau hơn
Trong chuyến thăm này, ông Dmitry Chernyshenko nều đề xuất mở Văn phòng du lịch Nga ở Việt Nam và Văn phòng Việt Nam ở Nga. Bước đi này, theo lời ông, sẽ cho phép thiết lập quan hệ đối tác giữa các công ty du lịch-lữ hành của hai nước, tạo cơ hội trao đổi kinh nghiệm, cùng chung đào tạo nhân sự cũng như gia tăng sự quan tâm dành cho nhau trong các chuyến đi. Bởi cả năm ngoái chỉ có khoảng 30.000 người Nga đến thăm Việt nam theo mục đích du ngoạn.
Thế mà thời trước đại dịch năm 2019, lượng du khách Nga đến Việt Nam đã vượt 600.000 người. Hiện tại, việc trao đổi du khách đang gặp nhiều trở ngại do thiếu đường bay thẳng giữa hai nước. Theo lời Phó Thủ tướng Nga, vấn đề này cần được giải quyết trong thời gian gần tới, tiếp đó là vấn đề miễn thị thực nhập cảnh hai nước cho công dân Nga và công dân Việt Nam.
Nga và Việt Nam đang bàn bạc đi tới thống nhất về việc thành lập trường phổ thông trung học của Nga ở trung tâm thủ đô Việt Nam, đây là dự án lớn, - ông Chernyshenko thông báo. Chương trình giảng dạy tại trường sẽ thực hiện bằng tiếng Nga, theo tiêu chuẩn Nga. Tổng diện tích khuôn viên trường là khoảng 26.000 m2, các công trình của trường học sẽ được xây dựng trên khu đất rộng 3 hec-ta. Ông Chernyshenko lưu ý rằng ngôi trường mới có thể tiếp nhận tới 900 học sinh.
«Tất cả những điều đó cực kỳ quan trọng để xây đắp nền tảng cho mối quan hệ lâu dài của LB Nga với đất nước Việt Nam rất thân thiện, nhằm thực hiện các sự kiện trong bản đồ lộ trình kế hoạch 2030 đã được thảo luận tại đây, tại Hà Nội, trong kỳ họp của Ủy ban liên chính phủ Nga - Việt lần thứ 24», - Phó Thủ tướng Nga nói thêm.