Việt Nam sẽ lấy phiếu tín nhiệm Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội

© TTXVN - Bùi Doãn TấnKỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Quốc hội họp phiên bế mạc
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Quốc hội họp phiên bế mạc - Sputnik Việt Nam, 1920, 14.07.2023
Đăng ký
Dự kiến, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội cùng các chức danh lãnh đạo chủ chốt vào tháng 10.
Tuy nhiên, theo Nghị quyết 96, tại kỳ lấy phiếu tín nhiệm tới, Quốc hội sẽ không lấy phiếu tín nhiệm với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng do ông Võ Văn Thưởng mới được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước vào ngày 2/3/2023 (trong năm lấy phiếu tín nhiệm).

Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm chức danh chủ chốt vào tháng 10

Tiếp tục phiên họp 24, chiều 14/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết kỳ họp thứ 5 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, cho biết, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Ông Bùi Văn Cường cho hay, dự kiến, thời gian dành cho việc lấy phiếu tín nhiệmlà nửa ngày làm việc, gồm cả việc thảo luận tại các đoàn đại biểu Quốc hội và lấy phiếu tín nhiệm tại hội trường.
Cần lưu ý rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh Quốc hội bầu và phê chuẩn lần này sẽ được thực hiện theo Nghị quyết 96 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu và phê chuẩn (sửa đổi Nghị quyết 85), vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 vừa qua.
Theo Nghị quyết 96 này, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ như Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội.
Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước cũng thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm.
Khai mạc Phiên họp thứ 24 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội - Sputnik Việt Nam, 1920, 12.07.2023
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 24

Sẽ không lấy phiếu tín nhiệm Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng

Trước đó, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã bầu, phê chuẩn 50 người giữ các chức vụ thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm nói trên.
Dù vậy, Nghị quyết 96 cũng quy định: "Không lấy phiếu tín nhiệm đối với người đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm".
Căn cứ vào quy định này thì tại kỳ lấy phiếu tín nhiệm tháng 10 tới, Quốc hội sẽ không lấy phiếu tín nhiệm với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng do ông Võ Văn Thưởng mới được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước vào ngày 2/3 (trong năm lấy phiếu tín nhiệm).
Cũng theo quy định tại Nghị quyết 96 thì chậm nhất là 45 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm căn cứ vào đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm quy định tại nghị quyết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ có văn bản yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm gửi báo cáo và bản kê khai tài sản, thu nhập đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.
Như đã đề cập, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức. Trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.
Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.
Tính đến nay, Quốc hội Việt Nam đã 3 lần lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Lần đầu tiên là năm 2013, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 47 người. Năm 2014, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 2 với 50 người. Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh.
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng  - Sputnik Việt Nam, 1920, 22.06.2023
Quốc hội chính thức thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật

Tổng thư ký Quốc hội thông tin, dự kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật và cho ý kiến về 8 dự án luật khác.
Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và 2024; xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ về thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công.
Đồng thời, Quốc hội xem xét các báo cáo về việc thực hiện một số Nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4; giám sát chuyên đề tối cao và các vấn đề quan trọng khác.
Trong đó, Quy hoạch không gian biển quốc gia là nội dung cần được trình Quốc hội xem xét quyết định để đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 (cụ thể là: phấn đấu cơ bản hoàn thành việc phê duyệt trong năm 2022 các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050).
Tòa án - Sputnik Việt Nam, 1920, 10.07.2023
Trốn khỏi Việt Nam để không bị tử hình, Bộ Công an muốn xây dựng Luật Dẫn độ

Những lưu ý quan trọng

Theo đồng chí Bùi Văn Cường, dự kiến Quốc hội làm việc 23 - 25 ngày, khai mạc vào thứ Hai, ngày 23/10 (do ngày 20/10 trùng vào ngày thứ Sáu).
Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất xuất tiếp tục tổ chức Kỳ họp thứ 6 theo hình thức họp trực tiếp và chia thành 2 đợt họp theo 2 phương án.
Phương án 1: Quốc hội nghỉ khoảng 1,5 tuần giữa 2 đợt họp và dự kiến bế mạc vào thứ Năm, ngày 30/11 để kỳ họp kết thúc trong tháng 11/2023.
Phương án 2: Quốc hội nghỉ khoảng 2 tuần giữa 2 đợt họp và dự kiến bế mạc vào thứ Năm, ngày 7/12 để các cơ quan có nhiều thời gian hơn cho việc tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật, nghị quyết.
Tại phiên họp, đa phần các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với việc tổ chức kỳ họp theo 2 đợt theo phương án 1.
Phát biểu điều hành Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan, ý kiến của cử tri, Nhân dân cả nước, dư luận xã hội và tình hình thực tế, Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đã xây dựng báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến, sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý hoàn thiện báo cáo, nhất là nhấn mạnh kết quả đạt được, điểm nổi bật, điểm mới, cần nghiên cứu, áp dụng trong thực tiễn; cho ý kiến về những nội dung nào cần tiếp tục rút kinh nghiệm cho kỳ họp sau.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện các bộ, ban, ngành cho ý kiến về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV. Ngoài các nội dung đã thành thông lệ trong kỳ họp cuối năm như cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách, báo cáo của các cơ quan hữu quan.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị Chính phủ sớm lập danh mục bổ sung vào Chương trình Kỳ họp Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu; phương án sửa đổi thuế thu nhập doanh nghiệp; báo cáo đánh giá kết quả rà soát hệ thống pháp luật.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала