Hà Nội sẽ cần hơn 55 tỷ USD để làm metro đến 2045
© Ảnh : TTXVN - Nguyễn Văn ĐiệpKhai mạc kỳ họp thứ mười bảy HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI
© Ảnh : TTXVN - Nguyễn Văn Điệp
Đăng ký
Hà Nội tính toán cần khoảng 55,44 tỷ USD đầu tư toàn bộ tuyến đường sắt đô thị (metro) theo quy hoạch đến năm 2045 với 3 giai đoạn.
Đáng chú ý, Hà Nội cũng phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2035 đạt 50-55%, sau năm 2035 đạt 65-70%.
HĐND Hà Nội khai mạc kỳ họp thứ 17
Hôm nay, HĐND TP Hà Nội khai mạc kỳ họp thứ 17, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh dự phiên khai mạc.
Tại kỳ họp thường lệ giữa năm này, Hà Nội xem xét nhiều vấn đề quan trọng với 42 nội dung gồm 17 báo cáo và 22 nội dung nghị quyết.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Ngọc Tuấn Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội bày tỏ, kỳ họp diễn ra ngay sau thành công của Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV với nhiều nội dung rất quan trọng, ý nghĩa, đặc biệt Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thủ đô sửa đổi với tỷ lệ thống nhất rất cao.
© Ảnh : TTXVN - Nguyễn Văn ĐiệpChủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu khai mạc
Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu khai mạc
© Ảnh : TTXVN - Nguyễn Văn Điệp
“Đây là các căn cứ pháp lý rất quan trọng đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh và bền vững”, - ông Tuấn nói.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, GRDP Hà Nội 6 tháng đầu năm ước tăng 6,0%; thu ngân sách nhà nước ước đạt 252.054 tỷ đồng, bằng 61,7% dự toán, tăng 12,5% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa đạt 237.747 tỷ đồng, chiếm khoảng 94,3% tổng thu ngân sách nhà nước. Các ngành kinh tế đều tăng trưởng và phát triển ổn định.
6 tháng đầu năm, lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng 13,7%, trong đó khách quốc tế đạt 3,14 triệu lượt khách, tăng 52,6% so với cùng kỳ. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2023.
Tại kỳ họp này, HĐND TP Hà Nội sẽ xem xét, thông qua các báo cáo, nghị quyết chuyên đề, trong đó có nhiều nội dung rất quan trọng như “Đề án tổng thể xây dựng hệ thống đường sắt đô thị”; “Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ”; “Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội”; “Quy định về nội dung chi và mức chi từ ngân sách thành phố để thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch”…
Đặc biệt, HĐND thành phố sẽ xem xét thông qua mức hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024 đối với các trường hợp áp dụng hệ số theo quy định của pháp luật làm căn cứ tính: Thu tiền sử dụng đất khi giao đất không thông qua đấu giá, thu tiền sử dụng đất khi tổ chức được công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu tiền sử dụng đất khi bán lại nhà ở xã hội, xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố Hà Nội...
© Ảnh : TTXVN - Nguyễn Văn ĐiệpLãnh đạo Trung ương và thành phố Hà Nội dự kỳ họp
Lãnh đạo Trung ương và thành phố Hà Nội dự kỳ họp
© Ảnh : TTXVN - Nguyễn Văn Điệp
HĐND thành phố cũng dành trọn 1 ngày (3/7) để chất vấn về việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương trách nhiệm trong thực thi công vụ tại các cơ quan nhà nước thuộc thành phố Hà Nội và công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố.
Đối với hoạt động giám sát, ông Tuấn nói Thường trực HĐND TP dự kiến 2 nhóm vấn đề chính là chất vấn về việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương trách nhiệm trong thực thi công vụ tại các cơ quan nhà nước thuộc TP Hà Nội. Thứ hai là chất vấn về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố.
“Đây là kỳ họp có khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng”, - ông Tuấn nhấn mạnh và đề nghị các vị đại biểu phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, dân chủ, trí tuệ, tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng.
Hà Nội cần nắm bắt tốt cơ hội
Phát biểu sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhìn nhận, hoạt động của HĐND thành phố Hà Nội là một hình mẫu hoạt động của chính quyền địa phương.
Theo đó, cơ quan dân cử địa phương thực hiện tốt thiết thực chức năng nhiệm vụ, vị trí, vai trò là cơ quan quyền lực là cơ quan đại diện cho ý chí nguyện vọng trí tuệ của nhân dân, của cử tri thủ đô.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hà Nội khẩn trương quán triệt, triển khai thi hành luật Thủ đô sửa đổi và phối hợp với các cơ quan để hoàn thiện 2 quy hoạch quan trọng của thủ đô, trình Thủ tướng ban hành theo thẩm quyền.
Luật Thủ đô sửa đổi với những cơ chế, chính sách đặc thù để Hà Nội phát triển đột phá, tạo động lực dẫn dắt cả vùng, cả nước, trong đó thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền TP Hà Nội. Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi, luật này cũng đặt ra trách nhiệm cao hơn đối với chính quyền Hà Nội trong việc thực hiện đồng bộ nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ và phát triển thủ đô.
Nhắc việc Luật Thủ đô (sửa đổi) có trên 50 quy định nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của HĐND TP, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị Hà Nội nắm bắt tốt cơ hội này, hành động quyết liệt, phát huy mạnh mẽ vai trò và huy động sức mạnh tổng hợp để khai thác tối đa hiệu quả của các cơ chế đặc thù nhằm khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy, phát huy các lợi thế sẵn có.
Chủ động nghiên cứu, rà soát, xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai, thực hiện, trong đó cần xác định rõ lộ trình, phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan để Luật Thủ đô đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả thiết thực ngay khi có hiệu lực.
Cần hơn 55 tỷ đô làm metro đến 2045
Trình bày tại kỳ họp, ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã thay mặt UBND TP Hà Nội trình bày tờ trình đề án tổng thể xây dựng hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội để HDNĐ TP Hà Nội xem xét.
Nhấn mạnh đường sắt đô thị là trục "xương sống" của hệ thống hạ tầng giao thông của thành phố, theo ông Thường, việc phát triển hệ thống metro là tất yếu cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của Hà Nội.
Với mục tiêu phát triển hệ thống đường sắt đô thị đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải giao thông công cộng của thành phố, góp phần tái cơ cấu các phương thức vận tải của Hà Nội theo hướng bền vững, hài hòa, hợp lý. Hà Nội phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2035 đạt 50-55%, sau năm 2035 đạt 65-70%.
Để đạt được mục tiêu này, thành phố dự kiến sẽ đầu tư xây dựng metro trong 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ 2024 - 2030, TP đặt mục tiêu hoàn thành thi công xây dựng 96,8km (gồm các tuyến số 2, số 3, số 5). Đồng thời, thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 301,0km (gồm các tuyến số 1, 2A kéo dài đến Xuân Mai, 4, 6, 7, 8, tuyến kết nối các đô thị vệ tinh) với số vốn khoảng khoảng 14,6 tỷ USD.
Giai đoạn từ 2031 - 2035, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng 301,0km (gồm các tuyến số 1, 2A kéo dài đến Xuân Mai, 4, 6, 7, 8, tuyến kết nối các đô thị vệ tinh) với số vốn khoảng 22,5 tỷ USD.
Giai đoạn từ 2036 - 2045, Hà Nội sẽ xây dựng thêm 200,7km metro với số vốn khoảng 18,2 tỷ USD.
Như vậy, trong 3 giai đoạn đầu tư tổng thể các tuyến metro, Hà Nội sẽ cần số vốn lên tới hơn 55,4 tỷ USD.
Theo đề án của Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) trình trước đó, dự kiến đến năm 2030 thành phố cân đối được khoảng 11,5 tỷ USD (trong khi nhu cầu là 16,2 tỷ USD, chưa cân đối được 4,6 tỷ USD).
Đến năm 2035 cân đối được khoảng 16,9 tỷ USD (trong khi nhu cầu là 20,9 tỷ USD, chưa cân đối được 3,97 tỷ USD); đến năm 2040 cân đối được khoảng 29,21 tỷ USD (trong khi nhu cầu là 18,26 tỷ USD).
Như vậy, saukhi cân đối các nguồn vốn, thành phố Hà Nội cần Trung ương cân đối, bố trí vốn hỗ trợ 8,61 tỷ USD (các kỳ trung hạn 2026-2030 là 5,52 tỷ USD và 2031-2035 là 4,59 tỷ USD) đến năm 2035.
Sau năm 2035, thành phố chủ động được nguồn vốn để đầu tư các tuyến đường sắt đô thị bổ sung.
Các số liệu này hiện vẫn chỉ là dự kiến và sẽ được rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh trong quá trình hoàn thiện đề án và chuẩn bị đầu tư từng dự án, bảo đảm an toàn, hiệu quả khai thác và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội.