Việt Nam, Lào và Campuchia: Những lợi ích chiến lược chung không thể chia cắt

© Ảnh : TTXVN - Nhan Hữu SángChủ tịch nước Tô Lâm thăm Đại học Hoàng gia Phnom Penh
Chủ tịch nước Tô Lâm thăm Đại học Hoàng gia Phnom Penh - Sputnik Việt Nam, 1920, 14.07.2024
Đăng ký
Bên cạnh sự thống nhất trong khác biệt về văn hóa, xã hội thì ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia còn có những lợi ích chiến lược chung không thể chia cắt cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng, an ninh.
Như Sputnik đã đưa tin, tân Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm đã có chuyến công du tới Lào và Campuchia từ ngày 11 đến ngày 13-7, theo lời mời của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni.
Theo đánh giá của đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam, chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Tô Lâm sau khi nhậm chức "có ý nghĩa to lớn, thể hiện thông điệp rất quan trọng của Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng như của Chủ tịch nước".
Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới CHDCND Lào   - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.07.2024
Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu chuyến thăm Lào - Campuchia
Sputnik đã có cuộc phỏng vấn khách mời thường xuyên và quen thuộc của Sputnik, nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và khoa giáo, Bộ Công An về ý nghĩa của chuyến thăm này cũng như những vấn đề nhạy cảm trong quan hệ Việt Nam – Lào và Việt Nam – Campuchia.

Tầm quan trọng bậc nhất của quan hệ Việt Nam – Lào - Campuchia ở mức độ cao nhất và cũng đặc biệt nhất

Sputnik: Kính chào ông Nguyễn Minh Tâm! Xin ông cho biết, theo đánh giá của ông, vì sao chuyển công du nước ngoài đầu tiên của Tân Chủ tịch nước Tô Lâm lại là Lào và Campuchia? Hai nước này quan trọng như thế nào đối với Việt Nam?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và khoa giáo, Bộ Công An:
Sát trước chuyến đi thăm đầu tiên tới Lào và Campuchia trên cương vị nguyên thủ quốc gia, thông qua cơ quan ngoại giao, Chủ tịch Tô Lâm đã có thông điệp công khai, nói rõ mục đích, nội dung của chuyến đi thăm này. Theo đó, mục đích chuyến đi thăm không có gì khác hơn là khẳng định sự đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa ba nước. Bởi trong quá khứ và hiện tại cũng như tương lai, Việt Nam, Lào và Campuchia có sự gần gũi về địa lý, sự gắn kết về lịch sử văn hóa và ba đảng lãnh đạo ở ba nước có chung một nguồn gốc là Đảng Cộng sản Đông Dương.
Tất nhiên là cũng có những sự khác nhau nhất định giữa quan hệ Việt Nam - Lào với quan hệ Việt Nam – Campuchia. Trong đó, quan hệ Việt Nam – Lào là quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện; còn quan hệ Việt Nam – Campuchia là quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài. Sự khác nhau đó là điều tất nhiên bởi chế độ và hệ thống chính trị của Việt Nam và Lào là sự tương đồng rất cao; còn đối với Campuchia thì có sự khác nhau nhất định. Tuy nhiên, sự khác nhau ấy là phù hợp với hoàn cảnh thực tế của mỗi nước và cả hai bên đều hiểu rõ nguyên nhân của sự khác nhau ấy.
Toàn cảnh buổi họp báo. - Sputnik Việt Nam, 1920, 01.12.2023
Việt Nam-Lào-Campuchia lần đầu tiên giao lưu hữu nghị quốc phòng khu vực biên giới
Người Việt Nam có câu “láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau”. Từ các mối quan hệ giữa các hộ gia đình trong một cộng đồng nhỏ đến quan hệ giữa các quốc gia trên toàn thế giới, quan hệ láng giềng luôn được người Việt Nam đặc biệt coi trọng mà không phân biệt là nước lớn hay nước nhỏ, gia đình giàu có hay gia đình nghèo. Chính vì vậy mà một trong các phương châm ngoại giao của Việt Nam là nếu không là anh em với nhau thì hãy là láng giềng tốt của nhau.
Lý giải việc Chủ tịch nước Việt Nam chọn Lào và Campuchia làm hai nơi đến thăm và làm việc đầu tiên cho thấy tầm quan trọng bậc nhất của các mối quan hệ giữa ba nước anh em trên bán đảo Đông Dương ở mức độ cao nhất và cũng đặc biệt nhất trong tất cả các mối quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Ngoài những mục tiêu và lý do mà Bộ Ngoại giao Việt Nam đã công bố thì mục tiêu và lý do về quốc phòng và an ninh chung của ba nước cũng đặc biệt quan trọng.

Việt Nam cần có “cái lưng tựa” vững chắc để bảo đảm chiến lược phòng thủ

Sputnik: Và lý do quốc phòng và an ninh đặc biệt quan trọng trong bối cảnh địa chính trị khu vực hiện nay…
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và khoa giáo, Bộ Công An:
Đúng vậy!
Việt Nam có lãnh thổ dài và hẹp. Lưng tựa núi, mặt giáp biển (bối sơn diện thủy). Chiều rộng lớn nhất khoảng 600km, hẹp nhất 50km. Dài tới trên 1.300km Tỷ lệ rộng/dài trung bình là 1/9. Xét về địa quân sự, Việt Nam cần có “cái lưng tựa” vững chắc để bảo đảm chiến lược phòng thủ. Việt Nam và Lào cùng với vùng Đông Bắc Campuchia có chung dãy núi Trường Sơn như một đường ranh giới tự nhiên phân chia lãnh thổ Việt Nam, Lào và một phần Campuchia. Nhưng điều quan trọng hơn là trong lịch sử chống ngoại xâm của 3 dân tộc ở thế kỷ XX, dãy núi này và các vùng cao của nó đã trở thành căn cứ địa của các lực lượng cách mạng yêu nước để đem đến Chiến thắng của cả ba dân tộc. Trong kháng chiến chống Pháp, ba nước Đông Dương đã là một chiến trường chung. Trong kháng chiến chống Mỹ cũng vậy. Đường mòn Hồ Chí Minh (nhánh Tây Trường Sơn) đi qua Trung-Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia là tuyến hậu cần huyết mạch cực kỳ quan trọng, là chìa khóa” để mở ra chuỗi chiến thắng của ba nước trong 1975 lịch sử.
Ngày nay, quan hệ kinh tế giữa ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia là trọng điểm phát triển kinh tế của Đông Nam Á lục địa. trong đó, Lào giữ vị trí đặc biệt quan trọng khi có biên giới chung với 5 quốc gia láng giềng, nhiều nước nhất trong các quốc gia Đông Nam Á. Do đó, xét về địa kinh tế thì Việt Nam là quốc gia có nhiều biển nhất, còn Lào không có biển và Campuchia thì có đường bờ biển khá hẹp, lại ở một vị trí “khuất nẻo” trong vịnh Thái Lan. Trong thời kỳ hiện nay và trong tương lai, kinh tế biển dần nổi lên và đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với mỗi quốc gia. Vì vậy, nếu Lào không có biển thì Việt Nam sẽ “đem biển đến” cho Lào. Đối với Campuchia thì sự chia sẻ cho nhau những ưu thế của mỗi bên cũng tương tự như vậy.
Thủ tướng Phạm Minh Chính ăn sáng, làm việc với Thủ tướng Campuchia và Thủ tướng Lào  - Sputnik Việt Nam, 1920, 05.09.2023
Thủ tướng Việt Nam - Lào - Campuchia "tâm sự" gì trong bữa sáng hôm nay?
Tóm lại, bên cạnh sự thống nhất trong khác biệt về văn hóa, xã hội thì ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia còn có những lợi ích chiến lược chung không thể chia cắt cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng, an ninh. Đó chính là nguyên nhân cốt lõi khi các lãnh đạo Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua đã chọn hai nước láng giềng anh em đã từng cùng với mình “chia bom, sẻ đạn” của quân xâm lược để bắt đầu mỗi chặng đường xây dựng và vun đắp quan hệ đối ngoại. Cũng theo một cách thức đó, các lãnh đạo cao cấp của Lào và Campuchia cũng đều chọn Hà Nội là điểm đến đầu tiên ngay sau khi nhậm chức. Tất cả đều xuất phát từ một câu ca dao cổ của người Việt Nam:
“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại thành hòn núi cao”.

Việt Nam – Lào: Việc chia sẻ lợi ích và giảm thiểu rủi ro giữa hai nước cũng được giải quyết ổn thỏa

Sputnik: Theo quan điểm của ông, trong quan hệ Việt Nam-Lào có những vấn đề gì nóng và nhạy cảm không?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và khoa giáo, Bộ Công An:
Quan hệ Việt-Lào chắc chắn không có những vấn đề mâu thuẫn đáng kể phải giải quyết. Là mối quan hệ như anh em một nhà, những vấn đề phát sinh trong hợp tác song phương và đa phương đều được hai bên nhanh chóng thông báo cho nhau để cùng bàn bạc, cùng giải quyết sao cho vẫn đạt được lợi ích của mỗi nước mà không gây ảnh hưởng tiêu cực cho nhau. Quan hệ Việt-Lào được cả thế giới thừa nhận là mối quan hệ láng giềng mẫu mực, được thử thách qua thời gian và được xây đắp bằng sức lao động, bằng trí tuệ và cả bằng xương máu của cả hai dân tộc.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất - Sputnik Việt Nam, 1920, 09.04.2024
Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Lào đảm bảo nguồn cung xăng dầu
Trong thời hiện đại, việc chia sẻ lợi ích và giảm thiểu rủi ro giữa hai nước cũng được giải quyết ổn thỏa, đặc biệt là đối với các mối quan hệ đa phương mà hai nước cùng tham gia. Ví dụ như về giao thông chiến lược, nếu Lào hợp tác với Trung Quốc về trục dọc giao thông thì Việt Nam hợp tác với Lào trên cơ sở hình thành các trục ngang xuyên bán đảo Đông Dương. Việt Nam, Lào và Trung Quốc cùng với một số quốc gia Đông Nam Á lục địa khác đã tham gia chương trình thiết lập những con đường xuyên Á, kiến tạo mối quan hệ cũng như chia sẻ lợi ích của các bên một cách hài hòa và công bằng, giảm thiểu chi phí logistic trong giao thương giữa các nước và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của công nghiệp du lịch cũng như tăng cường giao lưu nhân dân.

Việt Nam – Campuchia: Vấn đề khúc mắc còn lại chính là 14% độ dài của đường biên giới

Sputnik: Còn trong quan hệ Việt Nam-Campuchia?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và khoa giáo, Bộ Công An:
Vấn đề đối với Campuchia cũng không đến mức nóng và nhạy cảm về chiến lược. Các vấn đề đó đều có thể giải quyết ổn thỏa bằng đàm phán trên tinh thần chia sẻ lợi ích, chiếu cố đến những lợi ích riêng của nhau (như quan hệ Việt – Nga). Miễn là những sự hợp tác với bất cứ bên nào cũng hết sức tránh gây ra thiệt hại cho nhau. Ngay cả việc Campuchia chuẩn bị dự án kênh Phù Nam Techo cũng vậy. Những ảnh hưởng của dự án này đều được các chuyên gia của hai bên trao đổi, tính toán cặn kẽ để giảm thiểu những ảnh hưởng đó trên cơ sở hợp tác và tôn trọng chủ quyền của nhau. Hai bên cũng hoan nghênh và tham khảo ý kiến của giới chuyên gia nhưng việc tiếp thu các ý kiến đó phải đáp ứng được lợi ích của cả hai bên cũng như chia sẻ rủi ro chứ không thể tiếp thu những ý kiến một chiều, phiến diện; đồng thời, kiên quyết phản bác những ý kiến lợi dụng tình huống, bịa đặt số liệu không được kiểm chứng để gây chia rẽ và mâu thuẫn giữa hai bên, gây tổn hại đến quan hệ giữa hai nước.
Lễ tiễn Chủ tịch nước Tô Lâm tại Sân bay quốc tế Phnom Penh - Sputnik Việt Nam, 1920, 13.07.2024
Việt Nam - Campuchia củng cố tin cậy chính trị, nhất trí thúc đẩy quan hệ song phương
Bên cạnh đó, việc giải quyết ổn thỏa về giấy tờ pháp lý cho người gốc Việt tại Campuchia đã có bước tiến mới, là tiền đề cho việc tạo điều kiện ngày một tốt hơn cho cộng đồng người gốc Việt sinh sống, làm ăn ở Campuchia. Tháo gỡ được vấn đề này giống như việc dọn một vật cản trong giao lưu nhân dân giữa hai nước cũng như tạo điều kiện để phát triển kinh doanh, thương mại xuyên biên giới trong hành lang pháp luật của mỗi bên.
Vấn đề khúc mắc còn lại chính là 14% độ dài của đường biên giới Việt Nam – Campuchia vẫn chưa được cắm cột mốc. Dư luận quan tâm, hy vọng rằng chuyến thăm của Chủ tịch Tô Lâm sẽ thúc đẩy nhanh hơn tiến trình đi đến một hiệp định về biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Campuchia để hai bên tiếp tục tăng cường việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác.

Quyết tâm đẩy mạnh thực hiện các thỏa thuận cấp cao, cùng phát triển

Sputnik: Thưa ông Nguyễn Minh Tâm, từ quan điểm của một nhà phân tích, ông có thể nêu ra những phương hướng giải quyết cho những khúc mắc và những vấn đề còn có quan điểm chưa thống nhất như thế nào?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và khoa giáo, Bộ Công An:
Một số thế lực xấu chống phá Việt Nam, muốn gây chia rẽ ba nước Đông Dương nên bằng mọi cách, họ đã thổi phồng những vấn đề còn có quan điểm chưa thống nhất giữa Việt Nam với Lào và Campuchia nhằm mục tiêu thao túng dư luận chính trị của người dân và dư luận quốc tế đối với ba nước Đông Dương và sau đó là quan hệ giữa ba nước Đông Dương với ASEAN cũng như với các nước khác ngoài khu vực. Tuy nhiên, âm mưu này chắc chắn sẽ thất bại. Kết quả chuyến đi thăm Lào và Campuchia của Chủ tịch Việt Nam là câu trả lời đích đáng cho những âm mưu đó.
Chính vì không có vấn đề nóng hay nhạy cảm trong quan hệ giữa Việt Nam với Lào và Campuchia nên cơ sở chính trị để giải quyết những vấn đề mà các bên chưa thống nhất chính là quyết tâm đẩy mạnh thực hiện các thỏa thuận cấp cao, nhất là kết quả của các cuộc gặp thường niên giữa Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam với Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và với Ban Thường vụ Đảng Nhân dân Campuchia.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt  - Sputnik Việt Nam, 1920, 10.07.2024
Chuyến thăm Lào - Campuchia của Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định sự gắn bó keo sơn giữa ba nước
Chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam sẽ đánh dấu một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, hợp tác hiệu quả, tôn trọng lợi ích của nhau, góp phần củng cố tin cậy chiến lược cũng như làm sâu sắc hơn quan hệ với hai nước, tăng cường đoàn kết giữa Việt Nam - Lào - Campuchia và ASEAN. Tại tất cả các cuộc gặp thượng đỉnh của lãnh đạo ba nước từ trước tới nay và từ nay về sau, quyết tâm này đã, đang và chắc chắn sẽ vẫn được duy trì.
Khác với quan hệ giữa Việt Nam với nhiều nước khác, quan hệ của ba đảng cầm quyền luôn gắn liền với quan hệ giữa ba chính phủ, ba quốc hội ở ba nước. Đó là điều đặc biệt và hiếm có. Quan hệ có độ tin cậy cao giữa ba nước là cơ sở chính trị để mở ra các mối quan hệ chiến lược về kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh.
Bên cạnh các mối quan hệ truyền thống thì quan hệ về kinh tế và công nghệ giữa ba nước trong thời kỳ mới chính là chìa khóa để mở ra một tương lai mới cho cả ba nước. Để hiện thực hóa mối quan hệ này, rất cần đến sự tôn trọng nhau, phối hợp với nhau, chiếu cố đến lợi ích của nhau, gắn bó mật thiết với nhau thông qua các mục tiêu có tầm nhìn chiến lược, phát huy thế mạnh của mỗi bên để hạn chế những nhược điểm của nhau, để cùng thắng, cùng phát triển.
Và để duy trì, phát triển lâu dài mối quan hệ gắn bó giữa ba nước thì hợp tác về giáo dục, đào tạo có vai trò quan trọng không kém so với sự hợp tác về chính trị, kinh tế, quốc phòng và an ninh. Quan điểm của Việt Nam về lấy con người làm trung tâm, vừa là động lực của sự phát triển, vừa là kết quả của sự phát triển đã được cả Lào và Campuchia cùng hoan nghênh, chia sẻ nhiệt thành đáp ứng. Hợp tác về giáo dục và đào tạo gắn liền với giao lưu văn hóa, với hợp tác phát triển khoa học và công nghệ, với hợp tác về quốc phòng và an ninh sẽ tạo thành mối liên kết vững chắc giữa ba dân tộc anh em.
Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Vũ Văn Chung phát biểu - Sputnik Việt Nam, 1920, 27.02.2024
Việt Nam rót hơn 3,7 tỷ USD vào khu vực Tam giác phát triển thuộc Lào và Campuchia
Lịch sử là bệ đỡ cho tương lai. Đó là một quy luật khách quan, là chân lý muôn đời. Vì vậy, chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch Tô Lâm tại Lào và Campuchia sẽ tiếp tục khẳng định và phát triển truyền thống lịch sử đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau giữa 3 đảng và nhân dân 3 nước là tài sản quý giá, là một trong những nhân tố quan trọng nhất, là nguồn sức mạnh to lớn nhất đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập trước đây cũng như trong công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước của “ba anh em” trên bán đảo Đông Dương hiện nay và mai sau.
Sputnik: Chân thành cảm ơn ông!
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала