“Người Việt lừa người Việt”: Bắt nhóm lừa đảo quốc tế ẩn náu ở Tam Giác Vàng

© Ảnh : TTXVN - Nguyễn Công Tường154 đối tượng bị lực lượng chức năng bắt giữ.
154 đối tượng bị lực lượng chức năng bắt giữ. - Sputnik Việt Nam, 1920, 08.08.2024
Đăng ký
Bộ Công an vừa cho biết, lực lượng an ninh hai nước Việt – Lào đã phối hợp triệt phá tổ chức tội phạm lừa đảo quốc tế, bắt giữ 155 đối tượng người Việt Nam tại Đặc khu Tam Giác Vàng (tỉnh Bokẹo, Lào).
Bằng chiến thuật “dùng người Việt lừa chính người Việt”, nhiều người tin những lời hứa hẹn "việc nhẹ lương cao" rồi mắc bẫy, sau khi sang khu Tam Giác Vàng thì bị thu hết giấy tờ, cưỡng bức lao động và quản lý chặt chẽ để tiếp tục lừa đảo nhiều nạn nhân người Việt Nam qua mạng.

“Dùng người Việt lừa người Việt”

Đây là đường dây “đặc biệt lớn” và đã được lãnh đạo Bộ Công an Việt Nam và Công an tỉnh Hà Tĩnh chú ý từ lâu. Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long, Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an trực tiếp chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ tham gia đánh án.
Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, ngày 7/8, đơn vị đã chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Cục đối ngoại, Cục quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm mua bán người - Bộ Công an Lào, Tổng cục Cảnh sát Lào, Công an tỉnh Bò Kẹo (Lào), Công an Đặc khu kinh tế Tam giác vàng, Bộ đội Biên phòng Lào, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, Đại diện Cảnh sát Việt Nam tại Lào, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy và các đơn vị nghiệp vụ khác đấu tranh, triệt phá thành công một tổ chức hoạt động lừa đảo trên không gian mạng với quy mô lớn được đặt tại Đặc khu kinh tế Tam giác vàng (tỉnh Bò Kẹo).
© Ảnh : TTXVN - Nguyễn Công TườngHơn 100 cuốn hộ chiếu lực lượng chức năng thu giữ được
Hơn 100 cuốn hộ chiếu lực lượng chức năng thu giữ được  - Sputnik Việt Nam, 1920, 08.08.2024
Hơn 100 cuốn hộ chiếu lực lượng chức năng thu giữ được
Trước đó, qua nắm bắt tình hình, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh phát hiện, cuối năm 2023, các đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại các nước ở khu vực Đông Nam Á như: Campuchia, Philippines, Malaysia, Myanmar… đã dần chuyển địa bàn hoạt động sang Đặc khu kinh tế Tam giác vàng thuộc Lào.
Để tránh bị phát hiện, các đối tượng trong những ổ nhóm lừa đảo này liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, địa điểm hoạt động và không ngừng mở rộng quy mô.

“Mục tiêu của các đối tượng ngoài những nạn nhân ở châu Á, chúng còn phát triển “chiến lược” mới là dùng người Việt lừa người Việt”, theo cơ quan công an.

Vì vậy, chúng ra sức lôi kéo, dụ dỗ những người Việt Nam nhập cảnh trái phép qua Đặc khu kinh tế Tam giác vàng với lời hứa sẽ trả lương hấp dẫn từ 18 triệu đồng đến 30 triệu đồng/tháng. Nhiều công dân Việt Nam nghe theo sang đó thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với người Việt Nam.
Theo Bộ Công an, chỉ trong một thời gian ngắn, các đối tượng lừa đảo đã thiết lập nên một “đế chế” riêng tại khu vực được mệnh danh là “bất khả xâm phạm” do người nước ngoài chủ mưu, cầm đầu.
Quá trình sinh sống và làm việc, các đối tượng phải tập trung tại các khu nhà cao tầng của Đặc khu kinh tế Tam giác vàng. Theo đó, các đối tượng được phát những “kịch bản”, điện thoại và sim điện thoại Lào để lập tài khoản Facebook* giả.
Nguyễn Đình Trung bị bắt vì tình nghi “lạm dụng các quyền tự do dân chủ” - Sputnik Việt Nam, 1920, 07.08.2024
Lý do ông Nguyễn Đình Trung bị bắt
Sau đó, những đối tượng cầm đầu sẽ hướng dẫn thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Kịch bản lừa đảo

Theo tài liệu trinh sát, điều tra, tổ chức hoạt động lừa đảo này hoạt động dưới danh nghĩa là công ty.
Các nhóm hoạt động độc lập, đối tượng quản lý là người nước ngoài còn tổ trưởng sẽ là người Việt Nam.
Các nhân viên người Việt được giao sử dụng tài khoản Facebook* không có thông tin chính chủ, mạo danh là những doanh nhân thành công, giàu có, độc thân.
Đặc biệt, để tạo sự chú ý, các đối tượng cũng thường xuyên đăng tải hình ảnh ăn chơi, du lịch làm cho tài khoản ảo này giống thật để kết bạn, làm quen, tán tỉnh yêu đương tạo lòng tin với những người ở Việt Nam.
“Con mồi” sẽ là những người độc thân, tuổi trung niên nhưng có điều kiện về kinh tế hoặc có nhiều mối quan hệ xã hội.
Thông qua những “kịch bản” đã được soạn sẵn, chuẩn bị thuần thục, kỹ lưỡng và hết sức tinh vi, những đối tượng lừa đảo đã thao túng được tâm lý, dễ dàng tạo nên các mối quan hệ yêu đương trên mạng với “con mồi”.
Cảnh sát Việt Nam chặn một cậu bé điều khiển xe máy vì vi phạm luật lệ giao thông trên phố cổ Hà Nội, Việt Nam. - Sputnik Việt Nam, 1920, 07.08.2024
Đề xuất công an được bố trí tối đa 85% tiền xử phạt giao thông
Sau đó, chúng sẽ lừa bị hại đầu tư kinh doanh khách sạn trên ứng dụng hoặc trang website kinh doanh khách sạn ảo có tên OYO (truy cập tại địa chỉ: https://hotel-oyo.cc) để hưởng phần trăm hoa hồng cao. Từ đó, chúng chiếm đoạt tiền bị hại đã đầu tư vào.
Bộ Công an cho biết, nạn nhân khi bị lừa đã lo ngại, xấu hổ, không dám trình báo với cơ quan chức năng. Ngoài ra, trụ sở của bọn lừa đảo đều được đặt ở nước ngoài, các thông tin giao dịch cũng được chuyển qua nhiều nguồn khác nhau, khó truy vết đích đến nên những đường dây này đã hoạt động cả một thời gian dài, chiếm đoạt tài sản của hàng nghìn người.
Do đó, quá trình điều tra thu thập tài liệu, lực lượng Công an đã gặp rất nhiều khó khăn.
Để đấu tranh với tổ chức lừa đảo quốc tế này, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh đã xác lập chuyên án để tập trung lực lượng, phương tiện điều tra thu thập tài liệu.
Sau khi củng cố đầy đủ tài liệu, chứng cứ, ngày 30/7, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tinh nhuệ phối hợp với lực lượng các cục nghiệp vụ Bộ Công an và Công an nước bạn Lào chuẩn bị lên kế hoạch phá án.

Công an Việt – Lào cùng bắt tay

Trước khi di chuyển quân, Ban chuyên án đã phân công một lực lượng trinh sát chốt chặt tại các sân bay, cửa khẩu để kịp thời “đón lõng”, bắt giữ những đối tượng có thể tẩu thoát về Việt Nam.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với Ban chuyên án lúc này chính là cách thức đột nhập bí mật vào đặc khu kinh tế Tam giác vàng.
Bởi đây là Đặc khu kinh tế có tính chất đặc thù và “luật đặc khu” riêng, muốn vào được phải có giấy tờ tùy thân chứng minh công việc tại đây.
Ma túy - Sputnik Việt Nam, 1920, 27.07.2024
Vư Mua Vừ bị Công an 2 nước Việt – Lào phối hợp bắt giữ
Mặt khác, tại khu vực này có hơn 200 toà nhà, mỗi toà nhà có trung bình từ 20-25 tầng với hàng nghìn người sinh sống và làm việc nên việc xác định chính xác vị trí hoạt động của các đối tượng vô cùng khó khăn.
Hơn nữa, lực lượng bảo vệ được các đối tượng chủ mưu người nước ngoài thuê cắt cử bảo vệ tại mỗi tòa nhà sẵn sàng dùng vũ lực khi phát hiện đối tượng nghi vấn.
Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Công an và cùng với sự hợp đồng tác chiến chặt chẽ của các lực lượng nghiệp vụ của Công an Việt Nam, Công an Lào, rạng sáng 2/8, sau khi xây dựng kế hoạch bài bản, chi tiết, các Tổ công tác của Ban chuyên án đã quyết định xuất kích.
Ban chuyên án đặt mục tiêu là bắt giữ được hết các đối tượng, khẩn trương thu giữ vật chứng và đặc biệt là bảo vệ an toàn cho lực lượng tham gia phá án.
Sau khi đột nhập qua được vòng vây của bảo an, các trinh sát đã tiếp cận được văn phòng làm việc của các đối tượng. Các đối tượng làm việc từ tầng 3 đến tầng 11 của tòa nhà thấy có “động” đã lập tức bỏ chạy tán loạn.
Thậm chí, nhiều đối tượng nhanh chóng tẩu tán, tiêu huỷ các công cụ phạm tội, cố thủ tại phòng sinh hoạt chung, trèo ra các ban công ẩn nấp hoặc trà trộn vào số người nước ngoài đang làm việc cùng tòa nhà.
Sau hơn 4 giờ truy bắt, những đối tượng chủ mưu, cầm đầu cũng như các nhân viên người Việt Nam đã lần lượt bị Công an Việt Nam và Công an Lào khống chế, bắt giữ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith - Sputnik Việt Nam, 1920, 26.07.2024
Không ngừng củng cố và phát triển quan hệ Việt - Lào
Báo cáo sơ bộ cho thấy, lực lượng chức năng đã bắt giữ 155 đối tượng, thu giữ gần 100 cuốn hộ chiếu, 74 viên hồng phiến, 18.900 nhân dân tệ, hàng chục máy tính, gần 500 điện thoại, hàng nghìn sim điện thoại không chính chủ và nhiều công cụ, tài liệu khác dùng để thực hiện hành vi lừa đảo.
Trước đó, lực lượng chức năng cũng đã bắt giữ thành công 6 đối tượng về hành vi mua bán người, giải cứu 36 nạn nhân mới được đưa sang Lào trong tháng 5/2024.
Tại sân bay Nội Bài (Hà Nội), Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng đã bắt giữ thành công Hoàng Bích Ngọc (SN 1994, trú quận Kiến An, TP.Hải Phòng), đối tượng chủ mưu khi vừa bỏ trốn từ Lào về đến Việt Nam.
Đấu tranh khai thác nhanh, một nhân viên tên H.T.H. cho biết, với thủ đoạn được những kẻ cầm đầu hướng dẫn, đối tượng này đã lừa đảo trót lọt hơn 200 người Việt Nam. Trong số các nạn nhân của H., có những người từng bị lừa đến 5 tỷ đồng.
Với doanh số từ 7-11% dựa trên số tiền chiếm đoạt được, trung bình mỗi tháng H. sẽ nhận được tối thiểu từ 8.000-10.000 nhân dân tệ (tương đương với 25 triệu đến 36 triệu tiền Việt Nam).
Đại tá Phạm Thanh Phương - Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Đây là một bộ máy tổ chức lừa đảo chuyên nghiệp, xuyên biên giới, hoạt động trên không gian mạng do người nước ngoài quản lý. Với những phương thức tinh vi, các đối tượng đã lừa chiếm đoạt tài sản của hàng nghìn nạn nhân Việt Nam”.
Hiện chuyên án đang được tiếp tục được đấu tranh mở rộng. Công an tỉnh Hà Tĩnh đã thông báo, những ai là bị hại của đường dây lừa đảo này, hãy liên hệ với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh trình báo để được phối hợp giải quyết.
Nhà tù  - Sputnik Việt Nam, 1920, 07.08.2024
9 năm tù cho kẻ bắt cóc 2 bé gái để quay clip khiêu dâm
Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh, đây là chiến công đặc biệt xuất sắc của Công an Việt Nam và Công an Lào trong công cuộc đấu tranh với tội phạm lừa đảo qua không gian mạng xuyên quốc gia đang hoành hành.
Thành công của chuyên án là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị nghiệp vụ Công an Việt Nam và Công an Lào, góp phần ổn định tình hình chính trị, an ninh trật tự của hai nước.
* Các hoạt động của Meta (mạng xã hội Facebook và Instagram) bị cấm ở Nga vì cực đoan.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала