Ông Tô Lâm: Huế xứng đáng là thành phố trực thuộc trung ương
© Ảnh : TTXVN - Bùi Doãn TấnTổng Bí thư Tô Lâm phát biểu.
© Ảnh : TTXVN - Bùi Doãn Tấn
Đăng ký
Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng Huế xứng đáng là thành phố trực thuộc trung ương, nhưng cần theo từng giai đoạn, trải qua bước quá độ.
Tại buổi thảo luận tổ ở Quốc hội, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh yêu cầu tinh gọn bộ máy, đề nghị Trung ương, các ban của Đảng, Quốc hội, Chính phủ phải gương mẫu đi đầu trong vấn đề này.
Huế xứng đáng lên thành phố trực thuộc trung ương
Sáng ngày 31/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng và việc thành lập TP. Huế trực thuộc trung ương.
Tại buổi thảo luận, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, chủ trương này đã được chuẩn bị từ rất lâu, quan trọng nhất phải đủ về tiêu chí thành phố trực thuộc trung ương.
Theo đó, thành phố trực thuộc trung ương phải có triển vọng phát triển, đầu tư cho thành phố, tức là đầu tư cực tăng trưởng của khu vực; phải nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc biệt, vì là cực tăng trưởng nên thành phố phải đi đầu trong đổi mới sáng tạo, thu chi ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội.
Tổng Bí thư lưu ý, phát triển phải bền vững, hài hòa, "nếu thành phố cứ phát triển vùn vụt còn nông thôn càng khó khăn là không được, rồi người dân cứ ùn ùn đổ về thành phố".
"Cả nước vì Huế, Huế vì cả nước. Tôi thấy Huế xứng đáng. Tuy nhiên, lên thành phố trực thuộc trung ương thì cần một giai đoạn, bước quá độ... Chúng ta hy vọng thời gian đó không quá dài", người đứng đầu Đảng nhấn mạnh.
Trung ương phải đi đầu về tinh gọn bộ máy
Về dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu phải xây dựng cơ chế chính quyền đô thị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không hình thức.
Tổng Bí thư cho hay, kể từ Đại hội 12, Nghị quyết Trung ương đã đánh giá bộ máy Nhà nước cồng kềnh, kém hiệu quả, cần phải tinh gọn. Tuy nhiên cho đến nay, mới tinh gọn từ xã, huyện và ở một số bộ ngành như vụ, cục, tổng cục nhưng chưa làm được ở cấp tỉnh, cấp Trung ương.
"Năm nào, nhiệm kỳ nào cũng nói về tổ chức bộ máy nhưng điều quan trọng nhất cần xem xét là bộ máy có cồng kềnh không", Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ.
Thời gian tới, Trung ương, các ban của Đảng, Quốc hội, Chính phủ phải gương mẫu đi đầu trong vấn đề này. Cần thẳng thắn, mạnh dạn nhìn nhận thẳng vào thực tế bộ máy hiện nay, vẫn còn nhiều bộ ngành quản lý không rõ, lắm lúc chỉ một vấn đề nhưng không biết ai chủ trì giải quyết.
"Bộ máy cồng kềnh sẽ kìm hãm sự phát triển. Nhiều bộ, ngành không rõ chức năng nhiệm vụ, không phân cấp cho địa phương, để xảy ra xin - cho. Đáng lẽ địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm nhưng lại giữ lại. Chỉ cần một ông chuyên viên có ý kiến khác thì toàn bộ hệ thống phải dừng, họp lại đánh giá giải trình. Hết tháng này đến tháng kia bàn bạc mà không giải quyết được", Tổng Bí thư Tô Lâm phân tích.
Theo Tổng Bí thư, không tinh gọn bộ máy thì sẽ không thể phát triển. Ví dụ, hiện nay 70% chi ngân sách để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ cho bộ máy vận hành. Với bộ máy như vậy thì không còn tiền để đầu tư phát triển, thực hiện các dự án lớn, chi cho quốc phòng an ninh, xoá đói giảm nghèo, an sinh xã hội.
Từ đó, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu cần tiếp tục giảm biên chế, giảm chi tiêu thường xuyên, xây dựng bộ máy tinh gọn để dành nguồn lực cho phát triển.
Năng suất lao động có nguy cơ không đạt chỉ tiêu
Ngoài ra, người đứng đầu Đảng cũng lưu ý vấn đề năng suất lao động, nhấn mạnh đây là một trong những chỉ tiêu có nguy cơ không đạt trong nhiệm kỳ này. Theo đó, kinh tế hiện nay có thể phát triển nhưng năng suất lao động thực tế lại đang thấp, thậm chí còn bị sụt giảm so với thời gian trước.
Số liệu thống kê chỉ ra, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam đang giảm dần, thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Trong giai đoạn 2021-2025, ước khoảng 4,8% và giảm so với bình quân giai đoạn trước 2016-2018 là 6,1%.
Như vậy, tốc độ tăng năng suất lao động đang giảm. Trong nhiệm kỳ này, mục tiêu đặt ra là 6,5%, như vậy chỉ còn 1 năm nữa để phấn đấu nhưng hiện mới chỉ đạt chưa được 5%.
Tổng Bí thư cho biết, muốn tăng năng suất lao động phải có tay nghề lao động cao, áp dụng khoa học công nghệ, phải có cách thức quản lý tốt. Nếu muốn phát triển bền vững, phải dựa vào thực tại nền sản xuất đất nước, tự lực, tự cường. Do đó, không còn con đường nào khác là tăng năng suất, mọi người cùng tham gia sản xuất, kinh doanh. Người làm phải nhiều hơn người hưởng thụ.
"Trong kỷ nguyên mới, chúng ta phải bứt tốc để hướng tới mục tiêu đến 2045 là nước phát triển thu nhập cao. Như vậy, quy mô nền kinh tế phải gấp 3 lần, thu nhập bình quân đầu người phải gấp 3 lần hiện tại và nếu không tăng năng suất thì không đạt được", Tổng Bí thư Tô Lâm cảnh báo.