Việt Nam: Bộ máy quá đông, dân không chịu nổi, việc gì cũng phải trình Thủ tướng
© Ảnh : TTXVN - Nguyễn Văn ĐiệpHội thảo về phân quyền, phân cấp trong cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy
© Ảnh : TTXVN - Nguyễn Văn Điệp
Đăng ký
Nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp nêu thực tế ở Việt Nam hiện bộ máy quá đông, dân không chịu nổi, 9-10 người dân "nuôi" một người hưởng lương ngân sách, trong khi ở Trung Quốc là 170, Nga 200, Mỹ 400, Nhật Bản 700.
Ngoài ra, hiện nay, ở Chính phủ hầu hết mọi việc đều phải trình lên Thủ tướng. Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đặt vấn đề, nghỉ Tết bao nhiêu ngày Bộ trưởng cũng báo cáo Thủ tướng, thi môn gì Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo cũng báo cáo Thủ tướng, nghỉ hè thế nào cũng báo cáo Thủ tướng, thế thì Bộ trưởng làm gì?.
Bộ trưởng làm gì khi cái gì cũng phải báo lên Thủ tướng?
Bộ Nội vụ phối hợp với Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học phân quyền, phân cấp trong cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy.
Tại hội thảo, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, phân cấp không phải phân chia theo chiều ngang mà theo chiều dọc. Phân cấp luôn gắn với phân quyền. Nếu phân cấp, phân quyền được thực hiện tốt thì sẽ giúp ích cho việc tinh giản tổ chức và bộ máy.
Ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, bối cảnh hiện nay quan trọng nhất là phân quyền, đặc biệt là quyền ban hành chính sách; quyền tổ chức về cán bộ; quyền tài chính - ngân sách; phân quyền về tổ chức điều hành.
Đồng tình với quan điểm tăng cường phân quyền gắn với trách nhiệm, quyền càng cao, trách nhiệm càng lớn, ông Hiển lưu ý phải kiểm soát quyền lực, mà quan trọng nhất là tự kiểm soát. Đây là “sức đề kháng”, là mắt xích yếu nhất.
Theo nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận, hiện nay mọi việc hầu như đều dồn lên Thủ tướng. Bộ trưởng hoạch định chính sách nhưng cũng cứ đẩy việc lên Thủ tướng, trong khi đó Bộ trưởng quản lý ngành, lĩnh vực thì phải là quyền của họ.
“Ngày xưa khi làm Hiến pháp năm 1992 và Luật Tổ chức Chính phủ, chúng ta còn phân định Chính phủ có 9 nội dung phải thảo luận tập thể quyết định theo đa số. Còn lại là quyền của Bộ trưởng. Hiến pháp quy định Bộ trưởng ban hành văn bản và quản lý theo ngành, lĩnh vực và có giá trị trên thực tế”, ông Thuận phân tích.
“Lính” bộ này không nghe “sếp” bộ khác
Theo ông Nguyễn Văn Thuận, trên thực tế hiện có tình trạng nếu không có thông tư liên tịch là "quân lính" của các bộ khác không thực hiện.
“Lúc anh Vũ Văn Ninh làm Bộ trưởng Tài chính, tôi nêu ý kiến phản đối thông tư liên tịch của các anh ấy. Anh Ninh bảo, nói thật với bác, nếu không có thông tư liên tịch liên quan đến tài chính, không có chữ ký của Bộ Tài chính, là quân em không thực hiện”, ông Thuận dẫn chứng.
Từ đó, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nhận định, “cán bộ của chúng ta chỉ chấp hành lệnh của thủ trưởng mình, mà không chấp hành lệnh của Bộ trưởng khác”.
“Bây giờ có tình trạng nghỉ Tết bao nhiêu ngày Bộ trưởng cũng báo cáo Thủ tướng, thi môn gì Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo cũng báo cáo Thủ tướng, nghỉ hè thế nào cũng báo cáo Thủ tướng, thế Bộ trưởng làm gì?”, ông Thuận đặt câu hỏi.
Về vấn đề phân quyền giữa Trung ương và địa phương, ông Thuận chỉ ra 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là Trung ương quản lý hoàn toàn. Nhóm thứ hai là vừa trung ương, vừa địa phương đều quản lý. Nhóm thứ ba do địa phương quản lý.
Ông Thuận lấy ví dụ như quốc phòng, ngoại giao và an ninh là Trung ương dứt khoát phải quản lý. Ngoài ra, Trung ương vẫn phải quản về đất đai, tài nguyên, môi trường, khoáng sản.
“Ngày xưa quản rất chặt về đất nông nghiệp, phải xin ý kiến Chính phủ, sau này chúng ta thả cho địa phương nên hàng loạt người vào tù là vì thế”, ông Nguyễn Văn Thuận cảnh báo.
Với nhóm vừa Trung ương vừa địa phương quản, trước đây có lĩnh vực giáo dục, cấp đại học là Trung ương quản lý, địa phương chỉ quản lý từ cấp 1, 2, 3. Hiện nay tỉnh nào cũng có đại học, ngành nào cũng có đại học.
“Những câu chuyện đó phải phân từng cái một chứ không thể cái gì cũng là Bộ trưởng nghiên cứu trình Thủ tướng quyết định”, ông Thuận cho hay.
‘Bộ máy quá đông, dân không chịu nổi’
Nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp nêu vấn đề, ở Việt Nam hiện nay, bộ máy quá đông, dân không chịu nổi.
Ông nhấn mạnh, ở Việt Nam 9-10 người dân "nuôi" một người hưởng lương ngân sách, trong khi ở Trung Quốc là 170, Nga 200, Mỹ 400, Nhật Bản 700, do đó, nhiệm vụ tinh gọn hiện nay là rất gấp rút.
Nguyên Bộ trưởng đề xuất, cần giảm sự vụ cho cấp Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng. Cấp trên không nên ôm việc mà nên tăng thẩm quyền cho cấp dưới để đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ và đảm bảo rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm.
Ở đây cần chú ý 5 nguyên tắc phân cấp. Trước hết là thông tin tập trung ở cấp nào thì ưu tiên cho cấp đó ra quyết định. Việc này giúp "tránh tình trạng người hiểu, nắm đầy đủ thông tin, ngồi phân tích, báo cáo cho một người không hiểu gì ra quyết định".
“Cấp nào chịu trách nhiệm trực tiếp, hiểu cán bộ và gần cán bộ nhất thì cấp đó ra quyết định; việc phân cấp dựa trên đánh giá về đạo đức, năng lực, tín nhiệm của cán bộ và phải phù hợp với tài chính, biên chế và cán bộ”, nguyên Bộ trưởng đề xuất và lưu ý, trong các nguyên tắc, quan trọng nhất là con người.
Ông dẫn chứng, thời còn đương chức, việc chậm trễ trong xử lý công việc do lãnh đạo, không phải chuyên viên. Người đứng đầu đó phải nắm, hiểu rõ, dự đoán được công việc và thời gian, rồi phân quyền.
“Nếu cán bộ cấp trên không chuẩn chỉnh, cấp dưới không mất việc, không mất chức cũng chẳng yên thân”, ông Hợp kể.
Cũng có chung quan điểm, ông Cao Đức Phát, nguyên Phó Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, vấn đề lớn đầu tiên là phân cấp giữa Nhà nước và thị trường. Có chỗ Nhà nước làm thay thị trường nên kém hiệu quả và tham nhũng.
“Ví dụ thuế đất theo quy định về dân sự đã giao cho người này một miếng, người kia một miếng nhưng muốn trao đổi với nhau thì phải đến xin phép, khi giao đất lại làm thủ tục chuyển tên, rất nhiều loại thủ tục, tự mình đẻ ra việc”, ông Phát nói.
Tiếp đó, với phân cấp giữa Nhà nước và nhân dân, những gì để cho người dân làm thì thực hiện các thể chế dân chủ, chứ Nhà nước không nên ôm hết. Cuối cùng, phân cấp thứ 3 là trong nội bộ từng cấp.
“Giữa Chính phủ và các Bộ, tại sao Bộ trưởng cứ đưa mọi thứ lên Thủ tướng. Bởi vì, nếu Bộ trưởng ký một quyết định về chiến lược nào đó thì không đi theo tiền và nhân lực để làm”, ông Phát cho biết.
Theo ông, Bộ trưởng ký mà không có tiền để làm nên cứ phải đưa lên Thủ tướng ký thì mới giao trách nhiệm cho các bộ. Chẳng hạn, Bộ Tài chính lo tiền, Bộ Kế hoạch & Đầu tư phải đảm bảo nguồn lực… thì lúc đó mới có hiệu lực.
“Tôi làm Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, có dịch xảy ra cần vắc xin dập dịch, khi dịch lan ra thì Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chịu trách nhiệm nhưng vắc xin lại nằm trong quỹ dự trữ quốc gia do Bộ Tài chính quản lý. Tôi phải làm thủ tục đi qua nhiều tầng nấc để xin vắc xin, 2 - 3 tuần sau vắc xin về thì dịch đã lan rộng ra”, nguyên Bộ trưởng chia sẻ kinh nghiệm.
Ngoài ra, ông Cao Đức Phát cũng nêu vướng mắc, theo quy định thì Bộ trưởng không được chi quá 1 tỷ. Thế nhưng trên thực tế, nhiều việc lặt vặt vài trăm triệu nhưng vẫn phải làm thủ tục "xin" Bộ trưởng Tài chính.
Ngoài ra, một vấn đề nhức nhối khác là phân quyền giữa các bộ hiện nay còn chồng chéo nhau.
“Một con bò sữa thôi 3 bộ quản lý. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý con bò, Bộ Công Thương quản lý chế biến và giá, Bộ Y tế quản lý thức ăn (sữa bò) nhưng cuối cùng vẫn có vấn đề xảy ra”, ông Cao Đức Phát nói thẳng.