Mười hai thành viên của Hội đồng Bảo an đã bỏ phiếu ủng hộ. Hai nước bỏ phiếu trắng là Thụy Sĩ và Anh.
Palestine có quy chế quan sát viên tại Liên Hợp Quốc, còn Israel là thành viên chính thức của tổ chức này từ năm 1948.
Dự thảo nghị quyết do Algeria thay mặt các quốc gia Ả Rập chuẩn bị nêu rõ: “Hội đồng Bảo an sau khi xem xét đơn xin gia nhập Liên hợp quốc của Nhà nước Palestine, khuyến nghị lên Đại hội đồng về việc kết nạp Nhà nước Palestine làm thành viên của Liên hợp quốc".
Nếu khuyến nghị này được Hội đồng Bảo an chấp thuận, nó sẽ được gửi lên Đại hội đồng xem xét. Việc chấp nhận một quốc gia mới vào Liên hợp quốc sẽ cần phải có hai phần ba số phiếu ủng hộ của các thành viên Hội đồng.
Như Đại diện thường trực LB Nga Vasily Nebenzya phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an, bằng việc bỏ phiếu phản đối việc kết nạp Palestine vào Liên hợp quốc Hoa Kỳ đã cho thấy thái độ thực sự của mình đối với người Palestine.
“Bằng cách sử dụng quyền phủ quyết lần thứ năm kể từ khi tình hình trở nên trầm trọng hơn ở Gaza, Hoa Kỳ lại một lần nữa thể hiện thái độ thực sự của mình đối với người Palestine. Đối với Washington, những người này không xứng đáng có được nhà nước của riêng mình. Họ chỉ là trở ngại cho việc hiện thực hóa các lợi ích của Israel”, - Đại diện Nga nói thêm.
Đồng thời, ông Nebenzya lưu ý rằng Washington gần như bị cô lập hoàn toàn.
Còn Ngoại trưởng Israel Israel Katz cảm ơn các nước đã phủ quyết “đề xuất đáng xấu hổ” là chấp nhận Palestine vào Liên hợp quốc sau cuộc tấn công của Hamas vào nhà nước Do Thái 6 tháng.
Quan sát viên Palestine tại LHQ Riyad Mansour tuyên bố sẽ không lùi bước để giành quyền tự trị, bất chấp lập trường của Mỹ.
"Việc nghị quyết này không được thông qua không thể khuất phục được ý chí của chúng tôi và không phá vỡ được khát vọng của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không lùi bước trong những nỗ lực của mình. Nhà nước Palestine là tất yếu, đó là một sự thật", - nhà ngoại giao nói.
Trước đó, tờ Intercept trích dẫn các bức thư ngoại giao của Mỹ mà họ khai thác được đưa ra ý kiến rằng Mỹ gây áp lực cho các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ để bác bỏ nghị quyết về tư cách thành viên của người Palestine trong tổ chức này và như vậy Washington lẽ ra đã không phải sử dụng quyền phủ quyết như vừa rồi. Một trong những bức thư đó cho biết người đứng đầu Bộ Ngoại giao Ecuador theo yêu cầu của Mỹ đã chỉ thị cho đại diện thường trực của nước này tại Liên hợp quốc gây sức ép với Nhật Bản, Hàn Quốc, Malta (các thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an) và Pháp để từ chối khuyến nghị chấp thuận cho người Palestine trở thành thành viên của Liên hợp quốc.