Hà Nội mong đợi gì từ Bắc Kinh và Washington?
“Thứ nhất, Việt Nam rất coi trọng quan hệ liên đảng, coi đây là kim chỉ nam chiến lược cho việc phát triển quan hệ giữa hai nước. Thứ hai, ông Tô Lâm muốn tái khẳng định rằng, ông sẽ tiếp tục kế thừa di sản ngoại giao cấp cao của người tiền nhiệm với ông Tập Cận Bình. Đáng chú ý, ông Tô Lâm đến thăm Trung Quốc với tư cách kép là tổng bí thư và chủ tịch nước, nghĩa là ông ở vị trí hoàn toàn tương đương với ông Tập Cận Bình. Đây là lần đầu tiên kể từ Hồ Chí Minh một nhà lãnh đạo Việt Nam đến thăm Trung Quốc với cả hai cương vị này. Thứ ba, chuyến công du này cho thấy rõ Việt Nam nhất quán trong việc phát triển quan hệ với Trung Quốc, coi đây là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình”.
“Đảng Cộng sản Việt Nam dù có người lãnh đạo nào cũng sẽ tiếp tục coi giá trị đích thực là sự độc lập, tự chủ của Việt Nam trong sự cạnh tranh với các nước lớn. Đây luôn là nền tảng trong chiến lược của Việt Nam. Điều này có nghĩa là Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường mối quan hệ với Hoa Kỳ, đồng thời cố gắng thiết lập mối quan hệ ổn định và hiệu quả với Bắc Kinh nếu có thể”, tác giả báo cáo rút ra kết luận này và lưu ý rằng, vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong nền kinh tế khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khiến nước này trở thành một đối tác quan trọng đối với Hoa Kỳ, và nếu Donald Trump đắc cử nhiệm kỳ thứ hai thì ông khó có thể đảo ngược xu hướng hợp tác kinh tế gia tăng, nhưng chắc chắn chính quyền Trump có thể làm chậm tốc độ phát triển quan hệ song phương.