“Đây không phải là lần đầu tiên Nga bị cáo buộc can thiệp vào bầu cử Mỹ. Tất nhiên, điều này là vô nghĩa. Chúng tôi không can thiệp”, ông Peskov nói khi trả lời câu hỏi của Washington Post.
Ngày 4/9, Bộ Tài chính Mỹ thông báo áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với bà Margarita Simonyan, tổng biên tập tập đoàn truyền thông Rossiya Segodnya và kênh truyền hình RT, cũng như các cấp phó của bà Anton Anisimov và Elizaveta Brodskaya. Ngoài họ, người đứng đầu đài truyền hình RT Andrei Kiyashko, người đứng đầu bộ phận dự án truyền thông kỹ thuật số Konstantin Kalashnikov và một số nhân viên khác của kênh truyền hình cũng bị đưa vào danh sách đen.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã thắt chặt điều kiện làm việc của tập đoàn truyền thông Rossiya Segodnya và các công ty con của nó, xác định tư cách là “cơ quan đại diện nước ngoài”. Theo yêu cầu của Đạo luật Phái bộ Nước ngoài, họ sẽ phải thông báo cho cơ Bộ Ngoại giao Mỹ về nhân sự và tài sản tại Mỹ.
Chính quyền Mỹ cũng công bố chính sách mới hạn chế cấp thị thực cho các cá nhân được cho là đại diện cho các cơ quan truyền thông "được Điện Kremlin hậu thuẫn". Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối tiết lộ cụ thể ai bị ảnh hưởng bởi các hạn chế về thị thực. Bình luận về các biện pháp trừng phạt mới, đại diện chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, chúng không nhằm vào cá nhân các nhà báo Nga mà nhằm vào các nhân viên của các tổ chức bị hạn chế “tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp”.
Cùng với điều đó, chính quyền Mỹ đã buộc tội ông Konstantin Kalashnikov và một nhân viên RT khác, bà Elena Afanasyeva, về tội âm mưu rửa tiền và vi phạm Đạo luật đăng ký đại lý nước ngoài (FARA).