Tuy nhiên, lãnh đạo Đèo Cả cũng thẳng thắn lưu ý về một số hạn chế khi nhà thầu Trung Quốc tham gia thực hiện một số dự án metro, đường sắt đô thị tại Việt Nam trong giai đoạn trước và nhấn mạnh “luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc” lên hàng đầu.
Đèo Cả muốn bắt tay với ông lớn Trung Quốc
Đại diện tậpđoàn Đèo Cả và tập đoàn Đầu tư tài chính quốc gia Trung Quốc vừa gặp nhau tại Hà Nội để bàn thảo, xúc tiến hợp tác làm các dự án thành phần thuộc dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Cuộc gặp diễn ra hôm 20/9 ở Hà Nội. Xác nhận với báo Tuổi Trẻ ngày 23/9, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết hai bên đang tìm hiểu những cơ hội có thể hợp tác.
Phía Tập đoàn Đầu tư tài chính quốc gia Trung Quốc có thế mạnh về tài chính nên sẽ hỗ trợ tập đoàn Đèo Cả tham gia vào các liên danh nhà đầu tư để đấu thầu các dự án thành phần trên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Trong khi đó, phía tập đoàn Đèo Cả sẽ đóng góp vào liên danh nhân lực, máy móc thi công, làm việc với các ban ngành phía Việt Nam.
Tại cuộc gặp, ông Hồ Minh Hoàng - chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, đã nhấn mạnh xu hướng phát triển giao thông đường sắt và các mục tiêu của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng một mạng lưới hạ tầng đường sắt đồng bộ.
Trong đó, Đèo Cả đang tích cực nghiên cứu và đầu tư vào hạ tầng đường sắt, đặc biệt là các dự án metro và đường sắt đô thị để kết nối các địa phương Đông Nam Bộ.
“Chúng tôi không chỉ quan tâm đến dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, mà còn đang xem xét việc đầu tư vào các dự án metro nội đô. Đường sắt đô thị là một lĩnh vực mới tại Việt Nam với nhiều triển vọng, và chúng tôi rất mong muốn hợp tác với các đối tác Trung Quốc trong lĩnh vực này”, lãnh đạo Đèo Cả nêu rõ.
Về phía đối tác Trung Quốc, ôngTrương Hướng Dương, chủ tịch Tập đoàn Đầu tư tài chính quốc gia Trung Quốc, bày tỏ quan tâm đến dự án đầu tư phát triển đường sắt cao tốc tại Việt Nam.
Ông Trương nêu, tập đoàn Đầu tư tài chính quốc gia Trung Quốc có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với 4 công ty xây dựng đường sắt cao tốc lớn nhất Trung Quốc, với kinh nghiệm thực hiện khoảng 40.000km đường sắt cao tốc và có doanh thu lên tới 150 tỉ USD tại các thị trường nước ngoài.
Do đó, phía tập đoàn Đầu tư tài chính quốc gia Trung Quốc sẵn sàng kết nối tập đoàn Đèo Cả với các công ty này.
“Chúng tôi mong muốn kết nối với các doanh nghiệp có kinh nghiệm và nguồn lực mạnh như Đèo Cả để cùng đóng góp vào hoạt động đầu tư, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam. Tập đoàn Đèo Cả là đơn vị đủ năng lực đáp ứng nhu cầu của chúng tôi”, ông Trương Hướng Dương tin tưởng.
Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu
Đáng chú ý, tại cuộc gặp, nhà thầu xây dựng Việt Nam đã thẳng thắn nêu quan điểm với đối tác Trung Quốc.
Đánh giá cao việc doanh nghiệp Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm triển khai các dự án đường sắt cao tốc, nhưng ông Hồ Minh Hoàng cũng nhắc về những hạn chế khi nhà thầu Trung Quốc tham gia thực hiện một số dự án metro, đường sắt đô thị tại Việt Nam trong giai đoạn trước.
“Chúng tôi đặt lợi ích quốc gia, dân tộc và tập đoàn Đèo Cả lên trên hết và không để những nhóm lợi ích chi phối hoạt động hợp tác”, Chủ tịch Đèo Cả nhấn mạnh.
Cũng tại buổi làm việc, hai tập đoàn cũng lên kế hoạch gặp gỡ vào tháng 10/2024 tại Trung Quốc.
Tập đoàn Đèo Cả mong muốn qua chuyến đi này phía tập đoàn Đầu tư tài chính quốc gia Trung Quốc sẽ kết nối tập đoàn Đèo Cả với các đơn vị đầu tư tài chính, tư vấn hạ tầng giao thông uy tín và các nhà thầu đường sắt cao tốc của Trung Quốc.
Liên quan tới đầu tư các dự án đường sắt, vào tháng 8/2023 tập đoàn Đèo Cả đã đề xuất Bộ Giao thông vận tải cho tham gia đầu tư tuyến đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng theo phương thức đầu tư hợp tác đối tác công tư (PPP).
Việt Nam nhất trí cao về chủ trương làm đường sắt tốc độ cao
Tập đoàn Đèo Cả là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông tại Việt Nam với quy mô hơn 8.000 lao động.
Năng lực và uy tín của tập đoàn Đèo Cả được khẳng định thông qua nhiều công trình trọng điểm quốc gia đã và đang triển khai từ Bắc vào Nam.
Trong gần 1 thập kỷ, đơn vị này đã xây dựng hơn 30km hầm đường bộ, 410km đường cao tốc & quốc lộ, 6 cây cầu lớn và tổ chức quản lý 18 trạm thu phí trên cả nước, với tổng mức đầu tư lên trên 100.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, tập đoàn Đầu tư Tài chính Quốc gia Trung Quốc là doanh nghiệp uy tín tại Trung Quốc trong các lĩnh vực chính đầu tư tài chính, xây dựng hạ tầng giao thông, bất động sản, năng lượng tái tạo…
Với năng lực và nhiều năm kinh nghiệm thực hiện các dự án trong nước, hiện nay, tập đoàn Đầu tư Tài chính Quốc gia Trung Quốc đã và đang tiếp tục mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế ở nhiều quốc gia.
Như đã thông tin, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam của Việt Nam có tổng chiều dài 1.541km, được đề xuất đầu tư 60-70 tỷ USD, với cấu trúc đường đôi, khổ tiêu chuẩn 1.435mm, sử dụng điện khí hóa, và hạ tầng được thiết kế cho tốc độ tối đa lên đến 350km/h.
Vừa qua, tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, xác định đây là nhiệm vụ chính trị và ưu tiên nguồn lực đầu tư thực hiện sớm.
Mục tiêu chung xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng về đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải trong Chiến lược phát triển đất nước theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và triển khai các quy hoạch quốc gia.
Tiếp đó, các cấp lãnh đạo Việt Nam nhận định, đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan toả, mở ra không gian phát triển kinh tế mới, tái cấu trúc các đô thị, phân bố dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Bộ Chính trị tin tưởng, công trình sẽ bảo đảm nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam, là hành lang vận tải lớn nhất cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu thị phần vận tải phù hợp lợi thế từng phương thức, góp phần giảm chi phí logistics.
Cùng với đó, đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ tạo tiền đề, động lực phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ.
Theo Bộ Chính trị, đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cũng là phát triển phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Bộ Chính trị thống nhất xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trước khi Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.