Những trang sử vàng

Liên Xô và Việt Nam: tài liệu giải mật về thời chiến

Những bài mạn đàm trước đây trong loạt bài “Những trang sử vàng” đã nói về sự hỗ trợ của Liên Xô cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống Mỹ xâm lược. Và tập tài liệu có tựa đề “Liên Xô và Việt Nam trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai” do Nhà xuất bản Bách khoa Chính trị Matxcơva phát hành gần đây được dành cho cùng chủ đề.
Sputnik
Cuốn sách này là một phần trong kế hoạch hoạt động chung của Kho lưu trữ Quốc gia Liên bang Nga và Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Việt Nam.
Cuốn sách dày 800 trang, bao gồm các nghị quyết của Đoàn Chủ tịch/Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (CPSU), hồ sơ các cuộc đối thoại giữa các nhà lãnh đạo Liên Xô và các nhà lãnh đạo Việt Nam DCCH, hồ sơ các cuộc đối thoại của các nhà ngoại giao Liên Xô với các nhà lãnh đạo và nhà ngoại giao của Việt Nam DCCH, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Hoa Kỳ. Cũng như các tài liệu khác phản ánh diễn biến chiến lược đối ngoại của Liên Xô trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai trong bối cảnh quan hệ Xô-Việt, Xô-Trung và Xô-Mỹ.
Những trang sử vàng
Chuyên gia quân sự Liên Xô ở Việt Nam DCCH: kiến thức và kinh nghiệm góp phần làm nên chiến thắng
Trong lời nói đầu của bộ sưu tập, một thành viên ban biên tập - Viện sĩ Vitaly Naumkin, Giám đốc khoa học của Viện Đông phương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, lưu ý rằng, cho đến gần đây các chuyên gia về vấn đề này bị tước đi cơ hội làm việc với một khối lượng lớn các nguồn sơ cấp. Rốt cuộc, số lượng tài liệu được phát hành không quá lớn, và ngay cả những nhà nghiên cứu vào được kho lưu trữ để làm việc cũng thất vọng vì không thể tiếp cận một khối lượng lớn tài liệu chưa được giải mật.

Những tài liệu độc đáo được đưa vào lưu hành khoa học

Viện sĩ Naumkin nhấn mạnh, "bộ sưu tập mới bao gồm các tài liệu độc đáo, hầu hết mới được đưa vào lưu hành khoa học, được các nhà biên soạn lựa chọn cẩn thận trong quá trình làm việc tỉ mỉ với khối lượng tài liệu khổng lồ trong kho lưu trữ. Các nhà biên soạn dồn sự chú ý vào thành phần chính của Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai - cuộc chiến ở Việt Nam. Các tài liệu trong bộ sưu tập tiết lộ lịch sử của một trong những sự kiện quan trọng nhất của thế kỷ trước, có tác động to lớn đến toàn bộ hệ thống quan hệ quốc tế và chính trị thế giới. Những tài liệu này cũng phản ánh các sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử chính sách đối ngoại của Liên Xô hồi đó. Các tài liệu trong bộ sưu tập cho thấy tình trạng quan hệ Xô-Mỹ đã ảnh hưởng như thế nào đến diễn biến của cuộc chiến. Trong cuốn sách này có một số tài liệu quan trọng được dịch sang tiếng Nga do các đồng nghiệp Việt Nam cung cấp, các tài liệu này bổ sung cho bức tranh tổng thể. Chúng tôi đã xuất phát từ nhận thức rằng, việc lựa chọn tài liệu nên giúp người nghiên cứu hiểu được những yếu tố nào đã làm nên chiến thắng anh dũng của những người yêu nước Việt Nam trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai và dẫn đến sự thất bại của cuộc can thiệp quân sự của Mỹ, mà tổn thương đau đớn về nó vẫn còn trong ký ức của người Mỹ".

Những trang sử vàng
Chiến tranh tên lửa và chiến tranh nhân dân

Điểm khởi đầu – năm 1959

Nhóm biên soạn đã quyết định lấy năm 1959 làm điểm khởi đầu cho cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, khi đó Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định chuyển sang khởi nghĩa vũ trang và ủng hộ những người yêu nước miền Nam Việt Nam.

Viện sĩ Naumkin cho biết, "khi lựa chọn tài liệu, mục tiêu chính là cho thấy vai trò và chức năng của một số cơ quan đảng và nhà nước cấp trên, các cơ quan dân sự và quân sự của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên Xô, cũng như của CHND Trung Hoa và CHDCND Triều Tiên, và trong phạm vi rất hạn chế vai trò của một số nước xã hội chủ nghĩa khác. Các nhà biên soạn đặc biệt chú ý đến vai trò của các cá nhân trong ban lãnh đạo đảng và nhà nước cao nhất của Liên Xô, bao gồm cả những người đã ở trong bóng tối trong một thời gian dài. Về mặt này, A.N. Kosygin, người đã có nhiều đóng góp trong việc thực hiện chính sách đối ngoại của Liên Xô theo hướng châu Á, đáng được tôn trọng. Các tài liệu của Đoàn Chủ tịch/Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương CPSU với tư cách là trung tâm đưa ra các quyết định quan trọng nhất và các báo cáo của lãnh đạo các phái đoàn Liên Xô tới các nước trong khu vực chiếm một vị trí đặc biệt trong bộ sưu tập. Các tài liệu này thể hiện cả yếu tố liên tục cũng như những khác biệt trong chính sách của Liên Xô đối với Việt Nam dưới nhiệm kỳ của N.S. Khrushchev, sau đó là nhiệm kỳ L.I. Brezhnev".

"Chúng tôi đã đưa vào bộ sưu tập các tài liệu mà theo quan điểm của các nhà biên soạn vẽ nên một bức tranh chi tiết về động lực phát triển cuộc xung đột ở Đông Dương, có tính đến quan điểm đang thay đổi của tất cả các bên. Chúng tôi đã thông qua quyết định không đưa vào cuốn sách này những ghi chú chi tiết, điều này sẽ gây quá tải cho việc xuất bản và chắc chắn sẽ dẫn đến việc giảm số lượng tài liệu và có lẽ dẫn đến cáo buộc thiên vị. Các nhà biên soạn đã tìm cách công bố số lượng tài liệu tối đa có thể, giúp người đọc có cơ hội tự đánh giá chúng và hiểu bản chất của các sự kiện được phản ánh trong đó".

Những trang sử vàng
Lãnh đạo đảng CS Liên Xô tiếc và trách gì trong thư riêng gửi Tổng Bí thư đảng Lao động Việt Nam?

Cách tiếp cận mới

Việc tạo nên bộ sưu tập không chỉ cho phép chứng minh tầm quan trọng của sự hỗ trợ đa dạng mà Liên Xô đã cung cấp cho những người yêu nước Việt Nam. Tất nhiên, sự hỗ trợ là rất quan trọng, nhưng không làm cạn kiệt chủ đề, - ông Piotr Skorospelov, Giám đốc Viện Lưu trữ lịch sử chính trị-xã hội quốc gia Nga (RGASPI) - tổ chức mẹ chuẩn bị bộ sưu tập, cho biết trong cuộc phỏng vấn với Sputnik.

"Trong quá trình làm việc, các nhà biên soạn có thể theo dõi vai trò và địa điểm tương tác của Liên Xô theo hướng Việt Nam với các đồng minh – nước Việt Nam DCCH, nước CHND Trung Hoa và CHDCND Triều Tiên. Các tài liệu trong bộ sưu tập chứng minh luận điểm ngày càng phổ biến rằng, trên thực tế, đây là một liên minh bốn bên của các quốc gia này. Nhìn chung, liên minh này đã hoạt động thành công bất chấp những bất đồng gay gắt giữa ban lãnh đạo CPSU và CPC về những vấn đề khác. Hơn nữa, chúng tôi cho rằng, sự hợp tác bốn bên đã hình thành trong thời kỳ trước đó - ngay từ năm 1950-1954, trong Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Đông dương lần thứ nhất. Cơ quan lưu trữ hợp tác với Viện Nghiên cứu Phương Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Nga dự định công bố một báo cáo riêng về chủ đề này".

Những trang sử vàng
Chuyên gia quân sự Liên Xô ở Việt Nam DCCH: những điều kỳ lạ của tình anh em chiến đấu

Bộ sưu tập thứ hai, nhưng không phải là cuối cùng

Ông Andrei Sorokin, giám đốc khoa học của RGASPI, nói với Sputnik rằng, bộ sưu tập này tiếp nối các công việc đã bắt đầu vào năm 2017 khi các chuyên gia bắt đầu chuẩn bị để xuất bản tại Matxcơva bộ sưu tập tài liệu dài 750 trang “Liên Xô và Việt Nam trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất - Hội nghị Genève năm 1954”. Năm 2018, nhờ sự hỗ trợ của phía Việt Nam, bản tiếng Việt của cuốn sách đó đã được xuất bản tại Hà Nội.
"Chúng tôi hy vọng rằng, bộ sưu tập mới sẽ sớm được xuất bản bằng tiếng Việt. Một số tài liệu lưu trữ đã được giải mật đặc biệt dành cho độc giả Việt Nam. Ví dụ, trong số đó có những đoạn trích từ biên bản các cuộc họp của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương CPSU":
“Về kết quả chuyến đi của phái đoàn Liên Xô do A.N. Kosygin dẫn đầu tới nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, CHDCND Triều Tiên và về cuộc hội đàm ở Bắc Kinh với các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc” ngày 4/3/1965;
“Về việc cung cấp sự hỗ trợ đặc biệt cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” ngày 6/3/1965;
“Chỉ thị cho đại sứ Liên Xô tại CHND Trung Hoa về cách đáp trả lời tuyên bố của phía Trung Quốc về vấn đề hỗ trợ đặc biệt cho nước Việt Nam DCCH và chỉ thị cho đại sứ Liên Xô tại Việt Nam DCCH về việc cung cấp thông tin cho những người bạn Việt Nam về phản ứng của chúng tôi với lời tuyên bố của Bắc Kinh” ngày 20 tháng 3, 1965.

"Trong bộ sưu tập còn có những tài liệu đã được giải mật từ lâu, ví dụ, các nghị quyết của Đoàn Chủ tịch/Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương CPSU, biên bản các cuộc hội đàm của các nhà lãnh đạo Liên Xô - N.S. Khrushchev, L.I. Brezhnev, N.V. Podgorny, A.N. Kosygin với Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng. Cũng như các đoạn ghi âm cuộc đàm phán của Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô A.A. Gromyko và Đại sứ Liên Xô tại Hoa Kỳ A.F. Dobrynin với Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon, cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Dean Rusk. Việc đưa các tài liệu này vào lưu hành khoa học một cách chậm chạp được giải thích là do chúng nằm rải rác trong các bộ sưu tập khác nhau tại các cơ quan lưu trữ khác nhau và điều này làm phức tạp đáng kể quá trình xác định chúng. Bộ sưu tập mới bao gồm 137 tài liệu, trong đó có 123 tài liệu lần đầu tiên được đưa vào lưu hành khoa học".

Những trang sử vàng
Ký ức sống mãi về những năm phục vụ ở Việt Nam

Triển vọng hợp tác to lớn giữa các chuyên gia làm công tác văn thư lưu trữ của hai nước

Như lãnh đạo RGASPI nhấn mạnh, các chuyên gia Nga đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả với các đồng nghiệp Việt Nam không chỉ trong quá trình tạo ra hai bộ sưu tập được nêu tên mà còn tin tưởng vào việc phát triển hợp tác. Có chú ý đến tầm quan trọng của các giai đoạn lịch sử trong mối quan hệ giữa hai nước chúng ta được phản ánh trong hai bộ sưu tập, các chuyên gia Nga làm công tác văn thư lưu trữ hy vọng rằng, trong tương lai gần, toàn bộ mảng tài liệu lưu trữ được xác định trong quá trình làm việc sẽ được xuất bản dưới hình thức này hay hình thức khác. Các chuyên gia đang xem xét nhiều hình thức tiếp tục dự án này, bao gồm cả xuất bản điện tử, vì còn có một lượng lớn tài liệu “ở ngoài” hai bộ sưu tập.
Thảo luận