Sputnik mô tả sự khác biệt chính giữa hai loại vũ khí hoàn toàn khác nhau này:
Tên lửa đạn đạo
Được khởi động bằng động cơ tên lửa (đơn lẻ hoặc một số động cơ, hoạt động “từng bước”, từng giai đoạn) để đưa tên lửa đạn đạo tới quỹ đạo bay cần thiết. Tên lửa đạn đạo lên cao hàng chục km vào bầu khí quyển, trên đường bay loại bỏ các động cơ và tên lửa đẩy đã qua sử dụng («các kỳ», «các giai đoạn» đã hoàn thành chức năng). Những tên lửa đạn đạo cỡ lớn thường vượt ra ngoài bầu khí quyển, sau đó “trọng tải có ích” (tức là phần “đầu đạn”) của chúng tách ra và bắt đầu lao trở lại Trái đất để tới mục tiêu, di chuyển theo hình vòng cung (gọi là “quỹ đạo đạn đạo”).
Chuyến bay của tên lửa đạn đạo thường có ba giai đoạn. Giai đoạn 1 - lên cao và tăng tốc (nhờ động cơ đẩy), giai đoạn 2 - “trung kỳ”, khi động cơ tên lửa ngừng hoạt động còn “trọng tải có ích” bắt đầu di chuyển theo quán tính, thông thường là tiếp tục lên cao hơn. Giai đoạn 3 là cuối cùng, trong thời gian đó “trọng tải có ích” tức là phần đầu đạn bắt đầu hành trình bay tới mục tiêu.
Hàng loạt tên lửa đạn đạo còn có thêm giai đoạn bay thứ 4, bắt đầu sau giai đoạn tăng tốc. Trong giai đoạn này, phần chiến đấu phân chia thành nhiều đầu đạn độc lập có hướng dẫn (MIRV), đưa những thay đổi vào quỹ đạo của nó, cũng như phóng ra mồi nhử nhằm “gây nhầm lẫn” và “làm quá tải” cho hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.
Một số tên lửa đạn đạo có thể thay đổi quỹ đạo trong phạm vi thời gian mà nguồn cung cấp nhiên liệu đẩy cho phép. Tuy nhiên, phổ biến hơn vẫn chính là khả năng cơ động của “tải trọng có ích”.
Ví dụ, khối chiến đấu lướt siêu thanh «Avangard» của Nga được phóng lên vũ trụ bằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) thông thường, nhưng sẽ trở nên siêu cơ động ngay sau khi tách khỏi phương tiện mang. Bản thân “đầu đạn” (MIRV) được trang bị động cơ tên lửa nhỏ gọn và hệ thống dẫn đường theo quán tính. Như vậy cho phép nó tích cực cơ động cho đến tận thời khắc các đầu đạn nhắm mục tiêu riêng lẻ được tách ra.
Tên lửa hành trình
Tên lửa hành trình là vũ khí với động cơ phản lực, không rời khỏi bầu khí quyển trong suốt thời gian chuyến bay (nghĩa là bay theo quy luật khí động học). Thông thường, tên lửa hành trình bay ở độ cao cực thấp, theo đúng nghĩa đen là sà xuống mặt đất, để tránh bị đối phương phát hiện.
Vũ khí thuộc lớp này được thiết kế để thực hiện những đòn tấn công chính xác vào các mục tiêu trên mặt đất và trên biển. Nếu như tên lửa hành trình được trang bị đầu đạn hạt nhân, nó có thể nhắm tới các khu vực xây dựng hàng loạt hoặc toàn bộ nhóm tấn công với tàu sân bay của đối phương (ví dụ như trường hợp P-800 «Onyx» của Nga). Nếu như tên lửa hành trình mang đầu đạn "thông thường" (chất nổ thông thường), thì điểm nhắm đến của nó thường là mục tiêu nhỏ cụ thể như một tòa nhà hoặc boongke riêng biệt.
Tên lửa hành trình cơ động trong suốt chuyến bay tới mục tiêu nhờ sử dụng hệ thống định vị toàn cầu (GPS, GLONASS, v.v.), dẫn đường quán tính, bản đồ địa hình và/hoặc các công cụ dẫn đường khác. Một số loại tên lửa hành trình cho phép người vận hành điều khiển tên lửa theo cách thủ công ở giai đoạn cuối của chuyến bay.
Ưu điểm và nhược điểm của tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình
Nhìn chung thường là tên lửa hành trình rẻ hơn nhiều (chỉ bằng 15% giá thành của tên lửa đạn đạo chiến thuật). Cuộc phóng của chúng khó bị phát hiện hơn nhưng có độ chính xác cao.
Tên lửa đạn đạo thường kém chính xác hơn (với sai số «vòng tròn hồng tâm», được đo bằng hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm mét, so với mấy mét đối với tên lửa hành trình). Nhưng tên lửa đạn đạo có hàng loạt lợi thế nổi bật, trong đó rõ rệt nhất là trọng lượng của phần chiến đấu «tải trọng có ích» (ví dụ, RS-28 «Sarmat» của Nga có đầu đạn 10 tấn).
Đường bay vòng cung của tên lửa đạn đạo cho phép “trọng tải có ích” là phần đầu đạn tăng tốc đến mức đáng kinh ngạc (thường là siêu thanh). Còn tên lửa hành trình thường bay ở tốc độ cận âm hoặc siêu thanh, khiến chúng dễ dàng bị đánh chặn hơn và giảm lực động học thuần túy của chúng khi lao vào mục tiêu.