Chúng tôi sẽ đề cập đến những chủ đề này trong bài tổng quan “Việt Nam trên báo chí nước ngoài”.
Campuchia và Trung Quốc
Không mục điểm báo nào của chúng tôi được coi là hoàn chỉnh nếu thiếu các bài viết của tờ The Diplomat - tạp chí chuyên về châu Á - Thái Bình Dương. Tuần này, tạp chí dành hai bài viết dài về chủ đề Việt Nam. Bài viết đầu tiên nói về quan hệ Việt Nam - Campuchia và phân tích các chính sách của Thủ tướng Campuchia Hun Manet. Theo tác giả bài viết, ông đang tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của Việt Nam. Các dấu hiệu cho thấy điều này là việc khởi công dự án kênh đào Funan Techo và việc Campuchia rời khỏi cơ chế hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV-DTA). Bài viết thứ hai nói về cải cách hành chính triệt để đã bắt đầu ở Việt Nam. Các câu hỏi được tác giả đặt ra: cải cách này có ảnh hưởng đến các cấp quyền lực cao nhất hay không, và liệu nó có dẫn đến việc hợp nhất hai chức danh lãnh đạo cao cấp - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch nước - hay không.
Asia News viết, Việt Nam đang tăng cường quan hệ thương mại và kinh tế với Trung Quốc. Năm 2024, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam đạt 260,65 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam là điểm đến đầu tư nước ngoài quan trọng của Trung Quốc. CHND Trung hoa luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong hơn 20 năm qua. Trong khi đó, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Trung Quốc chiếm gần 1/3 tổng kim ngạch thương mại của cả nước vào năm 2024. Sự phát triển của các dự án cơ sở hạ tầng xuyên biên giới như dự án hợp tác đường sắt khổ tiêu chuẩn, khu hợp tác kinh tế qua biên giới, các bến cảng thông minh và cửa khẩu thông minh đang tạo ra những cơ hội mới cho hợp tác kinh tế song phương. Ngoài ra, hai nước còn có tiềm năng hợp tác to lớn trong các lĩnh vực năng lượng sạch, xe năng lượng mới, quản lý môi trường, tài chính xanh và nhiều lĩnh vực khác nữa.
Quá trình bỏ điện than sẽ không diễn ra nhanh chóng
Asia News đưa tin về lời cảnh báo của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính về nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới có thể sẽ làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, thu hẹp thị trường xuất khẩu. Thủ tướng gợi ý một số giải pháp như tiếp tục tập trung làm mới những động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của các dự án xây dựng đường sắt, đường cao tốc, sân bay và phát triển năng lượng hạt nhân.
Rivieramm có cái nhìn chi tiết về kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII của Việt Nam và lưu ý rằng, kế hoạch này đặt mục tiêu sản lượng điện trung bình là 150 GW công suất lắp đặt vào năm 2030. Một phần tư sẽ đến từ các nhà máy điện khí LNG, một phần tư đến từ các nguồn năng lượng tái tạo, và thủy điện vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Điện than là nguồn điện hiện đang chiếm ưu thế tại Việt Nam sẽ bị loại bỏ dần và sẽ không có nhà máy điện than mới nào được xây dựng sau năm 2030. Nhưng, theo Reuters, Việt Nam đã giảm mục tiêu phát triển điện từ khí đốt và điện gió ngoài khơi trong thập kỷ này, trong khi than và các nguồn năng lượng tái tạo khác sẽ đảm nhận vai trò bù đắp sản lượng trước khi điện hạt nhân được tích hợp vào hệ thống từ năm 2035. Tháng này, Việt Nam sẽ đàm phán với các đối tác nước ngoài là Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp và Hoa Kỳ về các dự án xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Thủ tướng giao EVN, PetroVietnam lần lượt làm chủ đầu tư hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.
Vietnam Briefing dành riêng một bài viết cho đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam nhằm hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đồng thời là một công cụ quan trọng trong nền kinh tế xanh, giúp các doanh nghiệp và tổ chức quản lý phát thải khí nhà kính của mình thông qua việc mua bán các tín chỉ carbon. Còn Reuters cho biết rằng, thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ đạt 123,5 tỷ USD vào năm 2024, tăng gần 20% so với năm trước, điều này có thể dẫn đến việc Hoa Kỳ áp thuế ở mức cao với hàng nhập khẩu của Việt Nam. Các biện pháp khả thi để cải thiện tình hình bao gồm mua thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Hoa Kỳ và giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ như đậu nành, bông và thịt. Theo các chuyên gia, xuất khẩu của Việt Nam khó có thể giảm vì phần lớn đến từ các công ty đa quốc gia lớn đang hoạt động tại Việt Nam. TVBRICS đưa tin, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ năm 2024 đạt xấp xỉ 15 tỷ USD, tăng 4,5% so với năm 2023.
HRM Asia cho biết về các biện pháp hiện đại hóa thị trường lao động Việt Nam: thu hẹp khoảng cách cung cầu lao động bằng cách kết nối các khu vực có lực lượng lao động dư thừa với các trung tâm kinh tế quan trọng. Mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể trong việc phát triển thị trường lao động với một cấu trúc tổ chức thành lập rõ ràng, nhưng có nhiều lo ngại về việc lao động phi chính thức vẫn có nhiều cơ hội việc làm và hỗ trợ đào tạo nghề còn thấp. Asia News viết về một vấn đề nghiêm trọng là thiếu hụt nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo (AI). Để giải quyết vấn đề này, nên mời thêm nhiều nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, cũng như cấp học bổng cho sinh viên xuất sắc đi học tại các trường hàng đầu thế giới và thu hút các chuyên gia AI quốc tế đến làm việc tại Việt Nam.
Nói không với sử dụng động vật hoang dã trong y học cổ truyền
Mongabay cho biết rằng, vào tháng 1, Việt Nam và Trung Quốc, hai thị trường lớn nhất ứng dụng thuốc y học cổ truyền có sử dụng thực vật và động vật hoang dã, đã đưa ra tuyên bố về cơ hội mới để tăng cường quan hệ đối tác trong các hoạt động bảo vệ động vật hoang dã đồng thời bảo tồn di sản văn hóa của hai quốc gia. Các hoạt động này bao gồm việc khuyến khích các dược sĩ, y, bác sĩ Đông y sử dụng những loại thuốc từ thảo dược để chữa bệnh và không kê đơn thuốc có thành phần từ động vật hoang dã nguy cấp, được bảo vệ.
Việt Nam lọt Top quốc gia du lịch hàng đầu thế giới
Chuyên trang du lịch Travel and Tour World viết rằng, ngành du lịch Việt Nam phục hồi ấn tượng vào năm 2024, mức phục hồi đạt 98% so với năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Không có quốc gia láng giềng nào ở Đông Nam Á làm được điều này. Kết quả này đã đạt được nhờ vào chế độ miễn thị thực cho công dân nhiều quốc gia, việc áp dụng thị thực điện tử và nhiều biện pháp khác. Trang tin du lịch này đưa tin, chính phủ Việt Nam vừa ban hành nghị quyết về việc miễn thị thực theo Chương trình kích cầu phát triển du lịch trong năm 2025 cho công dân 3 nước Thụy Sĩ, Ba Lan và Séc. Năm 2025, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đầy tham vọng: đón từ 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế. Trang tin này cũng cho biết rằng, Việt Nam đã trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về du lịch chăm sóc sức khỏe như spa. Nước này là điểm đến được săn đón nhất, có số lượng du khách lựa chọn Việt Nam nhiều nhất để chăm sóc sức khỏe nhờ những bãi biển tuyệt đẹp, rừng rậm nhiệt đới và dịch vụ spa sang trọng.
Các ấn phẩm khu vực của Nga đưa tin về kế hoạch của Aeroflot và AZUR air khai trương các chuyến bay thẳng đến Sân bay Cam Ranh từ các thành phố lớn của Nga: Matxcơva, Yekaterinburg, Novosibirsk, Kazan, Tomsk, Khabarovsk, Blagoveshchensk sớm nhất là vào tháng 3 năm nay. Điều này sẽ góp phần làm tăng mạnh lượng khách du lịch từ Nga. Như chúng tôi đã viết trước đó, theo dự báo của ông Sangadzhi Tarbaev, người đứng đầu Ủy ban Duma Quốc gia Nga phụ trách về vấn đề du lịch, đến năm 2030, sẽ có tới 40 triệu người Nga đến thăm Việt Nam. Nhưng, phó chủ tịch Hiệp hội các nhà điều hành tour du lịch Nga (ATOR) Artur Muradyan, tổng giám đốc công ty Space Travel, lại có thái độ nghi ngờ đáng kể về điều này. Để đạt được mục tiêu này, trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ phải xây dựng nhiều khách sạn hơn so với những gì họ có thể tưởng tượng. Hãng thông tấn quốc gia Nga đưa tin, theo ông Muradyan, Việt Nam có thể tiếp nhận hai đến ba triệu lượt khách du lịch Nga, không hơn.