Chưa được cấp phép hãng hàng không
Vào ngày 26/3/2018, bản ghi nhớ về việc mua 24 máy bay A321NEO giữa Tập đoàn FLC và Tập đoàn Airbus (châu Âu) đã được chính thức ký kết. Ước tính, thương vụ có thể có trị giá lên đến 3 tỷ USD. Tuy nhiên, theo thông tin Đất Việt nhận được, hiện tại Bamboo Airways vẫn chưa được cấp phép thành lập hãng hàng không.
Trao đổi với phóng viên, ông Võ Huy Cường — Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam ckhẳng định:
"Hiện tại, Bamboo Airways vẫn đang làm thủ tục xin phép thành lập hãng hàng không theo Luật đầu tư. Tất cả vẫn đang chỉ là giai đoạn xin phép Thủ tướng Chính phủ.
Theo Luật, bao giờ có sự đồng ý của Chính phủ về chủ trương thì mới làm hồ sơ để gửi sang Cục hàng không cấp phép".
Tuy nhiên, theo vị quan chức, dù chưa được cấp phép thành lập, FLC vẫn ký bản ghi nhớ việc mua sắm máy bay, cũng không có gì lạ. Việc mua bán máy bay trong Luật hàng không không quy định việc phải xin phép mà do doanh nghiệp tự chủ, tự quyết.
Ngoài việc khai thác trở thành một hãng bay, doanh nghiệp có thể đăng ký thành công ty cho thuê tàu bay, hoàn toàn có thể kinh doanh bình thường, mua tàu bay về rồi cho thuê lại….
Chỉ là cam kết
"Đây là hãng máy bay mới, vẫn đang trong giai đoạn xin phép, nếu thật sự định đầu tư 3 tỷ USD để mua 24 tàu bay thì có dùng hết công suất hay không? Thậm chí, chưa biết họ có được cho phép thành lập hay không.
Đặc biệt, việc khai thác các đường bay quốc tế yêu cầu rất chặt chẽ. Như trường hợp Vietnam Airlines, hiện nay đường bay thẳng đến Mỹ cũng vẫn chưa đạt được yêu cầu để chấp thuận. Kể cả có được chấp thuận, họ cũng cần cân nhắc vì đường bay rất dễ lỗ.
Hơn nữa, một thị trường nếu có quá nhiều hãng bay cạnh tranh thì rất khó khăn, hãng nào có tên trên thị trường trước sẽ có lợi thế. Hãng mới như Vietjet Air cũng đang phải cạnh tranh thị trường nội địa với VNA, rồi dần dần là các đường bay quốc tế VNA không khai thác, nhưng không có quá nhiều đặc biệt chặng đường dài", ông Tống phân tích.
Cũng theo vị chuyên gia trên, cũng cần phải thấy rõ, bản ghi nhớ không có quá nhiều điều kiện ràng buộc. Đây đơn thuần chỉ là cam kết không được mua của đơn vị khác, khi cần thì chắc chắn phải mua của Airbus, bên bán cũng muốn có người đặt hàng để chuẩn bị, chủ động liên hệ bên mua khi nào cần thì sản xuất.
"Đây cũng là cách để hãng bay mới quảng bá thương hiệu hình ảnh, thể hiện quy mô đầu tư của công ty. Nếu vậy, khi mở đường bay mới sẽ có thêm nhiều sự tin tưởng.
Chúng ta còn nhớ, năm 2016, Vietjet Air từng ký bản hợp đồng mua 100 máy bay 737 Max 200 của Boeing, trong vòng 4 năm (2019 — 2023) nhằm phục vụ kế hoạch mở rộng mạng bay của hãng hàng không Việt Nam.
Trước đó không lâu, năm 2014, VietJetAir và Airbus cũng đã ký kết Hợp đồng triển khai đơn hàng hơn 100 tàu bay để phục vụ kế hoạch mở rộng hoạt động trong tương lai của hãng.
Đây là Hợp đồng mua bán dòng máy bay một lối đi mới và hiện đại nhất của Airbus, bao gồm 42 chiếc A320neo, 14 A320ceo và 7 A321ceo, cộng với quyền mua thêm 30 tàu bay và thuê 7 chiếc tàu bay Airbus khác.
Giá trị Hợp đồng cho 63 chiếc máy bay là 6,4 tỷ Đô la Mỹ và tổng giá trị Hợp đồng cho 100 chiếc tàu bay là 9,1 tỷ Đô la Mỹ.
Để thấy, việc đưa ra các hợp đồng mua tàu bay với các hãng sản xuất nổi tiếng trên thế giới cũng là một cách quảng bá tên tuổi của các hãng bay.
Đồng thời, các hãng bay tư nhân hoàn toàn có thể thực hiện các hợp đồng cho thuê tàu bay một cách thuận lợi, không nhất thiết chỉ một mục đích đáp ứng các chuyến bay", ông Tống nhận định.
Theo: Báo Đất Việt