Đông và Đông Nam Á được xem là khu vực xếp thứ ba trên thế giới, sau Trung Đông và Nam Á, về hoạt tính khủng bố. Những nước Đông Nam Á nào đang trong tầm ngắm đe dọa của bọn khủng bố từ Syria và Iraq, và tình hình khủng bố tại các nước này — trong bài phân tích dành riêng cho Sputnik của nhà khoa học chính trị Nga, PGS-TS Piotr Tsvetov từ Khoa Quan hệ quốc tế thuộc Học viện Ngoại giao của Bộ Ngoại giao Nga.
Chỉ trong thế kỷ XXI, toàn thế giới bị rung chuyển bởi những cuộc tấn công khủng bố kinh khủng như vụ trên đảo Bali (Indonesia) ngày 12 tháng 10 năm 2002, hơn 200 người thiệt mạng tại khu nghỉ mát nổi tiếng vì bọn sát thủ cuồng tín đánh bom, cũng như những cuộc khủng bố tái diễn hết năm này sang năm khác ở thủ đô Jakarta của Indonesia. Tại đó, bọn khủng bố đã nổ bom ở những nơi tập trung đông người vào ngày 5 tháng 8 năm 2003, ngày 9 tháng 9 năm 2004, ngày 17 tháng 7 năm 2009, ngày 8 tháng 4 năm 2015, ngày 14 tháng 1 năm 2016. Kết quả của những cuộc tấn công này là hàng chục người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương. Tháng Năm năm nay, lại có những vụ tấn công khủng bố diễn ra trên các đường phố Surabaya — đô thị lớn thứ hai của Indonesia.
Nổi bật là hoạt tính của các phần tử Hồi giáo cực đoan ở Philippines. Năm 2002-2003 chúng bắt cóc người nước ngoài với mục đích đòi tiền chuộc, còn trong năm 2017, chúng cố gắng thiết lập quyền hành tại thành phố Marawi trên đảo Mindanao. Từ tháng 5 đến tháng 10, tại đó đã diễn ra chiến dịch thanh trừng của quân đội Chính phủ trấn áp những người Hồi giáo, trong quá trình đó hơn ngàn người đã chết, còn thành phố biến thành đống đổ nát.
Ở Trung Quốc, đất nước có từ 25 đến 29 triệu người Hồi giáo sinh sống, chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo và chủ nghĩa ly khai cũng thể hiện mình thông qua những hành động khủng bố đẫm máu. Những kẻ thừa hành chính của chúng là người Uigur hay còn gọi là Đột Quyết — sắc dân thiểu số nói tiếng Turk theo đạo Hồi, từ những năm 30 của thế kỷ XX đã cố gắng tạo lập quốc gia độc lập của riêng mình. Tháng 10 năm 2013, ba phần tử khủng bố người Uigur đã thực hiện vụ tấn công tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, dùng chiếc xe jeep lao vào đám đông rồi sau đó nổ bom tự sát. Ngày 1 tháng 3 năm 2014, một nhóm người Uigur dùng dao tấn công những công dân vô tội tại nhà ga đường sắt ở Côn Minh, làm 29 người thiệt mạng, 143 người bị thương. Ngày 22 tháng 6 năm 2015, nhóm chiến binh Uigur tấn công trạm kiểm soát ở thành phố Kashgar — kết quả là 18 người thiệt mạng, 40 người bị thương.
Nhưng vai trò hà hơi tiếp sức chủ chốt và tài trợ chính cho bọn khủng bố ở Đông Nam Á và Trung Quốc là "Nhà nước Hồi giáo" (IS). IS đang ráo riết tuyển mộ những người Hồi giáo từ phần châu Á của vùng châu Á-Thái Bình Dương vào hàng ngũ chiến binh. Dành cho việc này, kể từ tháng 6 năm 2016 thậm chí những người Hồi giáo đã xuất bản tờ báo riêng "Al-Fatihin" bằng tiếng Indonesia. Có tài liệu xác nhận rằng hàng ngũ chiến đấu của IS thu hút từ 200 đến 600 công dân Indonesia, 60-80 người Malaysia, khoảng 100 người Philippines, 300 người là công dân CHND Trung Hoa. Những đối tượng xuất thân từ Indonesia, Malaysia và Singapore đã thành lập đơn vị chiến đấu riêng ở đó, là Katibah Nusantara. Một số chiến binh trong đám này sau khi thu nhận kinh nghiệm tương ứng ở Trung Đông, đã quay trở về quê hương và trở thành "thành viên bí mật ngủ đông" chờ thời của "Nhà nước Hồi giáo".
Vào tháng 9 năm 2014, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đưa ra tuyên bố chính thức lên án IS. Tuy nhiên, điều đó không ngăn được các thủ lĩnh IS cố gắng mở rộng ảnh hưởng của chúng tại các nước Đông Nam Á. Hơn thế nữa, có cơ sở để nghi ngờ một cách hợp lý rằng trong trường hợp các cấu trúc của IS ở Syria và Iraq bị đánh bại hoàn toàn, bộ phận quản lý của chúng sẽ cố gắng di chuyển đến một trong các nước Đông Nam Á.