Trong khi đó, ngày 21/7, người dân phát hiện hai người lạ mặt bất ngờ đột nhập vào Bưu điện Cầu Voi, dùng chìa khóa mở cửa, đi lại xem xét khắp các khu vực từng là hiện trường vụ án mạng khiến hai nhân viên bưu điện bị sát hại mà Hồ Duy Hải là nghi can.
Vụ án Hồ Duy Hải: VKSND kiến nghị xem xét lại quyết định giám đốc thẩm
Ngày 21/7, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tổ chức họp báo về Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân.
Thời gian qua, VKSND Tối cao đã đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh nhiều bị cáo nguyên là lãnh đạo cấp cao nhiều Bộ ngành như cựu Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn trong thương vụ Mobifone mua AVG, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến và hàng loạt nhân vật cấp cao khác.
Hàng loạt án kinh tế, tham nhũng, hối lộ được đưa ra xét xử, dư luận rất quan tâm và ủng hộ (Vụ Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm tại PVC, nhiều cán bộ của PVN hay các vụ việc liên quan đến ngân hàng Đại Dương – Oceanbank…).
Đại diện VKSND Tối cao cũng nhấn mạnh, trong năm 2020 này sẽ khẩn trương giải quyết loạt án tham nhũng, kinh tế, lạm dụng chức vụ, quyền hạn nhưu vụ Nhật Cường, vụ án tại Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) và vụ án Gang thép Thái Nguyên…
Đáng chú ý, tại cuộc họp này, ông Hồ Đức Anh, Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự, VKSND Tối cao đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng xung quanh vụ án Hồ Duy Hải.
Theo ông Hồ Đức Anh, quyết định kháng nghị số 15 của VKSND Tối cao về vụ án Hồ Duy Hải là “có căn cứ, đúng pháp luật, đúng thẩm quyền và cần thiết”.
Theo Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự thuộc VKSND Tối cao, trường hợp của Hồ Duy Hải là vụ án giết người và cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng, đã qua nhiều cấp xét xử, trong đó đã được xét xử ở cấp giám đốc thẩm.
Tại buổi họp báo, nhắc lại những quan điểm đã được Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí đã nêu, Vụ trưởng Hồ Đức Anh tái khẳng định, trong vụ án Hồ Duy Hải còn nhiều tình tiết quan trọng đang còn mâu thuẫn nhưng đến nay chưa được làm rõ một cách triệt để và thuyết phục.
Do đó, vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố của VKSND Tối cao khẳng định quyết định kháng nghị là hoàn toàn cần thiết.
“Quan điểm của Viện trưởng VKS Tối cao là hết sức thận trọng, chắc chắn để bảo đảm quyền con người đối với bị cáo Hồ Duy Hải, đồng thời đảm bảo công lý dành cho hai nạn nhân”, ông Hồ Đức Anh khẳng định.
Theo đồng chí Hồ Đức Anh, hiện Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự cùng các đơn vị của VKSND Tối cao đang tập trung nghiên cứu thêm quyết định giám đốc thẩm số 05 ngày 8/5 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, đồng thời theo dõi ý kiến, kiến nghị nếu có từ các cơ quan liên quan.
Ông Hồ Đức Anh nhấn mạnh, quan điểm của Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí là sẽ thực hiện quyền kiến nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xem xét lại quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, theo căn cứ tại Điều 404 Bộ Luật tố tụng Hình sự của Việt Nam.
Đến nay, VKSND Tối cao chưa nhận được thông tin nào liên quan đến kiến nghị hay chỉ đạo từ các cơ quan của Quốc hội liên quan đến quá trình giải quyết vụ án này.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, có thông tin cho rằng, mới đây VKSND Tối cao đã làm việc với Công an tỉnh Long An về vụ án Hồ Duy Hải, một lãnh đạo của Viện KSND Tối cao khẳng định, đây là thông tin không chính xác.
Đoàn giám sát Quốc hội từng chỉ ra thiếu sót, vi phạm trong vụ án Hồ Duy Hải
Trước đó, ngày 16/6, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể để xem xét, đánh giá toàn bộ vụ án Hồ Duy Hải. Một trong trọng tâm là xem xét tính đúng đắn, hợp pháp của quyết định giám đốc thẩm vụ án này.
Đây không phải lần đầu tiên, Ủy ban Tư pháp họp để đánh giá vụ án Hồ Duy Hải. Tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa trước, một đoàn giám sát do Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm trưởng đoàn, thực hiện công tác giám sát về tình hình oan, sai, đã xem xét một số vụ án cụ thể để phục vụ giám sát tối cao của Quốc hội, bao gồm vụ Hồ Duy Hải.
Đoàn giám sát sau đó đã có báo cáo số 870 ngày 20/5/2015 về kết quả giám sát “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”.
Đoàn giám sát nhận định vụ án có “những thiếu sót, vi phạm dẫn đến nghi ngờ về tính khách quan của kết luận điều tra, truy tố, xét xử”.
Đặc biệt trong báo cáo của Đoàn giám sát vụ án Hồ Duy Hải năm 2015 có đoạn: Đối với vụ Hồ Duy Hải (Long An) bị kết án tử hình về các tội giết người, cướp tài sản, trước thời điểm thi hành án tử hình thì có đơn của gia đình và luật sư kêu oan cho Hải.
Cụ thể, theo yêu cầu của Chủ tịch nước và yêu cầu của đoàn giám sát, liên ngành Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao, Bộ Công an cùng vào cuộc tiến hành xem xét vụ án này và đến nay có kết luận cho rằng việc kết án tử hình đối với Hồ Duy Hải về những tội danh kể trên là “có căn cứ pháp luật, quá trình điều tra còn một số vi phạm, thiếu sót, nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án”.
Những thiếu sót, vi phạm đó có thể kể đến như: quá trình khám nghiệm hiện trường không chú ý xem xét để thu giữ những đồ vật liên quan đến dấu vết trên cơ thể nạn nhân như cái thớt, chiếc ghế inox, con dao nên sau này khi bị can khai ra là hung khí vụ án thì cái thớt, con dao đã bị thất lạc không tìm lại được, chiếc ghế thu giữ sau này được cho là vật chứng không đúng với chiếc ghế phản ánh trong biên bản khám nghiệm và bản ảnh hiện trường.
Việc sử dụng thời gian của Hải vào ngày xảy ra vụ án thiếu chính xác, chưa chặt chẽ, một số biên bản ghi lời khai, hỏi cung bị tẩy xóa, sửa chữa nhưng không có chữ ký xác nhận của người khai; động cơ, mục đích giết người nêu trong các kết luận của các cơ quan tố tụng chưa phù hợp với diễn biến vụ án.
Đoàn giám sát nhận định trong báo cáo số 870 nêu rõ: “Đây là những thiếu sót, vi phạm dẫn đến nghi ngờ về tính khách quan của kết luận điều tra, truy tố, xét xử”.
Tuy nhiên, đến nay Ủy ban Tư pháp chưa có báo cáo chính thức gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc này.
Sau đó, chiều ngày 3/7, luật sư Trần Hồng Phong và người thân của tử tù Hồ Duy Hải tiếp tục có đơn kêu oan gửi lên Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân Tối Cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí.
Trong đơn kêu oan, luật sư Trần Hồng Phong cung cấp thêm bút lục ghi lời khai nhân chứng cho thấy Hồ Duy Hải có chứng cứ ngoại phạm trong vụ án giết người xảy ra ở bưu điện Cầu Voi, tỉnh Long An hồi 13/1/2008.
Bên cạnh nội dung kêu oan cho tử tù Hồ Duy Hải, đơn của luật sư Trần Hồng Phong còn tố cáo hành vi cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án của các cán bộ tiến hành tố tụng như thời gian qua đại diện VKSND Tối cao, các ĐBQH và báo chí đã đặt vấn đề và đề nghị khởi tố vụ án làm sai lệch hồ sơ vụ án đối với những cá nhân liên quan đối với công tác tố tụng của vụ án Hồ Duy Hải.
Hai kẻ lạ mặt bất ngờ đột nhập Bưu điện Cầu Voi, hiện trường án mạng vụ Hồ Duy Hải
Tối 21/7, ông Phạm Văn Khéo, trưởng ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An xác nhận có hai người lạ mặt đột nhập Bưu điện Cầu Voi vào chiều ngày hôm đó. Nguyên nhân hai thanh niên lạ mặt vào bưu cục Cầu Voi hiện vẫn chưa rõ.
Từ sau vụ án mạng khiến hai nữ nhân viên tử vong, Bưu điện Cầu Voi đã bị bỏ hoang suốt 12 năm, cỏ mọc um tùm.
Theo ông Khéo cho hay, khoảng 16h có hai người đến quán bán đồ trước cửa Bưu điện Cầu Voi ngồi một lúc rồi sau đó đi thẳng vào trong.
Người dân bán hàng trước bưu cục thấy lạ, không hiểu từ đâu mà hai thanh niên lạ mặt này lại có chìa khóa rồi tự mở cửa, đi lại xem xét quanh khắp bưu điện, từ khu nhà vệ sinh rồi lên cả tầng hai.
Theo người dân, đáng chú ý, hai người lạ mặt này còn lôi thiết bị máy móc ra quay phim, chụp ảnh ở nhiều vị trí quan trọng trong vụ án Hồ Duy Hải. Chẳng hạn như bồn rửa tay trong nhà vệ sinh. Nhận thấy điều bất thường, người dân gọi điện báo cho trưởng ấp 5 là ông Phạm Văn Khéo.
“Thấy lạ, tụi tôi điện báo cho Trưởng ấp biết tới xem họ là ai, có phải công an không”, một phụ nữ buôn bán gần Bưu cục cho biết.
Sau khi đến hiện trường, ông Khéo đã yêu cầu hai thanh niên giải thích vì sao lại vô cớ đột nhập vào bên trong Bưu điện Cầu Voi và yêu cầu hai người này ngay lập tức rời khỏi hiện trường vụ án. Tuy nhiên, hai thanh niên đã không chấp hành mà còn nói thêm:
“Tôi vào đây có việc cá nhân và thấy chìa khóa nên mở thôi”, một trong hai người cho biết.
Phải đến khi trưởng ấp Phạm Văn Khéo gọi ban Công an xã xuống trao đổi thì họ mới chịu rời đi.
“Lúc tôi có mặt đề nghị đi ra (khỏi hiện trường Bưu cục Cầu Voi) thì hai anh này hỏi ngược lại là tôi làm gì ở đây. Một anh còn nói “tôi mở cửa để làm công việc của tôi”. Đến khi công an xã xuống thì họ mới chịu bước ra”, ông Khéo chia sẻ trên Thanh Niên cho biết.
Đáng chú ý, ông Phạm Văn Khéo còn cho hay, sau khi bị mời ra ngoài, hai người còn “thách thức” trưởng ấp, rằng ông là ai, bảo vệ bưu cục hay sao mà đuổi họ. Theo lời kể của người chứng kiến sự việc, hai thanh niên đi chung xe biển số 68G1.
Vụ án Hồ Duy Hải
Theo cáo trạng hiên đang được xem xét giám đốc thẩm, tối 13/1/2008, Hồ Duy Hải đến Bưu điện Cầu Voi nơi chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (23 tuổi) và người em họ tên Nguyễn Thị Thu Vân (21 tuổi) làm việc để chơi.
Do nảy sinh ý định quan hệ tình dụng với chị Hồng nhưng không thực hiện được nên Hồ Duy Hải quyết định giết cả Hồng và Vân. Cụ thể, khi chị Vân đã ra ngoài, Hải kéo người chị Hồng vào phòng ngủ nhưng bị cự tuyệt. Tức giận vì bị cô gái đạp ngã vào tường, Hải đã dùng dao và thớt gỗ để gần đó sát hại nữ nhân viên. Vì sợ bị bại lộ, Hải phục sẵn rồi giết luôn chị khi cô này đi mua trái cây trở về.
Sau khi gây án, Hải lấy đi 1 triệu đồng, khoảng 40 - 50 sim điện thoại, 1 điện thoại Nokia và nữ trang của hai nạn nhân. Sau đó, Hải đem nữ trang đi TP.HCM bán lấy tiền được 3,7 triệu đồng.
Cuối năm 2008, Hải bị TAND tỉnh Long An tuyên phạt mức án tử hình. TAND Tối cao tại TP.HCM mấy tháng sau đã bác đơn xin giảm nhẹ hình phạt của Hải y án sơ thẩm.
Ngày 4/12/2014, Văn phòng Chủ tịch nước có công văn truyền đạt ý kiến của Chủ tịch nước về việc tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải, đồng thời yêu cầu chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao chỉ đạo xem xét, làm rõ trường hợp Hồ Duy Hải có bị kết án oan, sai hay không và báo cáo Chủ tịch nước. Cùng ngày, Hội đồng thi hành án tử hình tỉnh Long An có quyết định hoãn thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Ngày 22/11/2019, viện trưởng Viện KSND tối cao ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, đồng thời hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên với Hồ Duy Hải để điều tra lại.
Ngày 8/5/2020, Hội đồng giám đốc thẩm TAND Tối cao bác kháng nghị này, đồng thời xác định kháng nghị đề nghị hủy án của VKSND Tối cao là “không phù hợp với pháp luật” bởi luật không cho phép Viện trưởng VKSND Tối cao và Chánh án TAND Tối cao kháng nghị xem xét lại vụ án khi quyết định bác ân giảm của Chủ tịch nước đang có hiệu lực pháp luật.