‘Khi quyền lực Nhà nước gắn với nhóm lợi ích thì sẽ rất kinh khủng’
09:02 07.04.2022 (Đã cập nhật: 09:03 07.04.2022)
© Depositphotos.com / Bernad Gavril Tham nhũng.
© Depositphotos.com / Bernad Gavril
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Một số vụ án tham nhũng, kinh tế gây xôn xao dư luận Việt Nam trong thời gian qua cho thấy có sự móc nối giữa khu vực công và khu vực tư để hình thành lợi ích nhóm. Câu hỏi đặt ra là nguyên nhân ở đâu và điều gì khiến việc móc nối diễn ra dễ dàng như vậy?
Cơ chế xin-cho trong quản lý Nhà nước cần xóa bỏ?
Có thể thấy, tội phạm kinh tế, tham nhũng trong thời gian qua hoạt động rất tinh vi và phức tạp. Qua quá trình điều tra cho thấy có sự móc nối và câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong thực hiện hành vi phạm tội. Những đối tượng này hầu hết lại là những cán bộ cấp cao trong hệ thống quản lý Nhà nước, những doanh nhân có tiếng.
Nổi cộm là các hoạt động tội phạm như đầu cơ, buôn lậu, kinh doanh trái phép hàng giả, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, tội phạm vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; hoạt động chứng khoán, tài chính ngân hàng.
Phân tích về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hành vi phạm tội của các đối tượng trong vụ án tham nhũng, kinh tế chủ yếu là hành vi “ẩn”, được che giấu bởi nhiều hình thức khác nhau, che giấu bằng việc thực hiện quyền lực Nhà nước hay bằng những giao dịch kinh tế.
“Quan hệ kinh tế không minh bạch, hành vi phạm tội là hành vi "ẩn", chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng thường có nhiều quyền lực, có quan hệ, hiểu biết, trong khi thể chế, chính sách pháp luật về quản lý Nhà nước chưa hoàn thiện, có nhiều văn bản còn chồng chéo, mâu thuẫn nên nhiều đối tượng đã lợi dụng”, ông Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh với VOV.VN.
Xuất phát từ thực tế, một số vụ án tham nhũng, kinh tế thời gian qua là bằng chứng rất rõ ràng cho sự móc nối giữa khu vực công và khu vực tư để hình thành lợi ích nhóm.
“Khi quyền lực Nhà nước gắn với nhóm lợi ích thì sẽ rất kinh khủng”, ông Nguyễn Đình Quyền khẳng định.
Theo lý giải của ông Quyền, đằng sau các quyết định, dự án vẫn lẩn khuất hành vi tiêu cực của các nhóm lợi ích, của doanh nghiệp sân sau.
“Do đó, ngoài vấn đề kiểm soát chặt chẽ quyền lực, giải pháp mấu chốt là phải xóa cơ chế "xin – cho" trong quản lý Nhà nước vì đây vốn là cái gốc đẻ ra tham nhũng”, ông Quyền nêu giải pháp.
Tại Hội nghị Toàn quốc tổng kết công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo nêu rõ, “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.” Đây là “kim chỉ nam” cho hoạt động điều tra và là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần điều tra, xử lý triệt để các vụ án tham nhũng thời gian qua.
Tập trung làm rõ bản chất của vụ án, vụ việc nhất là bản chất tư lợi, chiếm đoạt để xử lý phù hợp, nghiêm minh nhưng nhân văn, thấu tình, đạt lý; tiếp tục rà soát hoàn thiện hệ thống pháp luật, xóa bỏ kẽ hở, cơ chế xin-cho trong quản lý kinh tế-xã hội là những đề xuất được đưa ra triển khai trong công tác phòng chống tham nhũng.
Đối phó với tính chất tinh vi, phức tạp của các vụ án tham nhũng
Tại Hội nghị sơ kết 7 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự Đảng TAND tối cao, Ban cán sự Đảng VKSND tối cao tổ chức mới đây, cho biết từ ngày 1/9/2014 đến nay, cơ quan điều tra đã điều tra, xử lý hơn 663 vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận quan tâm.
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực “nhạy cảm” được tập trung điều tra.
Nhiều vụ án ban đầu khởi tố, điều tra, xét xử về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; sau đó tiếp tục được mở rộng điều tra, đi sâu làm rõ bản chất tham nhũng, chiếm đoạt trong nhiều vụ án, từ đó khởi tố thêm nhiều vụ án, nhiều bị can về các tội tham nhũng.
Trong năm 2022, 10 vụ án trọng điểm được yêu cầu xét xử sơ thẩm phải kể đến: vụ việc xảy ra Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Bộ đội Biên phòng; Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), Bệnh viện Tim Hà Nội, Công ty Việt Á; Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương; Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận; lạm quyền ở Saigon Co.op; buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, đưa hối lộ, nhận hối lộ ở Đồng Nai và một số địa phương; vi phạm các quy định về quản lý đất đai ở Dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung của tỉnh Khánh Hòa.
Chưa dừng lại ở đó, hai vụ án chấn động thị trường chứng khoán liên quan đến Tập đoàn FLC và Tập đoàn Tân Hoàng Minh càng cho thấy các vụ án kinh tế ngày càng diễn ra theo hình thức tinh vi và phức tạp.
Qua đó, các cơ quan tố tụng đã xử lý nghiêm minh, công khai cả cán bộ cao cấp, cả đương chức và đã nghỉ hưu vi phạm có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa mạnh mẽ, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Thách thức khi xử lý vụ án tham nhũng, kinh tế
Theo thống kê của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, thời gian vừa qua đã khởi tố 123 vụ án với 925 bị can; 72 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; phong tỏa và thu hồi nhiều tài sản, bất động sản có giá trị từ các vụ án, khoảng trên 50.000 tỷ đồng; đề xuất xử lý nhiều vụ án phức tạp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và đã phối hợp với VKSND tối cao phong tỏa, kê biên tài sản đảm bảo thi hành án trị giá 21.000 tỷ đồng.
Theo Trung tướng Đỗ Văn Hoành, đấu tranh tội phạm tham nhũng, kinh tế còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Tội phạm kinh tế trong các vụ án tham nhũng đa phần là chủ thể đặc biệt, là người có chức vụ quyền hạn, nguyên là lãnh đạo cao cấp, là người có ảnh hưởng trong xã hội, có kinh nghiệm trong quản lý Nhà nước, có trình độ nhận thức và hiểu biết về các lĩnh vực, có khả năng, điều kiện sử dụng các mối quan hệ tác động tiêu cực đến quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Đáng chú ý, đối tượng phạm tội tham nhũng có người là cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hạn. Hoạt động tội phạm thường diễn ra trong một thời gian dài mới bị phát hiện, tố cáo nên đối tượng có thời gian hợp thức hóa hồ sơ tài liệu, tiêu hủy chứng cứ dẫn đến việc thu thập, củng cố tài liệu chứng minh về hành vi tội phạm gặp khó khăn.
“Các cơ quan doanh nghiệp Nhà nước, trong quá trình thanh tra chuyên ngành khi phát hiện có cán bộ, đảng viên, nhân viên vi phạm thì sợ ảnh hưởng đến thành tích của đơn vị, trách nhiệm liên đới của cá nhân nên chủ yếu xử lý nội bộ, từ đó ảnh hưởng đến công tác phòng ngừa, giáo dục, răn đe tội phạm tham nhũng”, Trung tướng Đỗ Văn Hoành nêu rõ.
Đồng thời, Trung tướng cũng nêu thực tế tiến độ giám định, định giá thiệt hại trong một số vụ án còn chậm cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng, khiến công tác điều tra, xử lý tội phạm gặp khó khăn.