Nga gửi tín hiệu "hạt nhân". Phương Tây lo lắng trước sáng kiến mới của Matxcơva
© Sputnik / Sergey GuneevHệ thống an ninh nhiều lớp của tổ hợp tên lửa Topol-M
© Sputnik / Sergey Guneev
Đăng ký
Ngày 17/10, Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) đã thông qua trong lần đọc đầu tiên dự luật hủy bỏ việc phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện. Đây là phản ứng đối với việc Mỹ đã ký nhưng chưa phê chuẩn hiệp ước này.
Nguyên nhân nào khiến Nga thực hiện bước đi này và nó sẽ gây ảnh hưởng nào? Những chi tiết - trong tài liệu của Sputnik.
Phản ứng "gương soi"
Hiệp ước Cấm thử hạt nhân Toàn diện (CTBT) được Liên hợp quốc thông qua vào năm 1996. Trước đó đã có Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân trong khí quyển, ngoài không gian và dưới nước (PTBT) được ký kết vào năm 1963. Vào cuối thế kỷ XX đã có nhu cầu về những công thức kiên quyết hơn.
Mỗi quốc gia thành viên của Hiệp ước cam kết không tiến hành bất kỳ một vụ nổ để thử vũ khí hạt nhân ở bất cứ địa điểm nào thuộc quyền tài phán hay kiểm soát của mình, đồng thời cam kết kiềm chế không gây ra, khuyến khích hoặc bằng bất cứ cách nào khác tham gia vào việc tiến hành bất kỳ một vụ nổ để thử vũ khí hạt nhân. Văn kiện này đã được 187 quốc gia ký và 178 quốc gia phê chuẩn. Phụ lục liệt kê 44 quốc gia trong đó việc phê chuẩn là điều kiện tiên quyết để hiệp định có hiệu lực trên toàn thế giới. Trong số đó có Nga và Mỹ. Matxcơva đã phê chuẩn hiệp ước này cách đây 23 năm. Tuy nhiên, Washington vẫn chưa làm như vậy. Họ cho rằng thỏa thuận này không có hiệu lực vì không thể kiểm soát được, họ cũng chỉ ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
“Tôi chưa sẵn sàng để nói liệu chúng tôi có cần tiến hành thử nghiệm hay không, - ông Putin đã lưu ý về vấn đề này vào đầu tháng 10 tại một phiên họp của Câu lạc bộ Thảo luận Quốc tế Valdai. - <…> Có chú ý đến việc Mỹ đã ký nhưng chưa phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện năm 1996, trong khi Nga đã ký và phê chuẩn, thì về nguyên tắc, chúng tôi có thể sẽ làm theo Mỹ <...> Nhưng đây là câu hỏi dành cho các đại biểu Duma Quốc gia. Về mặt lý thuyết, chúng tôi có thể thu hồi việc phê chuẩn. Nếu chúng tôi làm điều này, thế này sẽ là khá đủ rồi".
Các nghị sĩ đã lắng nghe ý kiến của nguyên thủ quốc gia.
Tại sao bây giờ?
"Tình hình thế giới đã thay đổi. Washington và Brussels đã phát động cuộc chiến chống lại đất nước chúng tôi. Những thách thức ngày nay đòi hỏi những giải pháp mới", - Chủ tịch Duma Quốc gia Vyacheslav Volodin viết trên kênh Telegram.
Ông đã yêu cầu ủy ban liên quan chuẩn bị dự luật hủy phê chuẩn CTBT. Theo ông, nội dung này đã được thảo luận tại Hội đồng Duma Quốc gia, và tất cả các phe phái đều ủng hộ sáng kiến này. Chủ tịch Hạ viện Nga mời các đại biểu trở thành đồng tác giả của tài liệu.
"Trong 23 năm, chúng tôi đã chờ đợi Washington phê chuẩn hiệp ước. Đây là cái gì vậy? Tiêu chuẩn kép, hèn hạ và thái độ vô trách nhiệm. Không có từ nào khác để mô tả điều đó. Trong tình huống này, chúng tôi phải được hướng dẫn bởi lợi ích của công dân Nga, lợi ích của đất nước chúng tôi. Vì vậy, có đề xuất rút lại việc phê chuẩn hiệp ước CTBT”, - ông Volodin nhấn mạnh.
Chủ tịch Duma Quốc gia cũng đề cập đến các vấn đề quốc tế hiện nay - đặc biệt là tình hình ở Israel và Palestine:
“Đó là phạm vi trách nhiệm của Mỹ, họ phải làm mọi cách để duy trì hòa bình và ổn định ở Trung Đông. Cuộc chiến tranh đang diễn ra ở đó".
Ông Volodin lưy ý: “Nếu nói về những khu vực khác trên thế giới, chiến sự đang bùng cháy cũng do lỗi của họ. Washington và Brussels nên nghĩ xem tình hình này sẽ dẫn đến điều gì, tiêu chuẩn kép sẽ dẫn đến điều gì. Các công nghệ của chúng tôi đang phát triển theo nhiều hướng khác nhau, họ cũng phải hiểu điều này. Họ phải chịu trách nhiệm và nghĩ đến việc duy trì an ninh toàn cầu. Nhưng, nếu họ không làm như vậy, chúng tôi phải quan tâm đến việc bảo vệ công dân của mình".
Duma Quốc gia đã thông qua tài liệu này trong lần đọc đầu tiên vào ngày 17 tháng 10.
Phản ứng trước quyết định của Nga
Trong suốt mấy thập kỷ qua, cả Washington và Matxcơva đều tuân thủ hiệp ước CTBT. Và quyết định hiện tại của Duma Quốc gia chỉ là một phản ứng "gương soi" chứ không phải tín hiệu đối đầu.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga ông Dmitry Peskov nhấn mạnh: “Nga rút khỏi Hiệp ước CTBT không đồng nghĩa với việc Matxcơva có ý định tiến hành các vụ thử hạt nhân”.
Ông Mikhail Ulyanov, Đại diện Thường trực của Nga tại các Tổ chức Quốc tế ở Vienna (Áo) cũng nói điều tương tự: “Việc rút lại việc phê chuẩn hiệp ước CTBT không có nghĩa là Nga có ý định nối lại các vụ thử hạt nhân”.
Theo ông Leonid Slutsky, chủ tịch Ủy ban Vấn đề Quốc tế thuộc Duma Quốc gia, “chúng tôi đang nói về việc đảm bảo lợi ích quốc gia”.
“Việc phía Nga hủy phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử hạt nhân sẽ giúp đạt được vị thế cân bằng, đây là phản ứng gương soi với lập trường của Hoa Kỳ, quốc gia trong gần một phần tư thế kỷ đã trì hoãn thủ tục phê chuẩn hiệp ước quan trọng nhất này để đảm bảo an ninh toàn cầu”, - nghị sĩ Leonid Slutsky, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do Nga (LDPR) nhắc nhở.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ lo lắng trước quyết định này của Nga. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết:
"Chúng tôi cảm thấy lo lắng trước những bình luận của Đại sứ Ulyanov tại Vienna. Một động thái như thế này của bất kỳ quốc gia thành viên nào cũng gây nguy hiểm cho tiêu chuẩn toàn cầu về chống thử nghiệm chất nổ hạt nhân".
Thư ký điều hành của Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) Robert Floyd đã công bố một bức thư ngỏ: “Hiệp ước này là một công cụ mạnh mẽ phục vụ lợi ích toàn cầu và là một phần quan trọng của kiến trúc hòa bình và an ninh quốc tế. <...> Việc phê chuẩn CTBT phục vụ lợi ích quốc gia của nước Nga và lợi ích của toàn thể nhân loại”.
Robert Floyd yêu cầu Matxcơva tổ chức một cuộc gặp.
Ông nói: “Tôi hy vọng rằng Liên bang Nga sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết của mình”.
Vẫn chưa có phản hồi chính thức. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên: Nga chỉ phản ứng trước sự thiếu nhất quán của Mỹ. Có lẽ, quyết định của Duma Quốc gia sẽ thúc đẩy những người chơi phương Tây thực hiện những hành động thích hợp.