Phương Tây nói đúng về thế trung lập chính trị của Việt Nam
19:45 28.10.2024 (Đã cập nhật: 14:35 29.10.2024)
© iStock.com / HuyThoaiQuang cảnh những tòa nhà chọc trời ở Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
© iStock.com / HuyThoai
Đăng ký
Vị thế trung lập về mặt chính trị giúp Việt Nam tận dụng được nhiều lợi thế đáng kể trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung.
Theo CNBC, Việt Nam hiện vẫn đang làm rất tốt, đặt cược mạnh mẽ vào ngành công nghiệp chip bán dẫn, AI, tập trung vào nền kinh tế và nỗ lực tháo gỡ nhiều vướng mắc trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Tập trung cao độ cho nền kinh tế
Quá trình chờ đợi mòn mỏi của Việt Nam để vươn mình trở thành thị trường mới nổi có thể sớm kết thúc.
CNBC của Mỹ vừa đưa ra phân tích cho biết, giới chuyên gia kỳ vọng Việt Nam chờ đợi bước ngoặt trên thị trường chứng khoán 200 tỷ USD.
Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam được xếp hạng phân loại là thị trường cận biên và đã nằm trong danh sách theo dõi thị trường mới nổi FTSE kể từ năm 2018.
Tổ chức cung cấp chỉ số toàn cầu FTSE Russell hồi đầu tháng 10 đưa ra tuyên bố về việc chưa nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam và vẫn giữ nguyên quốc gia Đông Nam Á trong danh sách theo dõi chờ nâng hạng.
FTSE Russell đề cao sự hỗ trợ của chính phủ Việt Nam đối với loạt cải cách thị trường và khuyến nghị tăng cường hơn nữa nhiều cuộc họp giữa Chính phủ, cơ quan quản lý và các nhà đầu tư nước ngoài.
“Việc nâng hạng lên thị trường mới nổi có thể khiến các quỹ đầu tư toàn cầu đổ hàng tỷ đô la vào thị trường tài chính Việt Nam, nơi hiện giá trị vốn hóa mới chỉ đạt hơn 200 tỷ USD”, CNBC nhấn mạnh.
Phát biểu trong chương trình "Street Signs Asia" của CNBC, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Cổ phiếu của Maybank Investment Việt Nam Quản Trọng Thành chia sẻ, theo các dự báo, có thể FTSE sẽ nâng hạng cho Việt Nam lên thành thị trường mới nổi sớm nhất là vào tháng 9 năm 2025.
Đáng chú ý, đây cũng là mục tiêu được Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đặt ra vào đầu năm nay, với việc FTSE Russell khuyến nghị duy trì tốc độ cải cách hiện tại nếu muốn đáp ứng thời hạn được nâng hạng.
“Chúng tôi đang thấy những bước tiến triển tốt ở Việt Nam trong việc khắc phục, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt quy định để được nâng lên thành thị trường mới nổi”, vị chuyên gia nói với CNBC.
Chính phủ Việt Nam đang quay trở lại “tập trung cao độ vào nền kinh tế”, đại diện Maybank cho biết.
Điều này mang lại “triển vọng hết sức tích cực” thông qua dự báo tăng trưởng GDP ít nhất 6,2% vào năm tới.
Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% vào năm 2025 “do nhu cầu toàn cầu tăng và niềm tin của người tiêu dùng trong nước được phục hồi mạnh mẽ”.
Tương tự, theo Viện Nghiên cứu Chính sách Kinh tế của Việt Nam, tăng trưởng GDP trong quý IV năm 2024 dự kiến sẽ đạt 7,4%, đạt mục tiêu 7% do Chính phủ đề ra.
Ván cược vào ngành sản xuất chip bán dẫn và AI
CNBC cho biết, chuyên gia Quản Trọng Thành không phải người duy nhất đưa ra những đánh giá tích cực rộng mở về triển vọng trung và dài hạn của Việt Nam.
Christine Phillpotts của Ariel Investments đã nhận định với CNBC rằng "các quốc gia như Việt Nam ... nắm giữ vị thế tương đối tốt" vì ít phụ thuộc vào vốn nước ngoài hoặc có nợ nước ngoài thấp hơn.
“Do đó, Việt Nam đã trở thành địa điểm nơi tương đối an toàn để đầu tư”, Christine Phillpotts thẳng thắn.
Theo chuyên gia của Ariel Investments, Chính phủ Việt Nam đang đặt cược vào sự phát triển của AI, đồng thời, phát huy thế mạnh của mình về năng lực lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu.
Chiến lược quốc gia của Việt Nam đi kèm tham vọng phát triển thành trung tâm nghiên cứu và phát triển các giải pháp AI của ASEAN vào năm 2030.
Đến hiện tại, đất nước đã thu hút được 1 tỷ đô la đầu tư từ ngành sản xuất của Hàn Quốc kéo dài đến năm 2025.
“Năng lực sản xuất chip của Việt Nam không chỉ giúp cạnh tranh với nước láng giềng Malaysia mà còn hỗ trợ thu hút các công ty bán dẫn toàn cầu. Quốc gia Đông Nam Á này hiện là nơi đặt các trung tâm sản xuất lớn của Samsung và Foxconn”, CNBC nhắc lại.
Việt Nam cũng được hưởng lợi đáng kể từ chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong bối cảnh các ông lớn hàng đầu thế giới đều tìm cách bảo vệ tốt nhất chuỗi cung ứng của mình.
Việt Nam cũng được đánh giá sẽ tiếp tục củng cố vị thế của mình trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.
"Một mặt, Việt Nam có lợi thế về mặt địa lý khi gần Trung Quốc trong khi vẫn duy trì khả năng tiếp cận, kết nối mở với các thị trường xuất khẩu ở các nước phát triển. Lợi thế nữa là Việt Nam có hiệp định thương mại tự do", Helmi Arman, chuyên gia kinh tế trưởng của nhóm nghiên cứu tài chính Citi khẳng định với CNBC.
Vị thế trung lập về chính trị đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam
Nói về các thách thức của Việt Nam, giới phân tích cho rằng, tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề và những lo ngại về cơ sở hạ tầng là những điều cần quan tâm.
Cạnh đó, còn nhiều quan ngại về tính ổn định của nguồn cung điện cho sản xuất và tiêu dùng, đây cũng được xem là rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi lựa chọn đầu tư vào Việt Nam.
Cuộc chiến chống tham nhũng mạnh mẽ và việc bắt giữ nhiều cựu quan chức dính đến hối lộ cũng có tác động nhất định đến tâm lý nhà đầu tư.
"Đây chỉ là một số biến động ngắn hạn, nhưng về kết quả lâu dài, ít tham nhũng luôn là điều tốt đối với bất kỳ đất nước nào", Boris Hall, luật sư của Baker & McKenzie có trụ sở tại Việt Nam nhấn mạnh.
Việt Nam xếp thứ 83 trong số 180 quốc gia trong Chỉ số tham nhũng năm 2023 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, đạt điểm cao hơn so với các nước láng giềng châu Á cùng chung cạnh tranh là Thái Lan, xếp hạng 108, Campuchia ở mức 158 và Lào ở mức 136.
Cũng theo giới quan sát, dù hiện Việt Nam vẫn tận dụng được những lợi thế có được trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung, tuy nhiên, theo luật sư Hayton, quốc gia Đông Nam Á còn "phụ thuộc vào các biến động toàn cầu", chẳng hạn xung đôhjt Nga-Ukraina cũng như cuộc khủng hoảng ở Trung Đông.
Thậm chí, kết quả bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11 cũng có thể có hiệu ứng lan tỏa nhất định ở Việt Nam.
"Nếu Trump duy trì lập trường cứng rắn trong chính sách ngoại thương sẽ có thể làm thay đổi cấu trúc chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, từ đó, gây ảnh hưởng đến dòng đầu tư vào Việt Nam”, theo Arman.
Tuy nhiên, cần khẳng định rằng, vị thế trung lập về mặt chính trị của Hà Nội mang lại cho Việt Nam lợi thế "tận dụng động lực trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc" bằng cách thu hút đầu tư từ các công ty mẹ của Trung Quốc và tái xuất khẩu sang Mỹ.
“Nhìn chung, Việt Nam vẫn đang làm tốt thời điểm hiện tại”, Bill Hayton, chuyên gia của chương trình châu Á - Thái Bình Dương đến từ tổ chức tư vấn Chatham House có trụ sở tại Anh nêu quan điểm với CNBC.
Xét ở một số góc độ, điều này liên quan đến quá trình suy giảm ở Trung Quốc, bởi chúng ta đang thấy có rất nhiều xu hướng Trung Quốc + 1. Nhiều công ty phòng ngừa rủi ro và chọn chuyển hướng mở rộng đầu tư sang Việt Nam.
Xu hướng này gây áp lực lên Trung Quốc nhưng lại tốt cho số liệu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.