Việt Nam làm điện hạt nhân: chạy đua với thời gian, sinh ra cơ chế đặc thù
17:43 20.02.2025 (Đã cập nhật: 17:44 20.02.2025)
© SputnikViệt Nam làm điện hạt nhân

© Sputnik
Đăng ký
Để tiếp tục phát triển kinh tế, đất nước chỉ còn cách là phải phát triển điện hạt nhân. Nhưng điều đáng tiếc là dự án điện hạt nhân đã bị bỏ bê, “tạm dừng”. Bây giờ, Việt Nam phải chạy đua với thời gian, nên sinh ra cái cơ chế đặc thù: Chọn thầu rồi chỉ định thầu chứ không đấu thầu!
Ngày 19/2, Quốc hội Việt Nam quyết nghị nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, với hơn 96% đại biểu ủng hộ. Theo đó, Thủ tướng được quyền giao chủ đầu tư thực hiện dự án này và hình thức chỉ định thầu hợp đồng chìa khóa trao tay được áp dụng.
Chỉ định thầu hợp đồng chìa khóa trao tay được áp dụng
Việt Nam khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Theo kế hoạch sẽ xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 tại xã Phước Hải và Vĩnh Hải. Theo dự kiến nhà máy đầu tiên sẽ vận hành phát điện năm 2030 – 2031. Dự án nhằm đảm bảo điều kiện về năng lượng điện cho phát triển kinh tế, xã hội đất nước.
Liên quan tới hình thức chỉ định thầu hợp đồng chìa khóa giao tay, Chính phủ được áp dụng cơ chế này khi xây dựng nhà máy chính với nhà thầu trong điều ước quốc tế. Trong chỉ định thầu được áp dụng quy trình rút gọn với các gói tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư như lập, thẩm tra báo cáo cứu tiền khả thi, hồ sơ duyệt địa điểm, báo cáo nghiên cứu khả thi..., cũng như tư vấn chủ đầu tư đàm phán, ký, quản lý hợp đồng chìa khóa trao tay và giám sát thi công. Việc thẩm định công nghệ, an toàn, an ninh trong các giai đoạn đầu tư làm dự án cũng được áp dụng chỉ định thầu.
Liên quan tới phương án tài chính, thu xếp vốn, Chính phủ được phép đàm phán với chính phủ các đối tác thực hiện để có vốn theo nhu cầu, cam kết của nhà tài trợ nước ngoài. Quốc hội cũng cho phép không phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích dùng rừng để lấy đất làm dự án, nhưng lưu ý hạn chế việc chuyển đổi rừng tự nhiên.
Cơ chế đặc thù còn bao gồm nhiều điểm quan trọng khác.
Vì sao Việt Nam cần gấp cơ chế đặc thù để thực hiện dự án điện hạt nhân?
Các chuyên gia Sputnik phỏng vấn đề có chung đánh giá là vấn đề nằm ở sự “khát điện" đã trở thành "căn bệnh kinh niên" của nền kinh tế Việt Nam. Không phải chỉ bây giờ mà từ những năm 1980 của thế kỷ trước.
“Về thủy điện thì đã khai thác tới 95% tiềm năng, số còn lại không đáng kể nếu như không có công nghệ mới (công nghệ "cột nước thấp"). Ngay cả khi áp dụng công nghệ này thì giá thành còn cao hơn cả điện gió hay điện mặt trời do suất đầu tư lớn. Điện gió và điện mặt trời hiện chỉ chiếm không quá 20% tổng công suất nguồn của Việt Nam. Hơn nữa, sự ổn định cũng không bảo đảm và giá thành cao do suất đầu tư lớn. Riêng đối với điện mặt trời thì còn phải chú ý đến "xử lý rác thải" sau khi các tấm "pin mặt trời" đã "hết hạn sử dụng". Điều này đặt gánh nặng lên chi phí xử lý môi trường về sau”, - Nhà nghiên cứu, chuyên gia về các vấn đề đối nội của Việt Nam Nguyễn Hồng Long phát biểu với Sputnik.
“Để tiếp tục phát triển kinh tế, đất nước và để đạt được tốc độ tăng trưởng 2 con số, chỉ còn cách là phải phát triển điện hạt nhân. Nhưng điều đáng tiếc là do cả nguyên nhân khách quan (vấn đề nhiên liệu và chất thải hạt nhân), cũng như nguyên nhân chủ quan (như bị lôi kéo giữa các nhà thầu Nga, Mỹ, Nhật...) mà cuối cùng bị bỏ bê, “tạm dừng”. Bây giờ, người Việt Nam phải chạy đua với thời gian. Vì thế nên mới sinh ra cái cơ chế đặc thù: Chọn thầu rồi chỉ định thầu chứ không đấu thầu!”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm bình luận với Sputnik.
“Chính phủ đặt mục tiêu Ninh Thuận 1 phát điện năm 2030-2031, tức là chỉ 5-6 năm sau. Với Việt Nam, một quốc gia không có ngành điện hạt nhân, không có công nghệ, thiếu nhân lực nhiều chuyên ngành liên quan tới điện hạt nhân, thiếu vốn…mục tiêu này là khó thực hiện được. Để đẩy nhanh tiến độ công việc cơ chế đặc thù là rất cần thiết”, - Nhà báo Trần Hoàng nói với Sputnik.
Cơ chế đặc thù đã có, cần khẩn trương triển khai song song những việc gì?
Các chuyên gia Sputnik phỏng vấn, để tạo được hành lang pháp lý vững chắc cho các dự án điện hạt nhân, cần hoàn thiện thể chế, đặc biệt là nhanh chóng sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử, sửa đổi Luật Điện lực và các quy định liên quan đến phát triển năng lượng ở Việt Nam. Song song phải khẩn trương xây dựng các cơ chế đặc thù, chính sách đặc thù, tiến hành đàm phán, chọn công nghệ, chọn quốc gia cung cấp công nghệ, chuẩn bị nhân lực, tiền đầu tư, hạ tầng/mặt bằng xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Hiện đây là nhiệm vụ rất cấp bách.
“Những thách thức, khó khăn chính hiện nay là phải hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách về đảm bảo an toàn an ninh hạt nhân; về các vấn đề hạ tầng liên quan đến điện hạt nhân theo hướng dẫn của IAEA thì có 19 vấn đề cần rà soát lại, xem xét trong bối cảnh hiện nay”, - TSKH Trần Hoàng Minh, chuyên gia về điện hạt nhân phát biểu với Sputnik.
TSKH Trần Hoàng Minh cũng lưu ý rằng nhu cầu sửa luật càng trở nên cấp bách. Nhưng rất cần tham khảo mô hình luật mẫu của IAEA và kinh nghiệm quốc tế.
Theo PGS-TS Hoàng Giang, nguồn nhân lực là yếu tố vô cùng quan trọng, đảm bảo sự thành công của dự án. Việt Nam đã có giai đoạn chuẩn bị cho điện hạt nhân trước đây, tuy nhiên quá trình dừng 8 năm dẫn đến phân tán nguồn nhân lực đã có, cần phải rà soát, cũng như kế hoạch rõ ràng trong việc chuẩn bị nhân lực cho dự án. Nga đã hỗ trợ đào tạo nhiều kỹ sư và chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Trên 300 sinh viên đã được gửi sang Nga đào tạo trong giai đoạn 2010-2016. Đây sẽ là nguồn nhân lực tốt cho dự án. Nhưng số lượng cán bộ - chuyên gia cần tăng gấp 2 - 3 lần so với hiện nay mới có thể đáp ứng được nhu cầu của dự án. Dự án điện hạt nhân không chỉ là việc xây dựng nhà máy. Việc xây dựng chắc chắn là bằng công nghệ nước ngoài, nhà thầu nước ngoài nhưng Việt Nam sẽ cần nhân lực của mình cho công việc vận hành, duy tu, bảo trì, sửa chữa, xử lý chất thải, đặc biệt vận hành để hòa được vào lưới điện quốc gia. Cho nên, đào tạo nhân lực phải là một trong những nhiệm vụ hàng đầu.
“Việt Nam phải gấp rút đào tạo nhân lực cho ngành điện hạt nhân. Phương án nhanh nhất, hiệu quả nhất là Nhà nước đặt hàng, ra cơ chế, chính sách đặc thù với sự hỗ trợ lớn của chính phủ cho các trường đại học đào tạo chuyên ngành này và đưa sinh viên, chuyên ra sang các nước như Nga, Nhật Bản, Pháp… học chuyên ngành về điện hạt nhân, đào tạo lại và nâng cao trình độ”, - PGS-TS Hoàng Giang nhấn mạnh với Sputnik.