15h15 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc lời tuyên thệ trước Quốc hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và hàng trăm đại biểu tại hội trường đã vỗ tay chúc mừng tân Chủ tịch nước.
"Tôi nói thực là vừa mừng vừa lo. Mừng vì được Quốc hội và nhân dân tin cậy yêu mến, lo làm thế nào hoàn thành tốt nhất trọng trách của mình trước đất nước" — Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu trước Quốc hội ngay sau khi tuyên thệ.
Lựa chọn của lịch sử
Nhà báo Nhị Lê, Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, khẳng định việc Tổng bí thư làm Chủ tịch nước không phải là câu chuyện mới. Tháng 2/1951, Đại hội lần thứ II của Đảng đã bầu Chủ tịch nước Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng. Người làm song trùng hai nhiệm vụ từ 1951 đến khi mất.
"Trong 18 năm đó, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước bước qua muôn vàn khó khăn, từ cuộc kháng chiến chống Pháp đến những giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Có thể thấy, hoạt động của Đảng, Nhà nước trong thời gian đó hết sức mạnh mẽ và tốt đẹp", nhà báo Nhị Lê nhìn nhận.
"Tổng bí thư đồng thời là Chủ tịch nước nên hiểu là việc tự nhiên, hợp ý Đảng, lòng dân. Đây là việc tự nhiên trong đời sống chính trị của các nước trên thế giới", ông Vĩnh nói.
Là người từng tham gia 5 khóa của Ban chấp hành Trung ương, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cũng đánh giá việc Tổng bí thư làm Chủ tịch nước là phương án tốt nhất và hợp lòng dân.
"Từ sau khi Bác Hồ mất năm 1969 đến nay, do nhiều yếu tố, điều kiện, chúng ta thôi không thực hiện nữa. Khi có cơ hội, chúng ta thực hiện việc Tổng bí thư làm Chủ tịch nước là rất tốt", ông Vũ Mão phân tích.
Nhà lãnh đạo trải qua 3 cương vị chủ chốt
Ông Nguyễn Phú Trọng, sinh ngày 14/4/1944, quê xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội; là giáo sư, tiến sĩ Chính trị học (chuyên ngành Xây dựng Đảng). Ông bảo vệ phó tiến sĩ ngành khoa học lịch sử ở Liên Xô năm 1983 và được Nhà nước Việt Nam phong học hàm giáo sư năm 2002.
Ông là Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, XII; Ủy viên Trung ương Đảng liên tục 6 khóa VII, VIII, IX, X, XI, XII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VIII, IX, X, XI, XII; Đại biểu quốc hội các khóa XI, XII, XIII.
Ông có nhiều năm công tác ở Tạp chí Cộng sản và giữ chức Tổng biên tập từ tháng 8/1991 đến tháng 8/1996.
Từ 8/1996 đến 2/1998, ông làm Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Từ 2/1998 đến 1/2000, ông được giao nhiệm vụ Phụ trách công tác tư tưởng-văn hóa và khoa giáo của Đảng.
Tháng 8/1999 đến 4/2001, ông làm Thường trực Bộ Chính trị.
Từ tháng 1/2000 đến tháng 6/2006, ông là Bí thư Thành ủy Hà Nội và sau đó giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa XI, XII.
Với việc đắc cử chức danh Chủ tịch nước, ông Nguyễn Phú Trọng trở thành vị lãnh đạo trải qua 3 chức danh chủ chốt, gồm Chủ tịch Quốc hội (từ 6/2016 đến 7/2011), Tổng bí thư (từ 1/2011), Chủ tịch nước (từ 23/10/2018)
Đảng cương, quốc pháp và kỳ vọng của nhân dân
Từ nhiều năm qua, phòng chống tham nhũng là khát vọng của toàn dân mà trách nhiệm cao nhất thuộc về các lãnh đạo Đảng, nhà nước. Trong nửa đầu nhiệm kỳ khóa XII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ghi dấu ấn đậm nét trong cuộc chiến chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng với hai từ khóa "lò nóng" và "củi tươi".
Tổng bí thư khẳng định uy tín của mình bằng sự nhất quán giữa lời nói và hành động. Ông đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử hàng loạt vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp được dư luận quan tâm như vụ Hà Văn Thắm, vụ Phạm Công Danh, Huỳnh Thị Huyền Như, các vụ án liên quan đến PVC; đẩy nhanh tiến độ thanh tra, kiểm toán, xử lý các dự án đầu tư thua lỗ, kéo dài.
Năm 2017 kết thúc với sự kiện bắt giam ông Đinh La Thăng. Việc sai phạm của những lãnh đạo cấp cao cũng bị đưa ra xét xử cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đã "không có vùng cấm" và "tắm rửa từ đầu trở xuống", được nhân dân ủng hộ.
Theo nhà báo Nhị Lê, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội tụ một cách dung dị và sinh động hình ảnh một người Việt Nam: Khiêm cung, nhân hòa, bao dung.
"Đảng cương" và Quốc pháp là công cụ, là nền tảng căn cơ để đồng chí Tổng bí thư đồng thời là Chủ tịch nước thực thi trọng trách của mình. Người đứng đầu quốc gia, đứng đầu Đảng sẽ chủ động hơn, các bộ máy được tiếp tục đổi mới, tinh giản, liên thông, trực tiếp, hoạt động hiệu lực hiệu quả, giúp các đồng chí lãnh đạo hoàn thành trọng trách", ông Nhị Lê kỳ vọng.