Nội dung chính của bài viết là các hoạt động quân sự hiện đại, những thay đổi đã diễn ra trong các vấn đề quân sự dưới ảnh hưởng của chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga chống lại chế độ Kiev.
Theo chuyên gia Nga, trong lĩnh vực quân sự đã diễn ra tám thay đổi lớn.
1. UAV - "vị thần chiến tranh" mới
Nếu vào năm 2022, những chiếc máy bay không người lái mới chỉ bắt đầu đóng vai trò quan trọng trên chiến trường thì giờ đây UAV mang tính ứng dụng cao nhất và điều hành mọi việc trong chiến đấu. Việc sử dụng những máy bay không người lái đã đảo lộn hoàn toàn chiến thuật chiến đấu vũ trang tổng hợp.
Hiện nay, Lực lượng vũ trang Nga không chỉ có cùng phạm vi hoạt động của UAV như đối phương mà còn sở hữu các loại máy bay không người lái tấn công độc đáo như "Lancet", "Kub" và "Geran". Bộ Quốc phòng Nga đã đưa ra quyết định thành lập một nhánh mới chuyên biệt của quân đội là binh chủng hệ thống không người lái.
2. Máy bay có người lái không vượt qua chiến tuyến
Sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, các chuyên gia Nga đã thấy rõ rằng, hệ thống phòng không của Ukraina vẫn luôn sẵn sàng chiến đấu mặc dù đã bị tấn công nhiều lần. Máy bay và trực thăng của Nga gặp nguy hiểm khi hoạt động ở độ cao hơn 500 m. Chúng bắt đầu chỉ được sử dụng trên lãnh thổ của Nga, thực tế là không bao giờ bay vượt qua chiến tuyến.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2023, phía Nga đã học được cách vượt qua hệ thống phòng không của đối phương. Các tên lửa siêu thanh "Kinzhal", "Iskander" và "Tsirkon" đã đóng vai trò chủ chốt ở đây, chúng đã phá hủy hầu hết các radar của đối phương.
3. Bom lượn
Kể từ đầu những năm 2000, các chuyên gia Nga đã bắt đầu phát triển dự án bom trang bị mô-đun hiệu chỉnh và phổ quát UMPC. Nhưng, khi đó dự án này không gây được nhiều sự quan tâm của quân đội Nga cũng như các khách hàng nước ngoài tiềm năng. Tuy nhiên, chiến dịch quân sự đặc biệt đã chứng minh rằng, bom lượn là một loại vũ khí hiệu quả, hầu như không có cách nào để chống trả loại bom này. Lần đầu tiên bom lượn đã được sử dụng vào đầu năm 2023, và sau đó những quả bom như vậy bắt đầu rơi xuống các vị trí của đối phương ngày càng thường xuyên.
Ban đầu, đây là những quả bom có trọng lượng toàn bộ là 250 kg và 500 kg, sau đó xuất hiện những quả bom với trọng lượng 1,5 tấn và siêu bom 3 tấn (FAB-3000).
4. Xe bọc thép phải được hiện đại hóa
Trong giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự đặc biệt, xe tăng chưa thể phát huy hết tiềm năng của mình: đối phương đã có nhiều loại vũ khí có thể vô hiệu hóa chúng. Ngoài ra, đã xuất hiện một loại vũ khí mới - máy bay không người lái FPV. Quân đội Nga phải sử dụng biện pháp bảo vệ bổ sung chống lại máy bay không người lái: đây là một phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả - lớp giáp Mangal chống UAV. Có cả phiên bản xe tăng nặng hơn "Tsar Mangal" được trang bị hệ thống chống drone FPV cho toàn bộ xe tăng. "Tsar Mangal" có thể vận chuyển bộ binh nhanh chóng đến vị trí của đối phương. Ngoài ra, Nga còn nhớ lại việc sử dụng xe tăng để khai hỏa từ các vị trí bắn khép kín, biến chúng thành các đơn vị pháo binh cơ động.
5. Các tổ hợp pháo binh có độ chính xác cao
Trong giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự đặc biệt, Nga đã sử dụng các loại pháo kéo và pháo tự hành cổ điển cùng MLRS. Nhưng, tại các khu vực kiên cố mà đối phương đã tạo ra và trang bị trong hơn 10 năm, hiệu quả của chúng lại rất thấp.
Tình hình đã thay đổi vào năm 2023, sau khi Nga với sự trợ giúp của UAV đã thiết lập hoạt động trinh sát khu vực chiến thuật bằng cách truyền tọa độ chính xác các vị trí của đối phương. Các trạm tác chiến phản pháo được cải thiện và các hệ thống pháo phản lực có độ chính xác cao bắt đầu được đưa vào biên chế quân đội: MLRS "Tornado-G" và "Tornado-S" cũng như đạn pháo chính xác cao "Krasnopol". Pháo tự hành "Koalitsiya" đạt tầm bắn tối đa 100 km đã xuất hiện ở khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt. Kết quả là, pháo binh một lần nữa chiếm ưu thế trên chiến trường.
6. Lực lượng phòng không chống lại các đòn tấn công bầy đàn
Sau khi phương Tây bắt đầu chuyển giao các hệ thống ATACMS và HIMARS/MLRS cho Kiev, nhiệm vụ của lực lượng phòng không Nga là bảo vệ các khu vực tiền tuyến khỏi các đòn tấn công vào sở chỉ huy, kho đạn dược, vũ khí, trang bị kỹ thuật và sân bay. Lực lượng vũ trang Ukraina đã triển khai chiến thuật "tấn công bầy đàn" kinh điển của NATO: các vụ phóng tên lửa được thực hiện với sự yểm trợ của máy bay không người lái và tên lửa tầm xa.
Các hệ thống phòng không của Nga "Tor", "Buk" và "Pantsir" đã "đóng chặt bầu trời" trên tất cả các khu vực gần chiến tuyến. Hiệu quả các vụ không kích của đối phương đã giảm đáng kể.
7. Sử dụng đội tàu
Trong thời gian chiến dịch quân sự đặc biệt, Hải quân Nga (Hạm đội Biển Đen và Hạm đội Caspi) đóng vai trò quan trọng trong việc tiến hành các cuộc tấn công tên lửa vào hậu phương của đối phương bằng tên lửa "Kalibr", "Onyx" và "Zircon".
Tuy nhiên, đối phương bắt đầu sử dụng các phương tiện tấn công mới chống lại các tàu chiến Nga - xuồng kamikaze không người lái và UAV tấn công kết hợp tấn công từ cả trên biển và trên không.
Để chống lại UAV, các tàu chiến đã được trang bị hệ thống phòng không "Tor-MKM". Và súng máy cỡ lớn được sử dụng để đẩy lùi các cuộc tấn công của xuồng không người lái. Cách triệt để nhất để chống lại xuồng kamikaze là trinh sát các địa điểm lắp ráp thiết bị này và sau đó phá hủy chúng.
8. Bộ binh
Năm 2022, chiến thuật của Lực lượng Mặt đất Nga đã tập trung vào các nhóm chiến thuật cấp lữ đoàn, đại đội và “phòng thủ tiêu điểm”. Đáng tiếc, đối phương đã lợi dụng những khoảng trống trong “phòng thủ tiêu điểm” để tiếp cận không gian tác chiến và thậm chí là hậu phương của quân đội Nga. Kết quả là, quân đội Nga buộc phải rời khỏi một số vùng lãnh thổ mà họ đã chiếm đóng vào đầu chiến dịch quân sự đặc biệt. Nhưng, sau khi sửa chữa sai lầm trong thời gian đợt “phản công” mùa hè của Lực lượng vũ trang Ukraina năm 2023, Nga đã xây dựng một hệ thống phức tạp gồm các công sự phòng thủ và chướng ngại vật. Kết quả là quân địch đã bị đẩy lui.
Vào năm 2023, Nga đã thành lập các trung tâm huấn luyện bộ đội xung kích, tại đó các chiến sĩ được huấn luyện tốt nhất được cử đến làm huấn luyện viên. Nga đã thay đổi chiến thuật của các đơn vị trên chiến tuyến. Họ bắt đầu hoạt động theo từng nhóm nhỏ, tận dụng các nếp gấp của địa hình để đối phương có thông tin tình báo từ NATO không thể theo dõi được quá trình tái triển khai của họ.
Các đơn vị bộ binh bắt đầu sử dụng tích cực các động thái chiến thuật với yếu tố bất ngờ. Ví dụ, họ bí mật đào hầm, đột kích phía sau phòng tuyến Ukraina.